Góc nhìn

Nhà ở xã hội: miếng bánh hay gánh nặng?

Các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, phát triển nhà ở xã hội là cơ hội phát triển của quốc gia, chứ không phải là gánh nặng cho Nhà nước.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội thảo nhà ở xã hội tại Việt Nam - bài học từ kinh nghiệm quốc tế (ngày 12/3 tại Hà Nội) dưới sự tài trợ của WB. Góc nhìn từ các chuyên gia đến từ WB cho thấy nhiều quan niệm mới mẻ cho một vấn đề có tính phổ biến của nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Sự khác biệt của câu chuyện ở chỗ, trong khi Việt Nam nói đến nhà ở xã hội như một vấn đề “chế độ chính sách” với người nghèo, thì quốc tế lại coi đây là cơ hội để phát triển của mỗi quốc gia.
 
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến tốc độ đô thị hóa nhanh với hơn 1 triệu người từ nông thôn ra thành thị mỗi năm. Dòng dân số di cư này tạo nên nhu cầu cao về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ tại các đô thị. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là cần tạo điều kiện về nhà ở cho những người dân di cư không chính thức đăng ký cư trú (không có hộ khẩu - PV), chính thức hóa những người sống trong các khu định cư không chính thức (người thuê nhà).
 
“Việt Nam may mắn khi không có những khu nhà ổ chuột lớn như Manila (Philippines) hay Jakarta (Indonesia), nhưng với tỷ lệ người dân nông thôn đến thành thị như hiện nay, điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần. Phát triển nhà ở xã hội theo cách coi những người dân di cư là động lực cho phát triển kinh tế là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này”, bà Victoria Kwakwa nói.
 
Bài học từ những nước mà giá nhà ở tương đối phải chăng so với thu nhập trung bình, vai trò của chính phủ là tạo ra một sân chơi bình đẳng cho người tham gia thị trường với sự hỗ trợ cụ thể được cung cấp cho các hộ gia đình nghèo nhất. Khi chính phủ tập trung vào môi trường thuận lợi, nguồn lực từ khu vực tư nhân sẽ trở thành đòn bẩy tốt hơn để tạo ra những khu nhà ở bền vững và công ăn việc làm cho những người dân nghèo.
 
Ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc ban Phát triển đô thị (WB) cho rằng, dù quy mô dân số, diện tích, tốc độ đô thị hóa ở mỗi quốc gia khác nhau, nhưng vấn đề phát triển nhà ở xã hội đặt ra với hầu hết quốc gia. Nhà ở xã hội được cấu thành bởi những yếu tố: quy định phát triển, đất đai, tài chính phát triển, dịch vụ hạ tầng, công nghiệp xây dựng, tài chính cho người sử dụng cuối cùng… Bất kỳ mắt xích trong chuỗi các yếu tố này yếu kém đều dẫn đến yếu kém trong việc phát triển nhà ở xã hội.
 
“Kinh nghiệm ở các nước làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội một cách dễ dàng; đồng thời có các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng. Gói hỗ trợ đó tối thiểu phải cung cấp được cho 50% khoản vay cho những người có thu nhập thấp nhất có thể thuê, mua nhà ở”, ông Sameh nói và lấy ví dụ Brazil (đất nước có dân số 191 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa cao) đã hỗ trợ nhà ở cho người nghèo khi đồng thời khuyến khích họ đưa con đến trường, đưa vào tập hợp các chính sách giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cùng với việc giải quyết thiếu hụt nhà ở.
 
Tuy nhiên, ông Sameh cũng cho biết, bài học thất bại của Brazil là những khu nhà ở xã hội mọc lên ở các khu vực xa trung tâm, nên người dân ở nhà xã hội lại phải bỏ ra 20 - 30% thu nhập để di chuyển đến nơi làm việc. Hiện tại, thay vì Chính phủ đứng ra xây nhà, hoặc mua nhà rồi bán lại cho người dân, Brazil tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính để hộ gia đình tự lựa chọn chỗ ở phù hợp với công việc của họ.
 
Câu chuyện của Brazil khiến người ta liên tưởng đến sự thất bại trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội của Việt Nam hiện nay và theo các chuyên gia, việc đòi hỏi người vay có tài sản thế chấp, cũng như phương án trả nợ theo kiểu “nhà giàu” đã báo trước sự thất bại của loại tín dụng này.
Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo