Nhận gói cứu trợ thứ 3 Hy Lạp chấp nhận những cải cách khắc nghiệt
Để thỏa thuận với các chủ nợ được thông qua thì phía Quốc hội Hy Lạp cần thông qua những thay đổi sâu rộng về luật lao động, tiền lương, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác. Chỉ khi đó, các nước thành viên khác trong eurozone mới bắt đầu xem xét cấp gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp trong vòng 3 năm. Thỏa thuận này yêu cầu tái sắp xếp lịch trả nợ của Hy Lạp nếu cần thiết nhưng không giảm nợ cho Hy Lạp.
Trước khi Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu, những người biểu tình phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã ném bom xăng vào cảnh sát, trong khi cảnh sát dùng hơi cay đáp trả. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận Hy Lạp mới đây cho thấy 70% số người Hy Lạp được hỏi ủng hộ kế hoạch cứu nguy tài chính.
Đồng thời với cuộc bỏ phiếu tại Hy Lạp, Quốc hội Pháp cũng thông qua gói cứu trợ mới dành cho Hy Lạp. Phát biểu trước các nghị sĩ, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh không thể có việc Hy Lạp rời eurozone, dù là tạm thời, và đó là ý tưởng nguy hiểm. Đối với những ý kiến chỉ trích các điều kiện mà châu Âu đặt ra cho Hy Lạp trong gói cứu trợ thứ 3 là quá ngặt nghèo, Thủ tướng Valls khẳng định các điều kiện này “hoàn toàn bình thường” và châu Âu yêu cầu Hy Lạp tiến hành cải cách vì những biện pháp cải cách này chưa thực sự được tiến hành. Theo ông Valls, những gì mà Hy Lạp nhận được khi thực hiện các yêu cầu từ châu Âu là cơ hội thực sự để phục hồi kinh tế.
Trước đó trong tuần này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã chỉ trích các đề xuất trong gói cứu trợ mới mà lãnh đạo các nước eurozone đưa ra cho Hy Lạp. IMF dự báo tình hình Hy Lạp sẽ xấu đi trong hai năm tiếp theo, với mức nợ công gần gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP). IMF nói nợ công của Hy Lạp "vô cùng khó hoàn trả" và nước này cần được xóa nợ. Trước đó, IMF đã đưa ra một số phương án, trong đó có việc giảm nợ cho Hy Lạp, nhưng bị các chủ nợ phản đối kịch liệt.
Hiện, chính quyền Hy Lạp cần khoảng 7 tỉ euro để trả nợ trong tháng 7-2015 và thêm 12 tỉ euro vào tháng 8-2015, và đang chờ Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp để các ngân hàng Hy Lạp có thể mở cửa trở lại. Trong hai tuần nay, các ngân hàng của Hy Lạp vẫn đóng cửa. Người gửi tiền ngày càng tuyệt vọng khi bị giới hạn chỉ được rút 60 euro/ngày từ máy rút tiền.
Thỏa thuận mới giữa các nước eurozone và Hy Lạp về gói cứu trợ thứ 3 cần được Quốc hội của ít nhất 8 nước thành viên eurozone thông qua để được triển khai, quá trình này được dự báo sẽ mất vài tháng. Theo kế hoạch, Quốc hội Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận này vào ngày 17-7.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngày 15-7 cho biết sẽ đệ trình lên Quốc hội nước này kế hoạch cứu nguy Hy Lạp để thông qua nguồn quỹ mà Tây Ban Nha có nghĩa vụ phải đóng góp cho gói cứu nguy này. Tuy nhiên, ông Rajoy không nói khi nào cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra.
Gói cứu trợ thứ 3 từ phía cộng đồng tiền chung giành cho Hy Lạp thật sự ý nghĩa vào thời điểm này. Nó giúp cho Hy Lạp giải quyết những vấn trong nước đồng thời thúc đẩy EU quay trở lại trạng thái cân bằng. Chính vì thế việc Hy Lạp phải thực hiện những cải cách khắc nghiệt được coi như điều kiện để cuộc thương lượng này thành hiện thực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo