Nhân lực - trở ngại cho thương mại điện tử Việt Nam
* Những lợi thế của thương mại điện tử (TMĐT) trên thực tế đã rõ nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) sử dụng chưa hiệu quả. Ông nói gì về điều này?
- DN đều khá rõ về lợi ích của TMĐT trong việc mở rộng thị trường, giảm chi phí kinh doanh. Gần 98% các DN đã sử dụng thư điện tử phục vụ sản xuất, kinh doanh. Không những thế, nhiều DN còn tham gia sàn điện tử trong nước cũng như thế giới, có trên 30% DN đã có website riêng. Tuy nhiên, trở ngại lớn ở đây là vấn đề nhân lực.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam
* Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của TMĐT tới kinh doanh của các DN hiện nay?
- DN bán sản phẩm qua mạng đã khó, chuyển được sản phẩm tới khách hàng với chi phí hợp lý trong điều kiện hạ tầng thanh toán, dịch vụ kiểm soát vẫn "treo" còn khó hơn.
DN ở Hà Nội bán một sản phẩm trị giá 300 ngàn đồng cho khách hàng ở Lai Châu, nên phải tính thêm chi phí chuyển hàng vào đơn giá. Cạnh đó, còn những khó khăn khác đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các lĩnh vực kinh doanh khác.
Hiệu quả của các DN sử dụng website để xuất khẩu mang lại giá trị không cao bởi chất lượng website của họ không đủ sức phục vụ kinh doanh. Rất nhiều DN xuất khẩu, nhất là DN nhỏ gặp vướng mắc trong việc dịch website sang các ngôn ngữ khác.
Đa số các DN xuất khẩu chỉ có website tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi kinh doanh chủ yếu ở thị trường Nam Mỹ sử dụng tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Đối với một DN nhỏ, việc có được một trang web tiếng Anh và được cập nhật thường xuyên đã là điều gần như không tưởng. Một số DN tìm cách thuê, nhưng vướng bởi chi phí.
Mặt khác, các DN FDI chiếm tới 60% tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam. Samsung không cần lập website do đã có hệ thống phân phối riêng. Các website của DN xuất khẩu dệt may, da giày cũng không có tác động gì lớn trong việc thu hút thêm được các hợp đồng mới, họ thường phải dùng các kênh khác. Sản phẩm các ngành nay chủ yếu là gia công theo hợp đồng quy mô lớn, hoàn toàn không bán lẻ.
* Kinh doanh trên môi trường mạng có rất nhiều thách thức không quá khó hiểu, nhưng tại sao ông cho rằng nhân lực là trở ngại lớn của DN?
- Kinh doanh TMĐT đòi hỏi DN không chỉ có sản phẩm tốt mà còn phải có những kỹ năng chuyên sâu để tạo được sự chú ý của khách hàng trên môi trường mạng. Hình thức đơn giản nhất của triển khai TMĐT là tiếp thị qua thư điện tử. Muốn tiếp thị tốt qua thư điện tử, cần người có kỹ năng tạo được những bức thư có hình thức bắt mắt, thư gửi đến khách hàng mà không bị coi là thư rác...
Ở những hình thức cao hơn, DN phải có đội ngũ chuyên nghiệp, biết quản lý website, biết tạo ra website khác biệt để khách hàng có thể nhận diện, quan tâm và mua sản phẩm hay dịch vụ của mình giữa hàng triệu website của DN khác.
Tuy nhiên, việc DN thiếu nhân lực dịch thông tin sản phẩm sang các ngôn ngữ khác vẫn chỉ là chuyện nhỏ, lớn hơn là việc DN muốn đầu tư sâu về TMĐT đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chuyên nghiệp.
* Cảm ơn ông!
Hải Vân/Doanhnhansaigon
End of content
Không có tin nào tiếp theo