Góc nhìn

Nhận trách nhiệm, Bộ trưởng còn phải khắc phục cho cao su!

“Bộ trưởng cần công khai trách nhiệm của chính mình, bộ mình vì còn phải khắc phục điều chỉnh cho cao su và làm tiếp cho các quy hoạch kế hoạch khác nữa”.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ đã nói như vậy về việc Bộ trường Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận trách nhiệm để cao su vượt quy hoạch trước Quốc hội vừa qua. Theo ông, việc nhận trách nhiệm này là tốt mà ít người hiểu rõ trách nhiệm đó là gì! Ông cũng phân tích kỹ hơn để hiểu ngọn nguồn của câu chuyện trách nhiệm.

Còn phải khắc phục, điều chỉnh tiếp nữa
 
PV: - Thưa Giáo sư, trong phần trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về việc trồng vượt quy hoạch 100.000 ha cao su. Là người từng đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh sự đi ngược tiếng nói khoa học của cơ quan quản lý khi cố trồng cây cao su tại những khu vực được cho là không phù hợp, theo ông phần trả lời nhận trách nhiệm của Bộ trường như thế đã là thỏa đáng chưa?
 
GS Nguyễn Ngọc Lung: - Việc các địa phương trồng cao su vượt quy hoạch từ 800.000 ha lên 910.000 ha (13%) trước thời hạn 5 năm so với năm 2015 thật ra không phải là chuyện lớn, nếu như đạt hiệu quả cao như nhà nước và nhân dân mong muốn.
 
Vì xảy ra tiếng nói phản đối phá rừng để trồng cao su tại Tây Nguyên, trồng theo phong trào bất chấp hạn chế vùng sinh thái phù hợp thiệt hại lớn tại Bắc Trung bộ nên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bị chất vấn và nhận trách nhiệm tại Quốc hội khóa XIII.
 
Việc nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là tốt mà ít người hiểu rõ trách nhiệm đó là gì? Thật ra dễ thấy nhất là cấp tỉnh, quản lý dân, quản lý đất, và kế hoạch phát triển của tỉnh, lại để cho quy hoạch bị động, không phân vùng sinh thái cho cao su, phê duyệt quá mức chỉ tiêu được phân bổ và chịu thiệt hại (kinh tế, môi trường, xã hội) trước dân thì đã rõ ràng, ai cũng hiểu.
 
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung cho rằng việc nhận trách nhiệm để cao su vượt quy hoạch phải công khai và có những điều chỉnh cụ thể
 
Theo tôi đọc thông báo số 125/2006 và sau đó 3 năm có quyết định 750/2009 về chỉ tiêu kế hoạch phát triển cao su đến 2015 và 2020, chỉ có 5 dòng về cao su, trong đó:
 
 - Phát triển thêm 90 đến 100.000 ha
 
- 3 nguồn đất được sử dụng là: Đất chưa sử dụng (trống, trọc); đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả và đất rừng nghèo.
 
Sang thế kỷ XXI mà kế hoạch vẫn không xây dựng từ cơ sở lên, tiếp tục nghĩ ra chỉ tiêu rồi bổ xuống từng vùng, từng tỉnh (Top-down). Có trách nhiệm của bộ chuyên ngành không hướng dẫn các tỉnh điều tra quy hoạch để tổng hợp nhu cầu và khả năng phát triển để trình chính phủ quyết định.
 
Bộ trưởng cần công khai trách nhiệm của chính mình, bộ mình vì còn phải khắc phục điều chỉnh cho cao su và làm tiếp cho các quy hoạch kế hoạch khác nữa.
 
PV: - Theo Giáo sư, Bộ trưởng có cần phải chỉ ra cụ thể những tỉnh nào đã trồng vượt quy hoạch cao su? Trách nhiệm điều tra việc đó thuộc về ai, thưa ông?
 
GS Nguyễn Ngọc Lung: - Việc chỉ ra tỉnh nào lập và phê duyệt kế hoạch quá mức do tỉnh phải làm, bộ có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, tổng hợp tình hình cả nước để báo cáo chính phủ và công khai trước nhân dân, trong đó có trách nhiệm hướng dẫn phối hợp và quản lý ngành trong lĩnh vực của mình.
 
PV: - Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã giao công an điều tra việc Công ty TNHH MTV Bình Dương và Trung đoàn 710 thuộc Tổng công ty 15 vượt quy hoạch, phá rừng trồng cao su. Ông bình luận thế nào về việc Gia Lai làm nghiêm với như vậy? Động thái của Gia Lai có chứng tỏ, nếu các tỉnh quyết tâm làm và không bị ảnh hưởng bởi những lợi ích khác thì việc rà soát và xử lý những đơn vị vượt quy hoạch phá rừng, trồng cao su sẽ được tiến hành rốt ráo và có hiệu quả không, thưa ông? Và nếu việc này không làm được thì phải hiểu nguyên nhân là gì?
 
GS Nguyễn Ngọc Lung: - Các tỉnh, từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và cả người dân đều biết 3 loại đất được sử dụng trồng cao su thì chỉ có đất rừng là đủ độ phì, vì vậy trên 80% dự án xin trồng cao su đã xin chặt rừng lấy đất. Hai loại đất còn lại có làm rãy hay trồng rừng nguyên liệu thì cả người dân tộc tại chỗ cũng không làm.
 
Vậy việc CTy Bình Dương hay Binh đoàn 15 phá rừng trồng cao su là nằm trong thông báo kết luận của Thủ tướng, nên quy lỗi cho người thực hiện đã rất khôn khéo? hay cho người phát lệnh chủ trương?  Còn phá rừng vượt kế hoạch tức là ngoài dự án được phê duyệt thì dù ai cũng cần xử lý nghiêm theo pháp luật. Nếu lãnh đạo tỉnh làm nghiêm thì báo chí cần tuyên truyền, còn làm điểm lấy tiếng thì chỉ đáng hoan hô.
 
Ai cũng hiểu trừ nhóm lợi ích cố tình phá rừng đánh đổi
 
PV: - Theo ông, việc xử lý những doanh nghiệp vượt kế hoạch phá rừng trồng cao su sẽ được tiến hành như thế nào? Với những diện tích rừng bị phá trồng cao su, hướng xử lý sẽ như thế nào để tránh tình trạng vì sự đã rồi nên giữ nguyên hiện trạng, không trồng bù lại diện tích rừng đã mất?
 
GS Nguyễn Ngọc Lung: - Phải quan niệm vượt kế hoạch phá rừng là diện tích phá lớn hơn diện tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo dự án hoặc kế hoạch phát triển. Như vậy là vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm.
 
Nhưng nếu phá rừng tự nhiên dù giàu hay nghèo để trồng rừng thuần loại khác như keo, bạch đàn, sao dầu,  và cả cao su nữa là đánh đổi một hệ sinh thái quý báu của tự nhiên có giá trị môi trường cao nhất, lây một hệ sinh thái yếu kém hơn tùy loài cây, giá trị của rừng trồng.
 
Việc đánh đổi này rõ ràng thua thiệt cực kỳ lớn vì vậy toàn thế giới đã có đủ mọi công ước, mọi chương trình kể cả tài trợ để bảo vệ rừng tự nhiên, chỉ vì một chút lợi ích thu nhập kinh tế trước mắt. Các nhà khoa học, nhà môi trường- sinh thái đã chỉ ra rất rõ ràng đến đồng bào các dân tộc còn am hiểu, trừ  nhóm lợi ích cố tình hoặc sống tách rời xã hội  mới có chủ trương hy sinh môi trường để mưu lợi kinh tế khi đánh đổi này.
 
Phá rừng tự nhiên để phát triển cao su nên vẫn là trồng rừng, không có nghĩa vụ đền bù trồng thêm rừng khác. Tuy nhiên Việt Nam quyết không bơi ngược dòng quốc tế trong hành động cứu môi trường.
 
Trời đã giúp ta bằng vài ba trận lụt nặng nề ở Tây Nguyên, vài trận bão ở Trung bộ, huỷ hoại bao nhiêu năm cố gắng phục hồi kinh tế, nay trở thành bài học quá đắt, cho dù đã cảnh báo rằng rừng tự nhiên quý báu như thế nào đóng góp trong việc tạo lập môi trường phát triển bề vưng cho đất nước.
 
Sự tàn phá của bão là bài học đắt giá cho việc cố tình phá rừng để đánh đổi
 
PV: - Để xảy ra tình trạng doanh nghiệp phá rừng trồng cao su trên địa bàn, theo ông trách nhiệm của lãnh đạo địa phương phải được xem xét và xử lý như thế nào? Ai là người phải đứng ra xử lý các trường hợp trên?
 
GS Nguyễn Ngọc Lung: - Việt Nam ta các khuyết điểm của lãnh đạo thường là rút kinh nghiệm cho dù tác hại đến mức nào. Vũ khí chúng ta đã duy trì từ năm 1930 đến giờ là phê bình và tự phê bình . Song đến nay chắc phải đi theo thế giới để xử lý cao hơn, thích hợp hơn khi có một nhà nước pháp quyền.
 
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo