Góc nhìn

Nhập tàu cũ về phá: Lợi triệu USD nếu "giết" môi trường!

'Có rất nhiều chất thải phát sinh trong quá trình phá dỡ tàu cũ như dầu, sơn chứa chì, kẽm không được phân loại sẽ gây ô nhiễm môi trường'.

GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam đã nói như vậy. Theo GS Đăng, việc cho phép các doanh nghiệp nhập tàu cũ về phá ẩn chứa rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nếu các cơ quan quản lý không làm nghiêm ngặt, nhiều chất thải nguy hại có thể bị 'tuồn' ra môi trường (ví dụ như sơn từ vỏ tàu) hoặc xử lý kiểu 'che mắt' cơ quan chức năng bởi xử lý chúng vô cùng tốn kém.

Chỉ là 'cứu' doanh nghiệp

Theo GS Đăng, Luật Bảo vệ môi trường 2005 vốn đã cấm không cho nhập tàu tàu cũ về phá dỡ, song sau đó không biết vì lý do gì, điều này lại được chỉnh sửa ở Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

"Đây là câu chuyện nhạy cảm, được bàn cãi rất sôi nổi vì rất phức tạp. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã cấm không cho nhập vì không xử lý được chất thải nguy hại triệt để", GS Đăng cho biết.

Tuy nhiên xét về kinh tế thì có thể xem đây là một hoạt động thu lợi. Sẽ có các tổng công ty về thép, đóng tàu mới không được thì làm dịch vụ phá tàu, lấy sắt thép để bán.

'Nhưng gọi là tàu cũ hay phế liệu nguy hại hiện đang rất khó phân biệt", ông Đăng nói.

Hiện nhiều người cho rằng hoạt động phá dỡ tàu biển có thể mang lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và nhà nước khi thu thuế và phí bảo vệ môi trường từ hoạt động này. Theo tính toán việc phá dỡ một con tàu cỡ lớn có thể đem lại hàng triệu USD.

Thế nhưng GS Đăng cho rằng việc có lợi chỉ xảy ra khi doanh nghiệp bỏ qua mặt xử lý các chất thải từ con tàu cũ này.

"Nếu làm đúng, đầu tư công nghệ xử lý bài bản thì sẽ chẳng còn lãi bởi nếu 'ngon ăn' chắc các nước không dại gì mà cho không tàu cũ, thậm chí còn hỗ trợ thêm tiền để đẩy con tàu đó đi ra khỏi nước của họ", GS Đăng nói thẳng.

Trên thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2005 không cho phép nhập khẩu tàu cũ vào Việt Nam để phá dỡ, nhưng Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng ký phê duyệt vào tháng 11/2013 đã lên kế hoạch cho ngành phá dỡ tàu biển. Theo đó, ngoài đóng mới và sửa chữa tàu, Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch trung tâm phá dỡ tàu cũ đặt tại Hải Phòng và một số tỉnh miền Trung.

 

Hoạt động phá dỡ tàu cũ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Lo đánh đồng chất thải nguy hại

Theo vị chuyên gia này, hoạt động phá dỡ tàu cũ sẽ có rất nhiều chất thải phát sinh như các hóa chất độc hại và chất thải nguy hại như dầu mỡ khoáng, amiăng, các kim loại nặng (thủy ngân, chì, đồng, kẽm, nhôm, sắt...) và các chất nguy hại khác như chất phóng xạ, hợp chất nhóm xyanua hữu cơ và cặn bể chứa nước dằn tàu có chứa nhiều vi khuẩn và sinh vật ngoại lai. Đó là chưa kể mối nguy hại do phá dỡ những con tàu chuyên chở dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất thải hoặc các loại hàng hóa nguy hiểm khác.

"Hiện nay các chất thải nguy hại mới chỉ có thể được xử lý bằng cách lưu trữ trong kho. Hiện chưa có nơi nào xử lý triệt để được,hoặc nếu có làm đúng thì phải mất rất nhiều tiền. Lo nhất là chất thải không được xử lý, hoặc làm theo kiểu trốn tránh trách nhiệm, che mắt các cơ quan chức năng, nói không nguy hại rồi đưa vào xử lý cùng với rác bình thường thì rất nguy hiểm", GS Đăng lo lắng.

Do vậy GS Đăng cho rằng: phải tăng cường kiểm soát, cái nào không xử lý được thì phải chôn lấp vĩnh viễn, phải có biện pháp để kiểm tra chứ không phải làm theo hình thức.

"Quả thực là nhiều ngành đang cần tiền trước mắt khi nghĩ đến hoạt động siêu lợi nhuận này nhưng rồi sau này để phải đầu tư xử lý môi trường thì có lẽ chưa ai tính đến. Chính vì thế nếu cơ quan chức năng không làm nghiêm ngay từ đầu thì xử lý hậu quả còn mệt hơn rất nhiều", GS Đăng cảnh báo.

Theo các chuyên gia môi trường từ Chương trình Phát triển Liên hợp Quốc tại Việt Nam, hoạt động này có thể đem lại một số lợi ích về kinh tế, tạo việc làm cho một nhóm người, nhưng đã và đang gây hại cho môi trường, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người dân, vì vậy, việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ cần phải bị cấm triệt để.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo