Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Thái Lan gia nhập TPP
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đề xuất giúp đỡ Thái Lan nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của việc trở thành thành viên của TPP cũng như những lợi ích và thách thức trước mắt.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, mặc dù để tuột mất vị trí số 1 vào tay Trung Quốc nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan.
Chính vì vậy, quyết định của chính phủ Thái Lan khi gia nhập TPP sẽ có ảnh hưởng rất quan trọng đến hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Thái Lan. Bối cảnh hiện nay rất đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang dần dịch chuyển hoạt động kinh doanh sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam để hưởng lợi từ hiệp định TPP.
Một tiểu ban nghiên cứu khả năng tham gia TPP cũng sẽ được thành lập và do Bộ trưởng Thương mại đứng đầu cùng đại diện các cơ quan chính phủ, khối tư nhân và công chúng để nghiên cứu, đánh giá tác động của TPP cũng như các biện pháp để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP. Quá trình nghiên cứu sẽ diễn ra trong vòng 1 năm về các tác động, ảnh hưởng tới kinh tế và đồng thời kêu gọi sự quan tâm của các thành phần liên quan.
Thái Lan cũng kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tập trung vào 10 ngành công nghiệp quan trọng được phân chia theo các nhóm phân vùng (clusters). Đây là ưu tiên của chính phủ Thái Lan khi muốn dịch chuyển cơ cấu của nền kinh tế hướng tới những ngành mang lại giá trị cao. Mặc dù kinh tế Thái Lan không mấy khả quan thời gian vừa qua nhưng trước mắt sẽ có nhiều thay đổi tích cực nhờ các biện pháp tích cực của chính phủ.
Vì sao Nhật Bản muốn Thái Lan tham gia TPP?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc Nhật Bản mong muốn Thái Lan gia nhập TPP là nhằm phát triển hơn nữa ngành công nghiệp ôtô. Chẳng thế mà tại một phát biểu với báo giới cách đây không lâu, ông - Yano Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất ôtô Nhật Bản cho biết hợp tác kinh tế với Mỹ, Canada, và các quốc gia khác sẽ tạo động lực đối với ngành ôtô Nhật sau khi bãi bỏ thuế đối với mặt hàng xe và phụ kiện.
Nhật Bản là một trong 12 quốc gia ký kết. Các quốc gia thành viên Hiệp định TPP chiếm 40% thương mại toàn cầu và tổng thu nhập sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 28 nghìn tỷ USD.
Ông Yano cũng chia sẻ thêm và nhấn mạnh quy tắc xuất xứ đối với mặt hàng xe máy trong TPP. “Chúng tôi muốn có thêm thành viên trong TPP bao gồm cả Thái Lan, vì nó sẽ giúp Thái Lan hưởng lợi trực tiếp đối với ngành ôtô.
Quy tắc xuất xứ quyết định hàm lượng sản xuất của sản phẩm trong khu vực tự do thương mại sẽ được miễn thuế. Các nhà sản xuất xe ô-tô dựa vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu trong đó các bộ phận sẽ được làm tại nhiều quốc gia khác nhau.
Nhật Bản ưu tiên việc tự do hóa quy tắc xuất xứ bởi chuỗi giá trị cung ứng bao gồm các quốc gia không phải thành viên TPP như Thái Lan, trong khi đó Canada và Mexico muốn xiết chặt quy tắc bởi các ngành của họ hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ.
Thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ hiện nay vào khoảng 2,5% đối với mặt hàng phụ kiện xe nhập khẩu từ Thái Lan và 25% đối với mặt hàng xe bán tải. Năm ngoái, các nhà sản xuất xe Nhật Bản sản xuất 27 triệu xe toàn cầu bao gồm 10 triệu xe tại Nhật Bản.
Ông Yono cho biết thêm “Các thị trường mới nổi có nhiều tiềm năng phát triển đối với ngành sản xuất ôtô và là đại diện cho xu hướng bán xe và xuất khẩu trong thời gian tới”. Ông cũng chia sẻ rằng các nhà sản xuất xe ôtô Nhật Bản đặt niềm tin vào ASEAN bất luận doanh số bán hàng và sản xuất sụt giảm ảnh hưởng từ nền kinh tế.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng từ năm 2005 bởi 4 nước thành viên ban đầu là Brunei, Chilê, Niuzilân và Xinh-ga-po. TPP chính thức khởi động vào tháng 3/2010. Việt Nam tham gia TPP vào tháng 11/2010. Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chi-Lê, Nhật Bản, Malaysia, Mehico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Với sự tham gia của Nhật Bản (tháng 7/2013), TPP trở thành Khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới. Ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và sẽ tiến hành rà soát pháp lý và hoàn tất các công việc kỹ thuật. Đến ngày 6/11/2015, các nước thành viên cũng đã công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo