Nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam sang Hàn Quốc
Trao đổi với phóng viên, ông Lê An Hải, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương Bộ Công thương, nói:
Với việc ký kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do VN - Hàn Quốc (VKFTA), lần đầu tiên Hàn Quốc mở cửa thị trường với những sản phẩm xuất khẩu của VN như tỏi, gừng, mật ong, tôm... Đây sẽ là cơ hội cho hàng VN tiếp cận thị trường Hàn Quốc, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Dự kiến VN và Hàn Quốc sẽ hoàn thành đàm phán các vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn tất các thủ tục cần thiết, như đợi phê chuẩn từ Quốc hội để sớm ký kết trong khoảng đầu năm 2015.
Những mặt hàng nào của VN sẽ được ưu đãi, mức độ giảm thuế sẽ ra sao, thưa ông?
- Do mới kết thúc đàm phán, còn cần hoàn thiện thêm một số vấn đề kỹ thuật, thủ tục nội bộ và chờ sự phê chuẩn của hai bên nên chưa thể công bố.
Tuy nhiên, có thể khẳng định một số mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của VN như hàng nông thủy sản (tôm, cá, hoa quả nhiệt đới), dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc hơn so với hiện tại. Trong đó, Hàn Quốc sẽ tự do hóa tới 96,48% giá trị nhập khẩu từ VN. Phía VN sẽ tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Việc ký VKFTA chắc chắn sẽ tạo lợi thế hơn cho hàng VN khi mức thuế áp dụng cho sản phẩm từ VN thấp hơn đáng kể so với các nước ASEAN khác chưa ký kết được VKFTA. Đây sẽ là cơ hội để VN mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường. Tất nhiên, việc có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc ở sự chuẩn bị và sự cố gắng của các doanh nghiệp VN.
Nhưng nhiều doanh nghiệp VN không thể vào Hàn Quốc được do những rào cản kỹ thuật chứ không phải thuế?
- VN và Hàn Quốc đều đưa ra cam kết rất toàn diện, từ cam kết về thương mại hàng hóa (với cắt giảm thuế), tới các biện pháp thuận lợi hóa hải quan, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật trong thương mại...
Đặc biệt, VKFTA cũng tạo cơ chế trao đổi để giảm tối đa các hàng rào kỹ thuật của Hàn Quốc - trở ngại chính đối với hàng nông thủy sản xuất khẩu của VN sang thị trường này. Hai bên đã thống nhất sẽ ngồi lại với nhau để bàn và có giải quyết một cách hợp lý, phù hợp nếu phát sinh vấn đề về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật.
Tuy nhiên, Hàn Quốc là một thị trường khó tính nên những tiêu chuẩn cơ bản của họ, nhất là đối với hàng hóa, sản phẩm trực tiếp liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thì doanh nghiệp VN cần chuẩn bị đáp ứng đầy đủ để có thể cạnh tranh thành công.
Hiện VN nhập siêu từ Hàn Quốc khá cao, VKFTA có khiến nhập siêu tăng hơn?
- Điều cần nhấn mạnh là các hiệp định thương mại tự do không chỉ nhằm giảm thuế, mà nó là một xu hướng tất yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Các nước tận dụng cơ chế hợp tác này để phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh của mình, tăng cơ hội tiếp cận thị trường của nhau. Trong VKFTA, hai nước đều tính toán để đạt những lợi ích của mình trên cơ sở cùng có lợi.
Nhập siêu từ Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng, nhưng nhập khẩu chủ yếu phục vụ đầu tư và sản xuất, nhập hàng tiêu dùng ở tỉ trọng rất thấp (khoảng 6%). Cơ cấu hàng xuất khẩu của VN và Hàn Quốc cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Họ xuất những cái mà ta cần phải nhập hoặc chưa sản xuất được.
Ngược lại, VKFTA sẽ giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa VN có thế mạnh sang thị trường Hàn Quốc, đặc biệt nhóm hàng nông lâm thủy sản, cơ khí chế tạo, gia dụng nội thất...
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo