Nhiều dạng nhà ở sẽ không được bán
Bộ Xây dựng vừa hoàn tất dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Theo dự thảo, nhà thuộc sở hữu Nhà nước sẽ không thực hiện bán đối với nhiều trường hợp và Bộ này cũng đề xuất quy định về điều kiện bán nhà khá chặt.
Không bán nhà chung cư xuống cấp nghiêm trọng
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đưa nhà chung cư bị hư hỏng nghiêm trọng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ vào đối tượng không được bán.
Đây là các chung cư đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng; căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại (trừ trường hợp các hộ thuê đã tự cải tạo trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, đảm bảo việc sử dụng độc lập, tự nguyện và đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua).
Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định trên, những loại nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước được đưa vào danh mục "không được bán" gồm có:
- Nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội (trừ trường hợp nhà ở công vụ, nhà ở sinh viên nằm trong khu vực cần di dời theo quy hoạch hoặc không có nhu cầu sử dụng hoặc nhà ở xã hội mà cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhu cầu bán để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác)
- Nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ;
- Nhà ở thuộc khu vực quy hoạch xây dựng công trình trọng điểm của Nhà nước;
- Nhà ở đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền để cải tạo, xây dựng lại thành nhà ở mới hoặc công trình khác;
- Nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện phải thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
- Nhà ở có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở gắn với di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng theo quy định của pháp luật về di sản văn hoá cũng nằm trong danh mục không được bán.
“Thắt” điều kiện để bán
Đối với nhà ở xã hội, chỉ được phép bán khi cơ quan đại diện chủ sở hữu có nhu cầu bán để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác, phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi quyết định bán.
Giá bán của nhà ở xã hội phải đảm bảo thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà ở xã hội; giá bán nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Đối với nhà ở cũ đang cho thuê, giá bán nhà ở bao gồm tiền nhà và tiền sử dụng đất. Còn đối với nhà ở khi xây dựng có một phần tiền góp của cá nhân, tập thể mà không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, cơ quan bán nhà ở căn cứ vào tỷ lệ số tiền đã góp so với giá trị quyết toán khi xây dựng công trình để tính số tiền bên mua phải tiếp tục trả theo giá bán.
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá trị còn lại của nhà ở, hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng của nhà ở và việc phân bổ hệ số các tầng khi chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở của nhà ở cũ đang cho thuê.
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có tờ trình, đề nghị Thủ tướng ban hành Quyết định về quản lý, bố trí cho thuê nhà ở công vụ của Chính phủ.
Bộ này đề xuất, giá cho thuê nhà ở công vụ đối với nhà chung cư có thang máy 5.700 đồng/m2/tháng; Đối với nhà chung cư không có thang máy và các loại nhà ở khác: 3.400 đồng/m2/tháng. Giá cho thuê nhà được xem xét, điều chỉnh 5 năm/lần./.
Các hành vi nghiêm cấm trong quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước - Cho thuê, bán nhà ở không đúng đối tượng và điều kiện quy định tại Nghị định này. - Tự ý chuyển nhượng hợp đồng cho thuê nhà ở. - Sử dụng nhà ở không đúng mục đích. - Tự ý sửa chữa, cải tạo nhà ở. - Sử dụng tiền thuê, tiền bán nhà ở sai mục đích. - Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. |
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo