Góc nhìn

Nhiều doanh nghiệp chỉ mải mê buôn bán thiếu tầm nhìn pháp luật

Theo một khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới 90% doanh nghiệp nhỏ không biết đến dự thảo luật để góp ý cũng như rất khó khăn trong việc tiếp cận các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các cơ quan nhà nước khi lấy ý kiến về một dự thảo luật nào đó thường đã có sẵn danh sách các doanh nghiệp để lấy ý kiến. Chính điều này càng làm nhiều doanh nghiệp không có cơ hội tiếp cận dự thảo luật để góp ý.

Ông Đậu Anh Tuấn –Trưởng ban Pháp chế VCCI.

Xung quanh vấn đề này, PV Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn –Trưởng ban Pháp chế VCCI.

PV: Con số 90% doanh nghiệp nhỏ không biết tới các dự thảo luật để góp ý phản ánh vấn đề lớn đang tồn tại trong cộng đồng này. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

Ông Đậu Anh Tuấn: Việc đa số doanh nghiệp nhỏ không biết các dự thảo văn bản luật có nhiều nguyên nhân. Trước hết là họ không quan tâm, cho nên cũng không có động cơ để tìm hiểu, nắm bắt.

Điều này rất khác so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là họ thường chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, đề phòng hơn với quy định có thể xảy ra, ảnh hưởng tới họ. Ví dụ họ sẵn sàng bỏ tiền tham dự những cuộc tọa đàm về dự thảo mới. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam thì rất ít, thậm chí hội thảo tuyên truyền miễn phí chưa chắc đã đến.

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ mà doanh nghiệp Việt Nam nói chung, qua nhiều năm tiếp xúc tôi thấy đó là đặc tính. Doanh nghiệp Việt Nam quá mải mê làm ăn, mải lo điều hành kinh doanh hàng ngày nên thiếu tầm nhìn rộng về khuôn khổ luật pháp.

Khi văn bản bắt đầu có hiệu lực, hoặc bắt đầu “sờ” đến nơi mới ngã ngửa ra, mới thấy vô lý quá. Nếu họ tìm hiểu, có phản ứng từ đầu thì sẽ rất khác. Cũng có thể do tầm nhìn, mức độ quan tâm. Qua thời gian có tích cực dần lên nhưng so với bức tranh chung còn rất hạn chế.

Một lý do thứ hai, có lẽ do trình độ, nhận thức của doanh nghiệp. VCCI có nhiều cuộc khảo sát, kết quả cho thấy trình độ về pháp luật của bộ máy lãnh đạo DN, cũng như của bộ phận giúp việc cho lãnh đạo không mạnh.

Cuối cùng là mức độ tham gia của hiệp hội doanh nghiệp cũng hạn chế. Khảo sát của VCCI nhận định doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội nào đó thì nhận thức về pháp luật và mức độ quan tâm về dự thảo sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên điều tra trong nhiều năm, tỷ lệ doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội doanh nghiệp nào đó chỉ mới chiếm 30%. Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa có nhu cầu tham gia tổ chức này, mà chức năng quan trọng của Hiệp hội là đại diện bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp. Sự liên kết của các đơn vị này cũng còn lỏng lẻo.

PV: Các cơ quan nhà nước thường có sẵn danh sách các doanh nghiệp lớn để lấy ý kiến tham vấn về dự thảo mới.Việc này đã làm các doanh nghiệp nhỏ không có cơ hội tiếp cận dự thảo luật để góp ý? Ông bình luận thế nào về điều này? Liệu đây có phải là phần thiệt thòi cho các doanh nghiệp nhỏ không, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trong quá trình khảo sát, chúng tôi có đưa ra câu hỏi doanh nghiệp có tham gia hoạt động xây dựng chính sách pháp luật không? Nếu chia theo quy mô thì nhìn chung doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì mức độ tham gia nhiều hơn đặc biệt tần suất lấy ý kiến cũng nhiều hơn. Các cơ quan nhà nước tham vấn ý kiến, tập trung vào doanh nghiệp lớn. điều này không lạ.

Nếu theo dõi các buổi góp ý thì sẽ thấy các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách cần những góp ý có chất lượng cao. Các doanh nghiệp lớn có bộ phận riêng, có trình độ pháp luật ưu việt hơn doanh nghiệp nhỏ nên dễ dàng có ý kiến góp ý tốt. Hơn nữa, còn đặt ra một với một vấn đề khác, cùng một quy định nhưng tác động tới doanh nghiệp là khác nhau, có lợi cho doanh nghiệp lớn nhưng chưa chắc có lợi cho doanh nghiệp nhỏ.

Thực ra cũng phải tính đến thực tế, Việt Nam có hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ, nếu để họ tham gia tích cực và lấy ý kiến hầu hết là điều không khả thi. Điều này dẫn tới thực trạng các doanh nghiệp nhỏ chưa được tham vấn đầy đủ. Nhưng ở đây đề cập, tăng cường vai trò đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng….Khi vị thế, năng lực của bộ phận này tốt hơn thì tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ cũng được đại diện tốt hơn.

PV: Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, chuẩn bị bước vào các sân chơi lớn mà gần nhất là năm 2015 Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế Asean, sự hạn chế trong việc nắm bắt luật pháp của doanh nghiệp cũng sẽ là rào cản. Theo ông, cần làm gì để doanh nghiệp nhỏ khắc phục được điều này?


Ông Đậu Anh Tuấn: Đây là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Mức độ hiểu biết về pháp luật, điều ước quốc tế, cam kết hội nhập… còn hạn chế.

Trong báo cáo PCI 2013 mà VCCI mới công bố, có một điểm đặc biệt nối lên đó là việc tham vấn doanh nghiệp có liên quan chặt chẽ với mức độ tuân thủ pháp luật. Nếu một doanh nghiệp tham gia vào quá trình soạn thảo chính sách từ đầu, thì sau này việc thực hiện của họ tốt hơn và sẽ am hiểu hơn. Những doanh nghiệp góp ý và được cơ quan nhà nước phản hồi thì mức độ thực hiện rất tốt.

Việc tham vấn này không những phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp mà còn thúc đẩy việc thực thi quy định pháp luật. Đây là giải pháp quan trọng cho cơ quan quản lý ban hành chính sách.

Thông tư 20 của Bộ Khoa học Công nghệ mới đây là một ví dụ. Việc ban hành thông tư 20 khiến nhiều doanh nghiệp phản ứng mạnh. Có điểm tiến bộ là Bộ Khoa học Công nghệ đã dừng lại để bàn về việc sửa đổi cho hợp lý nhưng ở đây có khoảng cách về thông tin, giữa mong muốn của cơ quan quản lý với lợi ích doanh nghiệp.
 
Mục tiêu của cơ quan này lúc đầu rất tốt, đó là tránh để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, tránh ô nhiễm môi trường…nhưng quy định như vậy ảnh hưởng một số ngành, cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam, các dự án FDI.

Từ trường hợp thông tư này đưa ra một điều là cần tham vấn rộng rãi hơn. Nếu họ tham vấn rộng rãi, để lấy ý kiến sâu…thì thiện chí của doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước cũng sẽ được cải thiện. Đó là những lợi ích lớn, chất lượng quy định pháp luật được nâng lên và thực thi. Nếu doanh nghiệp có thông tin, việc chuẩn bị cho thực hiện và thực hiện thuận lợi hơn chứ không phải tới giờ đó mới ngã ngửa ra là có quy định như vậy.

Theo tôi, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung cần dành thời gian hơn và quan tâm đến các vấn đề thay đổi chính sách, để tham gia hoạt động do Hiệp hội tổ chức. Dành thời gian để tăng thêm mức độ dự báo về các thay đổi pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần sự chủ động hơn của nhà hoạch định chính sách, chủ động tham vấn hiệp hội ngành hàng bị ảnh hưởng chứ không hẳn đợi doanh nghiệp tự tìm đến.

PV: Vậy ông nhìn nhận thế nào về tình trạng đưa lợi ích nhóm vào trong các chính sách?


Ông Đậu Anh Tuấn: Nếu hiểu lợi ích nhóm theo nghĩa rộng thì điều đó hoàn toàn bình thường. Một chính sách ban hành có thể có một nhóm doanh nghiệp được lợi. Ví dụ như tăng thuế nhập khẩu thép thì những nhà nhập khẩu thép, nhà sản xuất thép làm nguyên liệu gặp bất lợi vì sẽ khó bán hàng. Nhưng doanh nghiệp sản xuất thép trong nước thì lại được lợi.

Nói như vậy để hiểu, chính sách thì không thể bao phủ cho tất cả được, có lợi cho nhóm này thì sẽ gây khó khăn cho nhóm kia. Khi ban hành chính sách, Nhà nước đã cân nhắc đủ lợi ích của các nhóm, thành phần khác nhau trong xã hội, không chỉ nghe lợi ích của nhóm này mà bỏ qua nhóm kia.

Quy trình cân nhắc đã công khai và minh bạch để mọi thành phần đều biết được và cũng cho những nhóm yếu thế khác có cơ hội bày tỏ, chẳng hạn như nhóm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường…với cơ chế vận hành như vậy, Nhà nước cân nhắc làm sao để có lợi cho kinh tế, cho quốc gia.

Nên đừng nhìn nhóm lợi ích bằng con mắt quá khắt khe, như một vấn đề cần đề phòng.

Trân trọng cảm ơn ông!

TS Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam: “Việc tham vấn từng DN là không có điều kiện. Cơ quan xây dựng chính sách chỉ thông qua các hiệp hội, cơ quan nghiên cứu để tổng kết vấn đề nên doanh nghiệp không nắm bắt được cũng đúng thôi. Nói chung doanh nghiệp nhỏ chỉ chúi đầu buôn bán kiếm tiền nên không để ý. Không có tiếp thu tiếp cận nên khả năng nắm bắt và tổ chức thực hiện rất hạn chế.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để dân chủ đóng góp bằng nhiều kênh, để doanh nghiệp hiểu và nắm được nhưng rất tiếc cả ba lĩnh vực: hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương và truyên truyền còn rất yếu”.


 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo