Doanh nhân

Những chính sách mới được thực thi từ tháng 2/2016

Những chính sách mới như: Đóng bảo hiểm chưa đủ 1 năm được hưởng BHXH một lần tối đa 2 tháng lương, lao động thời vụ được làm thêm tối đa 300 giờ/năm, ... sẽ chính thức có hiệu lực thực thi từ tháng 2/2016.

1. Người lao động thời vụ được làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm

Theo quy định của Thông tư 54/2005 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/2, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động thời vụ không quá 300 giờ.

Theo quy định, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 ngày của người lao động thời vụ tối đa là 12 giờ; không quá 9 giờ với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục); trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.

Với lao động làm việc trong ngày từ 10 ngày trở lên phải được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường.

Doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ số ngày lễ, Tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo quy định.

2. Đóng bảo hiểm chưa đủ 1 năm được hưởng BHXH một lần tối đa 2 tháng lương

Theo Thông tư 59 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, từ 15/2, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH, tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng và không được hưởng BHXH tháng đó.

Đóng bảo hiểm xã hội

Từ 15/2, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH

Trường hợp nghỉ chăm sóc con dưới 7 tuổi, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc vẫn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc do người sử dụng lao động quyết định, không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng, tiền sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn…

3. Người lao động bị thu hồi đất được vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động

Theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/2, người lao động bị thu hồi đất sẽ được vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn vay bằng thời hạn đi lao động.

Các trường hợp, người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp, được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi và người bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu đào tạo nghề, sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm; được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm…

Theo quyết định trên, thời gian hỗ trợ là 5 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

4. Bảo hiểm cho người lao động trên công trường tối thiểu 100 triệu/người/vụ

Nghị định 119/2015 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/2 quy định, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường với mức bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ.

Cũng từ ngày này, chủ đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc Danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm công trình trong thời gian xây dựng.

Trong đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

5. Công dân được khai thác thông tin trên CSDL quốc gia về dân cư

Nội dung này được nêu tại Nghị định 137 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 15/2/2016.

Theo Nghị định, công dân sẽ được khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, thông qua văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.

Ngoài những trường hợp này, công dân có nhu cầu khai thác thông tin phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Về cấp số định danh cá nhân (gồm 12 số, trong đó 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh và 06 số ngẫu nhiên), Nghị định quy định, cá nhân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, số định danh cá nhân sẽ được cấp khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Tổng hợp theo Doanhnhansaigon

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo