Bất động sản

Những công trình giao thông trọng điểm… “mất điểm”

Khát vốn thi công, thiếu mặt bằng mặt bằng… là những nguyên nhân khiến hàng loạt công trình cầu đường của TP.HCM lỗi hẹn hoàn công.

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, hàng loạt công trình cầu đường mang tầm “quốc kế dân sinh” trên địa bàn đã tiếp tục lỗi hẹn với người dân.

Tình trạng này khiến bộ mặt đô thị TP.HCM chưa thể hoàn thiện như kỳ vọng của người dân mà trái lại, có trường hợp thi công nhếch nhác đã khiến chất lượng an toàn giao thông xuống dốc.

Công trình trọng điểm vào sổ đen tai nạn giao thông

Dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 được khởi công từ đầu năm 2009, với hai đoạn: Đoạn liên tỉnh lộ 10A từ cầu Tân Tạo, huyện Bình Chánh đến cầu Xáng, giáp ranh tỉnh Long An) dài hơn 8km do Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 4 làm chủ đầu tư và đoạn liên tỉnh lộ 10B nằm trên địa bàn quận Bình Tân và huyện Bình Chánh dài 6km do Khu QLGTĐT số 1 làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, cuối tháng 11/2009, đoạn liên tỉnh lộ 10A sẽ hoàn thành việc mở rộng còn đoạn liên tỉnh lộ 10B sẽ hoàn thành vào tháng 3/2010.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện, tại tỉnh lộ 10B mới chỉ hoàn thành cơ bản một nửa số lượng gói thầu xây lắp. Các gói thầu còn lại hiện chưa thi công do chờ giải phóng mặt bằng.

Tương tự, dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 giáp ranh Long An đến cầu Tân Tạo hiện cũng đang phải leo thang thời điểm dự kiến hoàn thành.

Theo đó, dự án này phải triển khai theo kiểu vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Đến nay huyện Bình Chánh đã chi bồi thường 343/760 hộ, quận Bình Tân đã chi bồi thường 30/36 hộ.

Với số lượng giải toả mặt bằng “nhỏ giọt”, công trình đang nợ lại 2km đường từ cầu Xáng đến đường Võ Văn Vân.

Như vậy, 4 gói thầu số 1, 2A, số 8 và số 11 đã chắn chắn phải án binh bất động chờ thời.

Tỉnh lộ 10 bao gồm cả đoạn 10A và 10B trong năm qua được liệt vào danh sách 'điểm đen' tai nạn giao thông vì tình trạng hạ tầng quá xấu bởi thi công kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Trong một cuộc họp do UBND TP.HCM chủ trì, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Võ Văn Nhuận đã bức xúc đề nghị UBND thành phố cần ráo riết chỉ đạo các ban ngành liên quan và các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ với công trình này.

Khát vốn, đói mặt bằng


Dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài với chiều dài 13,657km, mặt đường rộng từ 30 - 60 mét. Toàn tuyến có ba cầu và sáu cầu bộ hành được dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu năm 2014 nhưng công tác giải phóng mặt bằng vẫn bị kẹt khoảng hơn 100 trường hợp ở 3 quận Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức.

Cho nên, việc thi công xây dựng công trình phải tiến hành song song với việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Dự kiến cầu Bình Lợi hoàn thành vào giữa năm 2013 và toàn bộ công trình phải “chốt sổ” vào năm 2014.

Cùng chung tình cảnh lỗi hẹn do thiếu mặt bằng, dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội dài 16km, bề rộng mặt cắt từ 113,5 đến 153,5 mét, đủ chỗ cho 14 - 15 làn xe, tổng vốn đầu tư khoảng 8.887 tỷ đồng theo hình thức BOT hiện cũng chưa hoàn thành.

Trong đó, đáng lưu ý là phần đường chính và đường song hành từ ngã tư Thủ Đức đến Tân Vạn vẫn chưa có mặt bằng để thi công.

Bi kịch nhất là tình cảnh của Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Hiện nay, dự án này đã chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu khoảng 2 năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án trên là 17.387 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng từ ngân sách thành phố chiếm gần 3.000 tỷ đồng (17% tổng mức đầu tư).

Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ cơ bản hoàn thành trên địa bàn quận 9, quận Bình Thạnh và quận 1. Báo cáo của Sở GTVT TP.HCM cho thấy, trên địa bàn quận Thủ Đức mới chỉ có 120/519 hộ bàn giao mặt bằng.

Ngoài ra, dự án xây dựng đường vành đai phía đông (nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc) do Công ty CP đầu tư Phú Mỹ làm chủ đầu tư không biết bao giờ mới hoàn thành đoạn từ đường Liên tỉnh lộ 25B về đến cầu Rạch Chiếc (dài khoảng 5,5km) do chủ đầu tư đang khó khăn về vốn.

Dự án đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương) do Ban quản lý đường sắt đô thị làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 26.116 tỷ đồng cũng đang gặp khó khăn.

Hiện Ban quản lý đường sắt đô thị đang hoàn tất thiết kế ranh mốc của dự án để bàn giao cho địa phương triển khai lập thủ tục bồi thường tại các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú.

Chủ đầu tư dự án đang tiến hành các thủ tục đấu thầu chọn tư vấn và chuẩn bị công tác ký kết các hiệp định vay đợt hai với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở GTVT cho biết, năm 2012 là năm "An toàn giao thông" và "Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015" nên ngành sẽ tập trung khởi công hàng loạt công trình trọng điểm với tổng vốn đầu tư lên đến gần 47.000 tỷ đồng.
 


Theo

Quốc Quang
Vietnamnet

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo