Những điểm nhấn tại thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc
Theo Reuters, khoảng 40 lãnh đạo trên thế giới tập hợp về Hàng Châu- Trung Quốc, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama đến lãnh đạo Nga, Vladimir Putin, từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến hoàng tử vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman.
Đại diện cho Châu Á, ngoài ông Tập Cận Bình trong cương vị chủ nhà, phải kể đến hai nhân vật nặng ký trên bàn cờ kinh tế và quan hệ quốc tế là thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo Ấn Độ, Narendra Modi. Châu Âu gây chú ý với hai nữ thủ tướng Đức và Anh, Angela Merkel và Theresa May.
Hàng Châu vắng tanh vì thượng đỉnh G20
Không phải tình cờ Hàng Châu được chọn làm địa điểm tiếp nguyên thủ quốc gia 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới, cùng với lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, đại diện của 7 định chế đa quốc gia như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE … và 7 nguyên thủ trong diện khách mời của G20, theo phân tích của RFI.
Hàng Châu, một thành phố với gần 8 triệu dân cư, là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Trung Quốc, là quê hương của ông vua Jack Ma, chủ nhân hệ thống bán hàng qua mạng Alibaba và thành phố này cũng là thành trì của chủ tịch Tập Cận Bình, là bệ phóng đưa ông lên đỉnh cao quyền lực.
Để chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 lần này, Trung Quốc đã tăng cường an ninh tối đa. Hàng triệu dân cư của thành phố được “đề nghị” đi nghỉ mát xa nhà. Đôi khi phí tổn của những ngày nghỉ mát bất khả kháng đó được công ty trang trải. Hàng Châu trở nên yên tĩnh với những đại lộ vắng người đến nỗi, phóng viên nước ngoài không ngần ngại gọi đây là “thành phố ma”. Chỉ có bóng dáng nhân viên an ninh. Những nhà ly khai, những người bất đồng chính kiến với đường lối của Bắc Kinh được tạm mời đi du lịch “nước ngoài”.
Cũng nhờ tổ chức thượng đỉnh G20 mà không khí ở Hàng Châu trở nên trong sạch lạ thường. Hàng ngàn nhà máy, cơ xưởng được lệnh tạm ngưng hoạt động. Tuyệt đối không thấy khói đen nhả ra từ những lò sản xuất gần thành phố vào lúc mà Trung Quốc thông báo “phê chuẩn thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đã được thông qua ở Paris nhân hội nghị COP21.
Điều bất thường khác là trong hai ngày thượng đỉnh, bức tường thành kiên cố của cơ quan kiểm duyệt internet Trung Quốc tại Hàng Châu, chiếc nôi công nghệ tin học trên quê hương Khổng Tử, hình như cũng tạm được “nghỉ phép”, để những vị khách mời của G20 cùng hàng ngàn phóng viên quốc tế đến đưa tin về sự kiện trọng đại này dễ dàng truy cập vào cổng tìm kiếm Google hay các mạng xã hội Facebook và Twitter. Nhưng tự do thông tin trên mạng này chỉ được giới hạn ở những khu khách sạn quốc tế hay các trung tâm hội nghị.
G20 Hàng Châu không chỉ dành để nói về kinh tế
Được hình thành từ năm 1999 nhưng thượng đỉnh G20 chỉ thực sự được khởi động vào cuối những năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đe dọa ổn định kinh tế của thế giới. Nhóm này bao gồm : Nam Phi, Achentina, Brazil, Canada, Mỹ, Mêhicô, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Indonesia, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên Hiệp Châu Âu, tạo ra 85 % sản lượng trên hành tinh.
Ngày 15/11/2008 dưới sức ép của Anh và Pháp, nguyên thủ và thủ tướng chính phủ G20 gặp nhau lần đầu tiên tại Washington, Hoa Kỳ để bàn về một kế hoạch chận đứng đà lây lan của trận đại hồng thủy tài chính, bắt nguồn từ vụ tập đoàn ngân hàng Mỹ Lehman Brothers tuyên bố vỡ nợ.
Khi đó các lãnh đạo trên thế giới chú trọng vào các biện pháp kích cầu, đối phó với khủng hoảng tài chính, vào việc tăng cường các phương tiện chữa cháy của các tổ chức tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong nhiệm vụ cứu nguy các nền kinh tế bị động ; vào việc củng cố và rà soát lại hệ thống vận hành của giới ngân hàng đề phòng các hành vi bất cẩn, cho vay quá trớn để xảy ra những thảm họa như Lehman Brothers ; vào việc chống các biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Lần này tại Hàng Châu, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và trao đổi thương mại trên thế giới, một trong những trọng tâm của hội nghị là hồ sơ chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế gây ô nhiễm nhất hành tình vừa thông báo đã phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris.
Thượng đỉnh Hàng Châu 2016 mở ra trong bối cảnh, ngoại trừ Ấn Độ, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang trỗi dậy bị chựng lại. Đây là trường hợp của Nga, Brazil và kể cả bản thân Trung Quốc. Bên cạnh đó thì các nước công nghiệp phát triển nhất vẫn chưa tìm lại được con đường tăng trưởng một cách vững vàng. Thất nghiệp tại Liên Hiệp Châu Âu còn cao ở mức kỷ lục. Bruxelles phải đương đầu với thách thức Brexit, khi đa số dân Anh đòi ra khỏi gia đình Châu Âu.
Khủng bố và Syria, căng thẳng Nga-Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài những vấn đề thuần túy kinh tế, cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm ra ngõ thoát để giải quyết khủng hoảng Syria. Thêm vào đó là hồ sơ khủng bố hơn bao giờ hết chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của G20 Hàng Châu.
Tại thượng đỉnh lần này, một loạt các cuộc họp song phương được dành cho Syria và khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lần đầu tiên xuất hiện trên bàn cờ chính trị quốc tế kể từ sau vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016. Ông Erdogan sẽ có một buổi làm việc song phương với tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin kể từ khi Ankara can thiệp tại Syria. Với Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần khai thông hồ sơ người nhập cư. Ngoài ra, tại Hàng Châu lãnh đạo Pháp, Đức và Nga sẽ họp riêng trên hồ sơ Ukraina.
Sau cùng, G20 lần này cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tân thủ tướng Anh, bà Theresa May với đồng minh thân thiết Hoa Kỳ và đương nhiên là Brexit cũng sẽ được nhắc tới.
Chính sách của Trung Quốc
Một trong những sự kiện được chú ý khác tại thượng đỉnh G20 lần này là cuộc họp song phương giữa tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye với chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh Mỹ -Hàn triển khai dự án phòng thủ THAAD.
Tất cả những hoạt động ngoại giao nói trên cho thấy, Trung Quốc với thượng đỉnh G20 Hàng Châu đang khẳng định ảnh hưởng của mình trên bàn cờ quốc tế. Không chỉ hài lòng với cương vị nền kinh tế thứ hai toàn cầu, Bắc Kinh đã liên tục mở rộng vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực, từ tài chính đến ngoại giao, và kể cả về mặt chiến lược qua hàng loạt các chương trình hợp tác với Châu Phi, châu Mỹ hay từ Âu sang Á.
Đặc biệt trên địa hạt tài chính, ngân hàng, Bắc Kinh với sáng kiến thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á AIIB đã lôi kéo được nhiều thành viên trên thế giới vào quỹ đạo của mình, trong đó có cả những đồng minh thân thiết của Mỹ, cho dù tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại và quốc gia này phải đối mặt với rủi ro nợ nần chồng chất.
Trung Quốc cũng đang chạy nước rút để cho ra đời một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn, làm đối trọng với Hiệp ước tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Đâu đó, thượng đỉnh Hàng Châu cũng là dịp Bắc Kinh xua tan thất bại ngoại giao và lấy lại uy tín phần nào bị sứt mẻ sau phán quyết về Biển Đông của Tòa án Trọng tài La Haye hồi tháng 7/2016. Riêng với bản thân ông Tập Cận Bình, G20 lần này thành công sẽ là bằng chứng rõ rệt nhất để chứng minh với thế giới và nhất là với các đối thủ chính trị của ông ngay tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc trong những năm tháng Tập Cận Bình đã trở thành một cường quốc có tiếng nói định đoạt với các hoạt động kinh tế của thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo