Những điều dễ nhận thấy ở một CEO thành công
Trang Bussiness Insider mới đây liệt kê 13 điều CEO của các startup thành công làm tốt hơn người khác.
1. Giỏi tuyển người
Robert Scoble - nhà phân tích tại Rackspace - nhận định: “Một CEO thực sự giỏi phải là người biết cách lựa chọn nhân viên phù hợp với vị trí công việc. Điều đó đồng nghĩa với việc vì tương lai của cả công ty, bạn phải loại bỏ một số ứng viên không phù hợp, cho dù họ cũng có tài”.
2. Sự thông minh ở thực tế quan trọng hơn việc chỉ giỏi kiến thức trong sách vở
"Thâm nhập vào đời sống, thị trường, nắm bắt tâm lý khách hàng quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ nghiên cứu trên máy tính và sách vở" - Mark Suster, đối tác tại Upfront Ventures, cho hay.
3. Đặt lợi ích tập thể lên trên cá nhân
“Hầu hết doanh nhân đều mưu cầu lợi ích cho cá nhân. Tuy nhiên, những người lãnh đạo startup thành công thường xem xét tới lợi ích của các cổ đông lên trước lợi ích của mình.
Trên thực tế, chắc chắn có những trường hợp giám đốc điều hành âm thầm nạo vét tiền của nhân viên và các nhà đầu tư để làm giàu cho bản thân. Một nhà quản lý giỏi thực sự phải kiên quyết chống lại cám dỗ này” - John Greathouse (doanh nhân, nhà đầu tư, giáo sư) cho biết.
4. Đưa ra định hướng cụ thể nhưng không quản lý tới mức vi mô
“Một giám đốc điều hành cần đưa ra kế hoạch chi tiết nhưng không quản lý tiểu tiết. Xây dựng công ty là làm cho tất cả các bộ phận trở nên phù hợp, hài hòa với nhau, từ đó tạo ra thành công lớn” - Henning Moe, một doanh nhân, chia sẻ.
5. Đủ can đảm làm việc lớn
“Bạn phải có đủ can đảm để đối mặt với những khó khăn, thử thách, để kiên định với con đường bạn đã chọn, dù mọi nguời xung quanh nói bạn suy nghĩ ngu ngốc và bồng bột. Sau đó, bạn cần dũng cảm chứng minh những điều bạn nghĩ là đúng, dù nó đi ngược lại lý lẽ thông thường.
Cuối cùng là can đảm để tự tin vào chính mình và đối mặt đường hoàng với các đối thủ khác” - Tolis Dimopoulos, luật sư tại công ty luật Sophos, khẳng định.
6. Không ngại làm khác đi
“CEO của Zappo - Tony Hsieh - luôn có niềm tin vào ý tưởng của mình. Một trong những ví dụ của giám đốc điều hành này là trả tiền cho các nhân viên để đền bù chi phí đào tạo ở công ty khác.
Và sau này, hứa sẽ trả gấp đôi nếu họ không bỏ Holocracy - hệ thống quản lý mới của mình” - Daniel Rodic, người đồng sáng lập Exact Media, chia sẻ. Ví dụ này cho thấy, một CEO thành công cần luôn bám sát mục tiêu của mình và không để điều gì cản trở, dù đây là việc không có trong tiền lệ.
7. Suy nghĩ thực tế
Christopher Lochhead - một người đồng sáng lập - cho biết: “CEO của các startup thành công hiểu rõ những gì mình đang làm. Họ biết, chưa đến 1% startup công nghệ hiện nay có giá 1 tỷ USD. Vì thế, không có chỗ cho sự ảo tưởng về thành công trong ngành công nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
8. Ủy quyền khi cần thiết
“Các nhà sáng lập là những người có thể dành nhiều thời gian, năng lượng, niềm đam mê không giới hạn cho công việc của mình. Vì vậy, họ có thể làm rất nhiều việc.
Nhưng khi doanh nghiệp ngày càng phát triển, đến một thời điểm thích hợp, nhà sáng lập cần ủy quyền cho người khác. Bởi họ không thể một mình kiểm soát tất cả công việc.
Khi số lượng nhân viên dưới 10 người, bạn có thể tự mình quản lý. Nhưng khi con số này lên tới 100, rồi 1000, chắc chắn, bạn sẽ cần giao quyền cho một vài nhân viên cấp dưới và chỉ đạo họ làm theo yêu cầu của bạn” - John Backus, doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm, nói.
9. Thuyết phục như người bán hàng
Theo tiến sĩ Gerard Danford, bạn không thể kinh doanh nếu không bán được sản phẩm của chính mình. Do đó, nếu không thể thuyết phục người khác tin dùng sản phẩm, đừng mong có thể phát triển doanh nghiệp.
10. Tạo động lực cho người khác
“Không chỉ biết cách truyền đi thông điệp về ý tưởng và tầm nhìn của mình, các CEO thành công còn biết cách truyền cảm hứng và năng lượng để những người xung quanh theo đuổi mục tiêu” - Yulichka cho hay.
11. Chấp nhận căng thẳng trong giới hạn
Alice Chan - chuyên gia tư vấn về quan hệ công chúng - chia sẻ: “Tôi thấy nhiều CEO luôn cố gắng hạn chế xung đột hoặc cố gắng tạo ra sự đồng thuận cao trong tổ chức của mình. Nhưng điều này có thể cản trợ sự sáng tạo.
Những căng thẳng và áp lực có thể thúc đẩy sự sáng tạo thêm 10%. Dĩ nhiên, bạn cần chú ý đây chỉ là một thuộc tính trong rất nhiều yếu tố lớn khác”.
12. Học mỗi ngày
“Bạn cần không ngừng học tập mỗi ngày. Bạn càng thắt chặt vòng lặp thông tin phản hồi và biến tổ chức của bạn thành môi trường học tập, thích ứng với thị trường nhanh hơn, bạn càng thu được nhiều lợi nhuận” - Joseph Puopolo cho hay.
Tổng hợp theo Cafebiz/Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo