Những ông lớn Việt đang rót tiền vào Lào
"Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai
Bắt đầu rót vốn vào Lào từ năm 2007 ở các lĩnh vực khoáng sản, thủy điện, cao su và mía đường, đến nay hoạt động đầu tư của HAGL đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực. Hiện HAGL đang sở hữu hàng chục ngàn ha rừng trồng cao su, nhà máy chế biến cao su được đầu tư 9 triệu USD; dự án cụm công nghiệp mía đường với tổng vốn đầu tư cho các hạng mục là 87,8 triệu USD; Các nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy ethanol 12.000 tấn/năm và nhà máy phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm. Các dự án thủy điện gồm: Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét có tổng công suất lên đến 400 MW, trị giá khoảng 500 triệu USD.
Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng tại Xê Kông và một mỏ sắt tại huyện Đắc Chưng tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD. Ngoài ra, dự án 2 sân bay tại tỉnh Attapeu và tỉnh Hủa Phăn cũng có giá trị khoảng 60 triệu USD. Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho 2 tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào.
Nhà máy mía đường của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào
Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành
Đầu năm 2008, dự án sân golf và bất động sản Vientiane được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp phép nâng cấp thành Đặc khu Kinh tế. Chính thức khởi công từ đầu năm 2012, dự án bao gồm 1 khách sạn 5 sao, sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp, trường học, bệnh viện với tổng diện tích 557,4ha. Hiện dự án đã hoàn thành xong giai đoạn 1, với thời gian xây dựng dự kiến 12 năm. Bên cạnh lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, đại gia Lê Văn Kiểm – ông chủ dự án Golf Long Thành tại Lào còn thực hiện các dự án khai thác khoáng sản.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
Được cấp phép đầu tư từ năm 2017, dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW và tổng mức đầu tư trên 1,8 tỷ USD; dự án thăm dò dầu khí với tổng diện tích 13.700 km2 tại hai tỉnh Champasak và Saravan. Đến nay, dự án thủy điện vẫn tiếp tục được triển khai, nhưng do thay đổi trong chính sách cũng như quy định của nước bạn nên dự án có phần chậm trễ.
Ngoài ra, PVN cũng đầu tư vào dự án quặng Barite có tổng vốn 3,5 triệu USD. Tháng 6/2015 vừa qua, nhà máy sản xuất Barite đã chính thức đi vào hoạt động.
Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem)
Dự án mỏ muối Kali do Vinachem làm chủ đầu tư là một trong những dự án có số vốn đầu tư lớn nhất tại Lào vừa được khởi công xây dựng. Có công suất 320.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 522 triệu USD, Vinachem đóng góp bằng vốn tự có là 105 triệu USD và nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại gồm BIDV, VDB, Vietinbank có trị giá 417 triệu USD. Dự kiến đến năm 2020 dự án sẽ đưa vào khai thác.
Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI)
Năm 2011 dự án Thủy điện Nam Sum được chính thức công bố, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 450 triệu USD. Theo kế hoạch, năm 2016, tổ hợp thủy điện này sẽ đi vào hoạt động, cung cấp lượng điện khoảng 1000 GWh/năm, trong đó 85% cấp cho Việt Nam và 15% cho tiêu dùng nội địa tại Lào.
Tập đoàn Hà Đô
Triển khai dự án khu đô thị mới đầu tiên tại thủ đô Viêng Chăn – Dự án Khu đô thị mới Noỏng Tha với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD. Trong đó giai đoạn 1 Tập đoàn rót vốn 80 triệu USD cho đầu tư xây dựng hạ tầng. Với tiến độ luôn được đảm bảo, hiện Tập đoàn đang triển khai thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global)
Chính thức được cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài để thực hiện dự án tại Lào vào tháng 2/2008, Viettel Global đầu tư theo hình thức liên doanh với Công ty Laos Asia Telecom (LAT), theo cơ cấu vốn góp Viettel Global đóng góp 49%. Nếu như thời điểm năm 2008, công ty chỉ có 4 cửa hàng và 20 đại lý, thì nay đã có hệ thống phân phối với 143 cửa hàng và 15.00 đại lý. Số thuê bao của Unitel cũng phát triển nhanh, từ 266 nghìn thuê bao năm 2009 lên 1,8 triệu thuê bao. Đây cũng là nhà mạng dẫn đầu thị phần tại Lào với 47% thị phần; sở hữu mạng lưới viễn thông lớn nhất tại Lào.
Nhà mạng Viettel đầu tư tại Lào
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Ngân hàng Liên doanh Lào Việt do BIDV làm chủ đầu tư được thành lập từ năm 1999, với vốn điều lệ 70 triệu USD, đến nay đã có tổng tài sản đạt gần 600 triệu USD, huy động vốn đạt 480 triệu USD và đứng thứ 2 về quy mô vốn điều lệ tại Lào. BIDV cũng rót vốn vào lĩnh vực bảo hiểm khi thành lập Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt, với số vốn điều lệ 3 triệu USD, đứng thứ hai về doanh thu phí bảo hiểm gốc trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Lào, lợi nhuận đạt 761 nghìn USD.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
Chính thức nhận giấy phép đầu tư tại Lào vào năm 2011, Petrolimex sẽ kinh doanh thương mại tại Lào với sự hợp tác của Chevron. Đầu năm 2013 Petrolimex đã chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên do Tập đoàn này trực tiếp quản lý, kinh doanh tại Lào.
Nhựa Tiền Phong
Công ty Liên doanh Nhựa Tiền Phong – SMP đầu tư dự án có trị giá 2,5 triệu USD, trong đó Nhựa Tiền Phong chiếm 51% vốn điều lệ. Đến nay, liên doanh này đã cơ bản hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị và bắt đầu đi vào sản xuất ổn định, cung cấp sản phẩm cho các dự án cấp thoát nước lớn tại Lào.
Công ty Tín Nghĩa
Từ năm 2007, Tín Nghĩa đầu tư vào Lào với các dự án về nông nghiệp, khu công nghiệp và du lịch đều ở Champasak. Tín Nghĩa đã thành lập hai nông trường chuyên canh cà phê. Ngoài ra còn 2 dự án khác là khu du lịch Oriental Champa và khu công nghiệp rộng 463 héc ta, và đây là khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Champasak. Những cái tên góp vào danh sách các DN đầu tư sang Lào còn có Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Cao su; Công ty CP Khoáng sản và công nghiệp Chiến Công; Tập đoàn Intimex; Công ty Thúy Đạt; Công ty Lương thực Hồng Hà; Ngân hàng Quân Đội…"
End of content
Không có tin nào tiếp theo