Những rào cản của các DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại
Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhưng hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) còn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Năng lực hạn chế
Hiện nay, DNNVV Việt Nam chiếm 95 – 97% tổng doanh nghiệp cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp này sử dụng trên 50% số lao động trong các doanh nghiệp nước nhà, tạo ra 40-50% hàng hóa phục vụ xuất khẩu và đóng góp gần 20% tổng thu nhập ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, cộng đồng DNNVV còn có đóng góp tích cực cho việc ổn định xã hội, xóa đói, giảm nghèo tại các vùng của đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn...
Mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, nhưng các DNNVV còn tồn tại nhiều điểm yếu như: Lao động phần lớn chưa qua đào tạo, chủ yếu là lao động giản đơn, làm theo kinh nghiệm và truyền miệng; trình độ công nghệ thấp kém, thủ công hoặc công nghệ lạc hậu, cũ kỹ; việc quản lý, quản trị không có chuyên môn sâu, kể cả người lãnh đạo; trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ còn thiếu sự bình đẳng không được hưởng ưu đãi… Những điểm yếu này làm cho tính hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực sản xuất kinh doanh của các DNNVV thấp, chi phí đầu vào tăng cao.
Khó tiếp cận nguồn vốn
Bên cạnh những hạn chế kể trên, DNNVV đặc biệt gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp có vốn tự có thấp, vốn huy động lẫn nhau không nhiều do lãi xuất cao, khả năng sử dụng nguồn vốn ngoài (ODA) còn hạn chế, khả năng sinh lời để tái đầu tư ít, trong khi vốn huy động trên thị trường thông qua chứng khoán, cổ phiếu hay trái phiếu cũng không thể bởi DNNVV không đủ tiêu chuẩn lên sàn. Chính vì vậy, với cộng đồng DNNVV hiện nay thì nguồn vốn chủ yếu là vay của các ngân hàng (chiếm tới 80-90% vốn vay). Tuy nhiên, DNNVV tiếp cận với nguồn vốn này cũng không hề dễ dàng.
Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành hữu quan đã có những chủ trương chính sách tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng DNNVV phát triển nhưng hiện nay các DNNVV vẫn gặp không ít rào cản, khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh: Hiện chúng ta chưa có Luật DNNVV và còn phân biệt, chưa tạo ra sự bình đẳng với các mô hình doanh nghiệp khác trong khi DNNVV lại chưa đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn thương mại. Thực tế cho thấy, các DNNVV vay vốn ngân hàng thường gặp những khó khăn, vướng mắc như: hầu hết đều vay ngắn hạn, kỳ hạn vay thấp, không sát chu kỳ sản xuất kinh doanh; thế chấp không có nhiều; thủ tục vay vốn rườm rà, điều kiện doanh nghiệp không đáp ứng; DNNVV không được tiếp cận thị trường vốn do không đủ điều kiện tham gia sàn chứng khoán; không có điều kiện huy động vốn ngoài thị trường thông qua cổ phiếu, trái phiếu, cổ đông; vốn ODA thì doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ không được sử dụng… Dù vậy, những rào cản chủ yếu vẫn là môi trường pháp lý không thuận lợi cho các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận dòng vốn thương mại, nhất là từ khu vực công. Giải pháp cụ thể cho các chính sách liên quan cũng như việc chỉ đạo để chủ trương, chính sách đi vào thực tế chưa thật sự hiệu quả. Sự phối hợp giữa các chính sách trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư chưa thật nhịp nhàng trong khi thủ tục hành chính còn quan liêu, thiếu cụ thể cộng với bệnh thành tích, lợi ích cục bộ gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Và những giải pháp
Để tháo gỡ những rào cản, khó khăn, đáp ứng nguyện vọng chung của cộng đồng DNNVV, Chính phủ và các bộ ngành chức năng cần tập trung giải quyết các vấn đề như: Sớm cho xây dựng và thông qua Luật DNNVV; cụ thể hóa nhanh những quan điểm, chính sách, cơ chế đã có như: giãn, hoãn thuế, quan tâm hơn nữa đến các đối tượng ưu tiên về tín dụng, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, DNNVV, nông nghiệp, nông thôn; hình thành và đưa vào hoạt động có chất lượng thị trường tiền tệ, thị trường vốn mà trước tiên là thị trường chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm; triển khai có kết quả chiến lược phát triển DNNVV đến năm 2020 của Bộ Chính trị; có những giải pháp cụ thể để Nghị định 56 đi vào cuộc sống, nhất là các chính sách đã được nêu trong Nghị định; phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương – địa phương và các bộ ngành với một lộ trình rõ ràng cùng những bước đi vững chắc; tạo dựng nề nếp, kỷ cương, điều hành với nội dung cụ thể, tiến hành kiểm tra, tổng kết thường xuyên, chế tài xử lý nghiêm để tạo động lực và lòng tin cho doanh nghiệp, giảm tối đa rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn thương mại cho các doanh nghiệp để họ có cơ hội đóng góp xứng đáng hơn.
Ts. Cao Sỹ Kiêm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo