Góc nhìn

Những thách thức khi gia nhập TPP

Sau nhiều năm gia nhập WTO, nhiều thách thức đến nay nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa vượt qua được. Quá trình đàm phán TPP đang diễn ra, những thách thức đang ở phía trước là gì? Doanh nghiệp Việt Nam xin trích nêu ý kiến của Chuyên gia cao cấp Diệp Văn Sơn.

Gia nhập TPP là bước tiến lớn của đất nước do điều kiện cao hơn nhiều khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện nền kinh tế của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, đây là một thách thức của chúng ta khi mà Hiệp định TPP đòi hỏi khắt khe hơn và năng lực lớn hơn. Tác động lớn nhất từ việc mở cửa thị trường cho các nước TPP sẽ làm cho cạnh tranh nước ngoài đối với Việt Nam càng tăng lên. Đây là dịp để những doanh nghiệp hoạt động tốt có thể vươn lên nhưng ngược lại đối với doanh hoạt động không hiệu quả thì thực sự là một thách thức lớn. 

Thiết nghĩ khỏi phải nhắc lại những ưu điểm,những điều thuận lợi khi tham gia(Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) TPP. Ở đây chỉ xin đề cập đến những thách thức từ khi đàm phán đến khi  thực hiện những cam kết khi tham gia sân chơi TPP.

Trên bàn đàm phán những nội dung về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, lao động, mua sắm công, tiếp cận thị trường hàng hóa sẽ rất gay cấn. Đã trải qua nhiều vòng đàm phán nhưng vẫn chưa vượt qua nhiều sự khác biệt. Ba vấn đề cơ bản nhất, đầy chông gai với Việt Nam khi tham gia TPP bao gồm: thứ nhất là quyền lập hội của người lao động, thứ hai cạnh tranh bình đẳng giữa khối doanh nghiệp Nhà nước với các thành phần kinh tế khác cũng như sự bình đẳng tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn và thị trường, thứ ba là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam sẽ là nước khó khăn trong cuộc đàm phán TPP hiện nay vì Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật “khập khiễng”  nhất trong số các nước đang đàm phán.

Thứ nhất: Đặc biệt là vấn đề tự do lập hội. Tham gia TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Hiện nay ở Việt Nam thì chỉ có tổ chức công đoàn là đại diện cho người lao động. Công đoàn chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là sự lãnh đạo của Đảngg.

Đây là vấn đề nhạy cảm ở Việt Nam bắt nguồn từ thực tế lịch sử ở Ba Lan, hoạt động của Công đoàn Đoàn kết.

Chấp nhận "Quyền lập hội" cho người lao động thì công đoàn Việt Nam sẽ phải đổi mới cả về chức năng nhiệm vụ, cả về phương thức hoạt động, và sau đó có thể là các đoàn thể quần chúng khác cũng sẽ noi gương.

Có một thực tế là từ khi Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) được ký kết năm 2001, đến nay sau 12 năm Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ dành cho Qui chế ưu đãi phổ cập thuế quan (GSP) áp dụng thuế suất 0% đối với hàng ngàn mặt hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thời gian đàm phán BTA bị bế tắc vì Luật GSP của Hoa Kỳ đòi hỏi một số yêu cầu cao trong đó có quyền lập hội. Lúc đó đoàn đàm phán của Việt Nam  đề nghị Đoàn Hoa Kỳ ghi vào Hiệp định là: “Phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam”. Điều này hàm ý là khi nào Việt Nam chưa có quyền tự do lập hội, thì chưa được hưởng Qui chế ưu đãi phổ cập thuế quan của Hoa Kỳ. Còn đối với đàm phán TPP, phía Hoa Kỳ và các nước khác có nhân nhượng thì cũng chỉ ở mức cho một thời hạn bảo lưu vài ba năm để Việt Nam xử lý những vấn đề thuộc cơ chế trong nước.

Thứ hai: Cam kết giảm thuế nhập khẩu ngay đối với phần lớn các nhóm hàng từ các nước đối tác TPP sẽ gia tăng hàng nhập khẩu làm cho doanh nghiệp trong nước giảm thị phần.

Thứ ba: Việt Nam phải đối mặt bất lợi về xuất sứ hàng hóa do yêu cầu xuất xứ “nội khối TPP” mới được ưu đãi .Trong khi đó Việt Nam nhập chủ yếu các nguyên liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc là các nước ngoài khối. Để được hưởng ưu đãi thuế quan 0% trong TPP, Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về xuất xứ trong TPP. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài TPP để gia công hàng xuất khẩu. Các chuyên gia chỉ ra rằng, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may trong TPP (mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm ở các nước TPP) thì phần lớn hàng dệt may của Việt Nam sẽ không được miễn thuế bởi chúng được làm từ rất nhiều vải của Trung Quốc, sợi chỉ nhập của Hàn Quốc, các loại phụ kiện từ một số nước Đông Nam Á... Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.

Vấn đề đặt ra là dệt may chẳng phải là nhóm hàng duy nhất vấp phải rào cản này. Bởi ngoài nông sản, phần lớn các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (giầy dép, đồ gỗ, điện tử, công cụ...) đều đang sử dụng đa số nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, các nước ASEAN...

Thứ tư: Khả năng thuế chống bán phá giá và trợ giá sẽ bị áp dụng cho hàng Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản.

Thứ năm: Khả năng hàng rào kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ sẽ ngày càng cao. Đàm phán không đề cập hạn chế ban hành hàng rào kỹ thuật.Ngược lại Việt Nam phải mở cửa trong khi chưa có hàng rào kỹ thuật.

Thứ sáu: Mỹ, thành viên chủ chốt vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường làm giảm lợi ích của Việt Nam.

Thứ bảy: Việt Nam giảm thuế nhập khẩu 0% sẽ giảm thu ngân sách. Một vấn đề cần chú ý là thị trường nội địa chắc chắn bị thu hẹp khi hàng hóa của các thành viên TPP vào Việt Nam được gỡ bỏ mức thuế trung bình 11,7% hiện nay. Việc giảm thuế bằng 0% đối với các hàng hóa nhập khẩu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.

Thứ tám: Về sở hữu trí tuệ đối với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và dược phẩm. Mỹ đề nghị tăng cường mức độ và thời gian bảo hộ sẽ tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp và an sinh xã hội...khả năng tiếp cận khoa học, tài sản văn hóa tinh thần. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như bảo hộ thương hiệu sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro  nếu không nhanh chóng đăng ký bảo hộ thương hiệu sẽ bị mất tên (nước mắm Phú Quốc, hoa Đà lạt, cà phe Buôn mê thuột, tỏi Lý Sơn...). Đặc biệt, trong quy định của TPP có một điểm rất nghiêm túc là câu chuyện bảo vệ bản quyền. Đó là bản quyền liên quan đến giống, công nghệ… Rất nhiều nước tham gia đàm phán TPP đều triển khai khá tốt vấn đề này, trong khi đó phía Việt Nam còn nhiều lúng túng. Như vậy, nếu Việt Nam không khắc phục được điểm yếu này thì sẽ rất khó khăn cho cả nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ chín: Đòi hỏi khối doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động công khai minh bạch, trên thị trường phải theo tiêu chí thị trường bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Vào TPP chắc chắn Việt Nam phải chấp nhận xóa hết sự phân biệt đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trên thị trường cũng như trong đấu thầu các khoản mua sắm công (trừ mua sắm cho an ninh quốc phòng). Mọi doanh nghiệp được bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường. Các Doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam xưa nay quen là “con cưng” nên chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chơi.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các cam kết tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Khi được ký kết sẽ tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, nắm bắt thời cơ mới. Đi cùng với các cơ hội là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt. Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, khoảng cách giữa đòi hỏi của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, khuôn khổ pháp lý, chế tài thực thi, để có thể đáp ứng những cam kết trong Hiệp định../.

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo