Những thăng trầm trong quan hệ Việt - Trung
|
Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Dương Danh Dy. Ảnh: Nguyễn Chung |
- Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có những mốc nào đáng chú ý, thưa ông?
- Thời kỳ 1945-1954 chủ yếu là Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam, cả về quân sự và kinh tế. Trung Quốc cử nhiều chuyên gia sang Việt Nam tham gia các chiến dịch biên giới, trang bị vũ khí, kinh nghiệm đánh. Quân đội chúng ta trưởng thành nhiều từ việc học hỏi Trung Quốc cách chia tổ mà đánh, diệt lô cốt, diệt xe thiết giáp của địch.
Về kinh tế, sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc của chúng ta được Trung Quốc hỗ trợ gang thép Thái Nguyên, nhà máy Cao – Xà – Lá, Hồng Hà, hóa chất Việt Trì, các nhà máy xay xát….
Ngược lại, Việt Nam cũng giúp đỡ Trung Quốc khá nhiều. Trong cuốn sách Phát triển quan hệ Việt - Trung 40 năm, tác giả Trung Quốc thừa nhận từ năm 1946 đến 1950, Việt Nam đã phái quân sang giúp Trung Quốc đánh Quốc dân đảng ở sát biên giới, tiếp tế lương thực cho quân đội Trung Quốc.
Có nguồn tin cho hay lúc ông Mao Trạch Đông khi đưa đoàn cố vấn quân sự sang giúp đỡ Việt Nam, đã nói rằng là để “trả món nợ mà cha ông đã mang với Việt Nam”. Lúc đó, tôi nghe cảm thấy rất cảm động.
Năm 1952, khi một đoàn của Việt Nam sang Trung Quốc cảm ơn bộ Giao thông Trung Quốc đã giúp Việt Nam các con tàu không số vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, họ trả lời: “Không, Việt Nam giúp đỡ chúng tôi trước”.
Cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, trong lần đầu đến thăm Việt Nam đã đến thăm đền Hai Bà Trưng, chứng tỏ họ biết rằng họ có lỗi với nhân dân và đất nước Việt Nam.
Thời kỳ Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc cũng giúp đỡ rất nhiều, hầu như tất cả thóc gạo, lương thực, hàng tiêu dùng, vải vóc đều do họ cung cấp.
Tuy nhiên, giai đoạn sau năm 1975, khi Việt Nam thống nhất toàn lãnh thổ, lại là giai đoạn căng thẳng giữa hai bên. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam đưa quân đội sang Campuchia, đánh đuổi Pôn Pốt, nên Trung Quốc không hài lòng.
Thời kỳ này, Việt Nam gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc tác động đến việc các nước phương Tây bao vây, cấm vận, cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ. Kinh tế Việt Nam điêu đứng, nhân dân lầm than vì thiếu đói, ngoại tệ không có.
Đến năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ. Hiện nay Việt Nam đang thể hiện sự độc lập chính trị và tự chủ về kinh tế, lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, không bị ai bao vây, cấm vận như thời kỳ trước. Việt Nam đang có vai trò đáng kể trong khu vực và thế giới.
- Những sự kiện nào ông cho là đánh dấu nốt “trầm” trong quan hệ hai nước?
- Khi hội nghị Geneva diễn ra tại Thụy Sỹ năm 1954, nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho Đông Dương, Trung Quốc được mời tham dự với tư cách một nước lớn ở châu Á. Lúc đó Trung Quốc đã đưa Việt Nam ra để dùng làm con bài nhằm nâng cao vị thế của họ lên với phương Tây và chính quyền miền nam Cộng hòa. Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng lúc đó phản đối kịch liệt và làm lộ rõ âm mưu của Trung Quốc.
Thời kỳ 1967 -1968, khi Việt Nam đang lên kế hoạch đàm phán Hiệp định Paris với Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh, Trung Quốc đã tìm nhiều cách để ngăn cản Việt Nam tham gia. Tôi nhớ khi đó, một thứ trưởng phụ trách Việt Nam của Trung Quốc đã mời toàn thể nhân viên ở đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, trong đó có tôi, đến dự chiêu đãi, nhằm khuyên nhủ Việt Nam không tham gia.
Năm 1974, lợi dụng tình hình ở miền Nam Việt Nam và thế giới, hải quân Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1988, một lần nữa Trung Quốc gây ra trận hải chiến trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đáng kể nhất, năm 1979, Trung Quốc bất ngờ đưa 60 vạn quân tấn công vào biên giới phía Bắc Việt Nam với luận điệu “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Trong những trận chiến này, Việt Nam đều thể hiện tinh thần quyết chiến, đẩy lui lực lượng của Trung Quốc.
- Ông đánh giá thế nào việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng thềm lục địa của Việt Nam?
- Đây là một bước leo thang mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc. Cùng lúc Trung Quốc thực hiện hai mục tiêu. Đó là xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam và bắt tay vào thăm dò tài nguyên ở Biển Đông. Biển Đông có vai trò rất quan trọng với Trung Quốc, nước này sau 30 năm phát triển như vũ bão đang đối diện với nguy cơ cạn kiệt tài nguyên trên đất liền. Bên cạnh đó, nội bộ Trung Quốc cũng có những bất ổn.
Tàu của Trung Quốc bắn vòi rồng uy hiếp tàu Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tháng 5/2014. Ảnh: Reuters
- Ông dự báo điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đây?
- Trung Quốc tuyên bố là sẽ rút giàn khoan về vào giữa tháng 8 tới, nhưng tôi cho rằng họ không chịu rút lui một cách lặng lẽ êm xuôi. Họ sẽ còn gây sự nữa. Khó có thể dự báo những diễn biến cụ thể trên Biển Đông, nhưng chắc chắn ý đồ của Trung Quốc là chiếm trọn Biển Đông. Có ai dám chắc Trung Quốc không chiếm những đảo không có người ở Biển Đông không? Mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là rất rõ.
- Vậy Việt Nam phải làm gì để đối phó?
- Chúng ta tôn trọng vai trò nước lớn của Trung Quốc nhưng chúng ta không sợ họ. Ngày xưa cũng vậy, cha ông chúng ta từng bị thống trị 1.000 năm Bắc thuộc, nhưng chúng ta vẫn nổi dậy, bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Thời Nhà Minh của Trung Quốc, họ đánh sang nước ta là do nội bộ ta mất đoàn kết nên họ có cớ vào. Nhưng bây giờ chúng ta trên dưới một lòng, toàn dân đoàn kết thì không sợ gì cả.
Hơn nữa, như năm 1979, lúc đó điều kiện kinh tế của Việt Nam khó khăn, dân đói ăn, chúng tôi đi công tác mà phải tiết kiệm từng xu ngoại tệ. Khác hẳn với bây giờ, chúng ta đi đâu cũng có bạn, ai cũng muốn giao thiệp với Việt Nam.
Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt phát ngôn mạnh mẽ về lập trường của Việt Nam tại Myanmar và Philipines. Thủ tướng đã thể hiện mong muốn của người dân là phát huy truyền thống của cha ông, tôn trọng Trung Quốc nhưng vẫn cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo