Doanh nghiệp

Những thứ đầu tư tốt hơn vàng

Xe cổ, đồng hồ cổ, xu hiếm hay đồ gốm sứ đều là các khoản đầu tư có thể thay thế trong bối cảnh giá vàng xuống thấp như hiện nay.

 Vàng trước nay vẫn được xem là một khoản đầu tư an toàn. Tuy nhiên, giá vàng thế giới lại đang trượt dốc trong vài năm trở lại đây.  Với những ai không còn tin tưởng vào thị trường tài chính truyền thống, vẫn còn những cách khác giúp họ tích trữ của cải của mình. Dưới đây là danh sách những tài sản có chức năng tích trữ giá trị tương đương vàng, theo Business Insider.

 Tem  Trong một cuộc đấu giá năm 2010, tài phiệt trái phiếu Bill Gross đã nhận xét tem hiếm còn “có giá hơn cả thị trường cổ phiếu”. Gross đã đầu tư tới 100 triệu USD để sưu tầm tem. Đây là một thú vui có thể sinh lợi, khi Chỉ số G30 Rarities (chỉ số đánh giá tình hình thị trường đồ sưu tầm) đã tăng 74% trong 6 năm sau suy thoái tài chính 2008.

 Đồ sứ Trung Quốc  Trung Quốc là đất nước dẫn đầu trong lĩnh vực nghệ thuật gốm sứ. Chỉ số Knight Frank Luxury Investment (đánh giá tình hình đầu tư hàng hóa xa xỉ) dự đoán giá trị của gốm sứ Trung Quốc sẽ tăng 45% trong 5 năm tới.  “Trung Quốc vẫn luôn đi đầu trong nghệ thuật gốm sứ cả nghìn năm qua. Nhưng giờ đây, người ta quan tâm chủ yếu tới các tác phẩm từ thời hoàng kim đã chấm dứt 100 năm trước”, ông Richard Mills – một lãnh đạo tại hãng tư vấn Chalre Associates cho biết. Trong một cuộc đấu giá hồi tháng 4, một chiếc chén sứ đời nhà Minh với họa tiết gà trống đã được bán với giá 36 triệu USD trong một cuộc đấu giá. Đây là một trong 19 chiếc chén còn sót lại của thời kỳ này.

 Rượu vang  Quỹ Đầu tư Rượu vang (WIF) tại Anh cho biết lợi nhuận của họ đã vượt qua các mặt hàng như vàng, dầu mỏ hay các chỉ số chứng khoán FTSE và Hang Seng. Quỹ chỉ đầu tư vào rượu từ vùng Bordeaux Chateaux, bởi chúng được sản xuất với số lượng có hạn.

 Kỷ vật  Từ poster phim cổ cho tới bút tích của ngôi sao nhạc rock quá cố, những kỷ vật quý hiếm như vậy có thể là cả một gia tài với chủ sở hữu cũng như người mua lại chúng. Và vì hiếm, giá của chúng luôn tăng theo nhu cầu.  Hersh Borenstein - Giám đốc Frozen Pond - hãng phân phối các kỷ vật của môn khúc côn cầu, cho biết: “Tôi biết có những người mua áo đấu của Wayne Gretzky với giá 50.000 USD rồi bán lại với giá 200.000 USD. Áo của Bobby Orr được bán với giá 30.000 USD năm 1996, và chỉ vài năm sau con số này đã là 170.000 USD. Những kỷ vật cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật vậy. Chúng có giá trị và tiềm năng rất lớn, nhưng bạn phải biết nhắm đúng món đồ có thể giúp bạn hái ra tiền”.

 Xe cổ  Giá trị xe cổ đã tăng gấp 5 lần trong 10 năm qua, theo chỉ số Knight Frank Luxury Investment vừa công bố năm nay. Một chiếc Ferrari 250 GT sản xuất năm 1958 được bán đấu giá 8,8 triệu USD hồi tháng 1 năm nay, tăng 28% so với năm ngoái. Còn theo hãng bảo hiểm xe cổ Hagerty, giá xe cổ Anh và Đức đã tăng liên tục từ năm 2013.

 Đồng hồ đeo tay  Nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế với chi phí bảo dưỡng thấp là những lý do bạn nên đầu tư vào đồng hồ cao cấp, theo công ty chuyên kinh doanh đồ sưu tập Paul Fraser Collectibles. Hầu hết đồng hồ không phải là hàng hóa để đầu tư, nhưng một số mẫu hiếm của Rolex hay Patek Philippe lại có giá trị tăng mạnh theo thời gian.

 Kim cương  Dù đầu tư vào kim cương khó khăn và phức tạp hơn so với vàng, nó lại mang về khoản lời rất hấp dẫn. Philip Manduca, một nhà đầu tư chứng khoán gần đây đã đổ tiền vào một mỏ kim cương ở Lesotho, cho biết trên Bloomberg: “Đầu tư vào kim cương có lợi ở chỗ tiền giấy đang bị mất giá trên toàn cầu, và không một loại tiền tệ nào khác có thể giúp tài sản của bạn tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ Chính phủ hay hệ thống ngân hàng”.

 Tiền xu hiếm  Chỉ số của Knight Frank cho thấy giá trị tiền xu đã tăng 220% trong 10 năm qua. Terry Hanlon, Chủ tịch Tổ chức phi Chính phủ - Professional Numismatists Guild chuyên về tiền hiếm cho biết trên CNBC: “Trong thời buổi chỉ số Dow Jones cao như hiện nay, hầu hết những người mua tiền xu hiếm là người đã kiếm khá trên thị trường chứng khoán, và muốn tái đầu tư vào các công cụ không dựa trên đồng đôla”.

 Bút tích  Cũng như kỷ vật, bút tích của người nổi tiếng rất có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Paul Fraser, Giám đốc hãng sưu tầm - Paul Fraser Collectibles cho biết: “Có khoảng 200 triệu nhà sưu tầm bút tích chuyên nghiệp trên khắp thế giới, con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Bút tích đang ngày càng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn, các nhà sưu tầm hàng đầu sẵn sàng làm mọi cách để có được những bút tích đáng giá nhất. Rất nhiều bảo tàng, như Thư viện Anh, đang ra sức thu mua các bút tích hiếm có”.  Giá một chữ ký của Neil Armstrong đã tăng 14 lần từ năm 2000 đến năm 2013, theo Chỉ số giá trị bút tích - PFC40 Autograph Index.

 Bút tích  Cũng như kỷ vật, bút tích của người nổi tiếng rất có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Paul Fraser, Giám đốc hãng sưu tầm - Paul Fraser Collectibles cho biết: “Có khoảng 200 triệu nhà sưu tầm bút tích chuyên nghiệp trên khắp thế giới, con số này được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Bút tích đang ngày càng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn, các nhà sưu tầm hàng đầu sẵn sàng làm mọi cách để có được những bút tích đáng giá nhất. Rất nhiều bảo tàng, như Thư viện Anh, đang ra sức thu mua các bút tích hiếm có”.  Giá một chữ ký của Neil Armstrong đã tăng 14 lần từ năm 2000 đến năm 2013, theo Chỉ số giá trị bút tích - PFC40 Autograph Index.

Theo VNExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo