Những trò xảo trá của liên ngành Trung Quốc với ngư dân trên Biển Đông
Dùng tàu lớn ép tàu nhỏ, tạo chứng cứ vi phạm giả
Với ngư dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, sự xảo trá của lực lượng liên ngành Trung Quốc đã được họ nhìn nhận từ trước đó vì những lần bị lực lượng liên ngành nước này truy bắt vô cớ khi đang họ đang đánh bắt cá tại vùng biển trên Vịnh Bắc Bộ thuộc ngư trường của Việt Nam.
Ngư dân Nguyễn Đình Thắng và ngư dân Đậu Văn Quân căm tức nhớ lại thời gian bị lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt và làm nhục |
Quỳnh Lưu là huyện có tổng số lượng tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Đầu năm 2002, với quyết tâm đưa hoàn cảnh gia đình thoát khỏi khó khăn, túng thiếu của cuộc sống hàng ngày, anh Bùi Duy Phương (SN 1970, trú tại ở thôn Thành Tiến, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và anh em, bạn bè đóng mới con tàu để vươn khơi xa khai thác hải sản.
Nhưng khi con tàu chỉ mới vài lần ra khơi, thì đến tháng 8/2002 khi anh cùng 8 ngư dân khác đang đánh bắt ở trên Vịnh Bắc Bộ, thuộc vùng biển Việt Nam thì gặp vận hạn. Hôm ấy, tàu vừa buông lưới thì xuất hiện tàu của lực lượng liên ngành Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam tiến lại gần. Mặc dù đang đánh bắt ở vùng biển của Việt Nam nhưng con tàu liên ngành cùng một đội tàu hộ tống của Trung Quốc áp sát tàu của anh Phương rồi tạo sức ép, móc kéo tàu của anh Phương chạy thêm khoảng 4 tiếng sang địa phận thuộc lãnh hải của Trung Quốc. Sau đó, họ dùng các phương tiện như máy ảnh, camera để chụp ảnh, ghi hình làm bằng chứng, chứng minh tàu của anh vi phạm lãnh hải của Trung Quốc.
“Tình ngay lý gian” khi giữa trùng khơi, những ngư dân với con tàu gỗ nhỏ bé không thể chống cự được trước sự gian xảo của tàu liên ngành Trung Quốc nên toàn bộ thuyền viên trên tàu anh Phương cùng với ngư cụ và tàu đã bị kéo về đảo Hải Nam giam giữ.
Ngư dân Bùi Duy Phương bị lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt khi anh cùng các ngư dân đang đánh bắt cá trên Vịnh Bắc Bộ thuộc ngư trường Việt Nam |
Cùng thời gian đó anh Nguyễn Đình Thắng (trú tại thôn Phong Thái, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cùng với 7 ngư dân khác cũng đang đánh bắt hải sản trên Vịnh Bắc Bộ đã bị một tàu liên ngành của Trung Quốc trang bị súng đạn đầy đủ áp sát kéo về vùng biển Trung Quốc rồi chụp ảnh, ghi hình để làm chứng cứ giả các ngư dân này vi phạm lãnh hải của Trung Quốc.
Sau đó, họ thả 5 ngư dân trên tàu anh Thắng trở về còn giữ lại anh và 2 ngư dân khác lại tại đảo Hải Nam. Khoảng 10 ngày sau 2 ngư dân trên tàu anh Thắng được họ để cho lái hai con tàu cũ khác cũng bắt của ngư dân Việt Nam để chở các ngư dân khác trở về nước. Riêng anh Thắng bị giam giữ lại trên đảo Hải Nam 6 tháng trời.
Không chỉ có từng đó mà trong cùng thời điểm và về những năm sau nữa nhiều tàu cá của ngư dân huyện Quỳnh Lưu tiếp tục bị tàu liên ngành Trung Quốc dùng phương thức xảo trá như trên bắt giam giam giữ hàng tháng trời tại đảo Hải Nam.
Quỳnh Lưu là huyện có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Nghệ An |
Trong số các địa phương của huyện Quỳnh Lưu thì 3 xã có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều là Tiến Thủy, Sơn Hải, Quỳnh Long. Từ năm 1998 đến năm 2009, 3 địa phương này của huyện Quỳnh Lưu đã có 12 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân bị tàu liên ngành của Trung Quốc dùng phương pháp gian xảo trên bắt giữ trái phép cùng hàng chục thuyền viên.
“Tàu chúng tôi đều có thiết bị định vị cả nên không ai dại gì vào vùng biển của họ (Trung Quốc – PV) đánh bắt. Nhưng tàu liên ngành của Trung Quốc là tàu vỏ sắt, lại lớn hơn nhiều lần tàu cá chúng tôi nên nếu bỏ chạy, họ mà lấy tàu đuổi thì không chạy thoát, còn họ mà đâm vào thì tàu chúng tôi chắc chắn chìm.
Với lại tàu của họ còn được trang bị súng đạn đầy đủ. Sau khi ép được tàu của chúng tôi, các tàu liên ngành Trung Quốc đã kéo tàu chúng tôi về vùng lãnh hải của họ rồi mới chụp ảnh, quay phim làm chứng cứ giả mạo. Chứ thực tế chúng tôi đánh bắt trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam. Với thân cô thế cô giữa biển khơi vắng vẻ, yếu thế nên đành chấp nhận chịu oan để đảm bảo an toàn tính mạng”, anh Nguyễn Đình Thắng, ngư dân bị tàu liên ngành Trung Quốc dùng trò tráo trở bắt bức xúc cho biết.
Tra tấn, tống tiền
Không những dùng các trò ma mãnh, xảo trá để bắt các tàu cá của ngư dân tại Quỳnh Lưu, lực lượng liên ngành của Trung Quốc còn giam giữ các ngư dân và tàu cá cùng với các ngư cụ. Muốn được thả về người nhà các ngư dân phả trả tiền “chuộc”.
Anh Bùi Duy Phương kể lại, họ yêu cầu người nhà tôi chuyển 160 triệu đồng sang để chuộc lấy người và tàu về. Ở thời điểm này, số tiền họ đòi là quá lớn, nhưng vì lo cho tính mạng của chồng, chị Dần (vợ anh Phương) đã chạy vạy, vay mượn hết nơi này, qua nơi khác để có tiền chuộc chồng. Sau khi gom đủ tiền, chị Dần đã đưa cho họ. 10 ngày sau khi bị bắt anh Phương cùng con tàu và các ngư dân trên tàu đã được thả về.
Không may mắn như anh Phương, anh Nguyễn Đình Thắng do gia đình quá khó khăn không vay ra tiền nên anh bị giam trên tàu ở đảo Hải Nam 6 tháng. Bị giam trên tàu cùng một số ngư dân Việt Nam của tàu khác cũng chưa có tiền chuộc nhưng phía Trung Quốc không cấp thức ăn, gạo... Họ bắt các ngư dân sử dụng nhu yếu phẩm có trên tàu mà họ đang giam giữ. Khi không còn gạo và thức ăn để nấu, anh Thắng lấy một ít mực đã câu được và một ít dầu chạy máy trên tàu của mình đem bán mua lương thực thì bị họ bắt được.
Ngay lập tức, anh bị những người trong lực lượng liên ngành của Trung Quốc bắt anh và một ngư dân Việt Nam khác phải đánh nhau, nhổ nước bọt lên mặt nhau. Hai ngư dân Việt Nam bị bắt phải tự đấm, đá nhau cho đến khi sưng húp cả mặt mày. Nếu ngư dân nào bị bắt mà không chịu nghe theo lời thì ngay lập tức bị họ dùng gậy đánh vào mắt cá chân.
“Họ bắt ngư dân chúng tôi đánh nhau để làm trò tiêu khiển. Lúc đầu mới bị bắt tôi cũng bị đánh rồi nhốt vào một phòng riêng do cãi lời. Tôi là máy trưởng nên 10 ngày sau khi bị bắt họ đã để cho tôi lái con tàu đó đưa các ngư dân được chuộc quay về Việt Nam mới thoát nạn. Còn anh Thắng bị giam giữ đến tận 6 tháng trời, chịu đủ các cực hình”, anh Đậu Văn Quân (máy trưởng tàu anh Thắng thời điểm đó) nhớ lại.
“Họ dở đủ trò, các thủ đoạn các anh ạ! Cứ cãi lại hay đói quá mang đồ trên tàu mình đi bán để mua gạo, họ mà bắt được là lại bị lôi ra bắt các ngư dân bị giam giữ tự đánh nhau. Không đánh là họ dùng gậy đánh vào mắt cá chân ngay. Người dân trên đảo nhiều lúc thương chúng tôi khi những bó rau họ bán thừa lại đem cho chúng tôi”, anh Thắng vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại thời điểm đó.
Thương chồng nhưng không có tiền nên chi Tô Thị Hoa (vợ anh Thắng) đã bán hết đất đai ông bà để lại gửi sang cho phía Trung Quốc 75 triệu đồng như yêu cầu để anh Thắng cùng con tàu được thả về. Biến cố này khiến anh Thắng đổ bệnh hơn 1 tháng sau khi được thả về nhà.
Nhiều ngư dân cũng bị bắt như anh Thắng, anh Phương tại các xã Quỳnh Long, Tiến Thủy, Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) đều bày tỏ thái độ bức xúc trước những hành vi làm nhục của lực lượng liên ngành Trung Quốc trong thời gian họ bị bắt giữ. Với họ bao năm đánh bắt trên biển giữa ngư dân Trung Quốc và ngư dân Việt Nam chưa khi nào xảy ra đụng độ. Nhưng lực lượng liên ngành Trung Quốc với những trò gian xảo và những cách làm nhục như vậy nên đã trở thành con ác quỷ trong mắt họ.
Ông Đặng Ngọc Bình – Phó chủ tịch huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Sau khi xảy ra các vụ bắt ngư dân Việt Nam của lực lượng liên ngành Trung Quốc, chính quyền địa phương đã báo lên cấp trên tìm phương án giải quyết nhanh nhất. Các ngư dân khi trở về chính quyền cấp địa phương cũng đã đến thăm hỏi, động viên.
Nhưng do các lực lượng bảo vệ ngư dân của ta còn mỏng và yếu nên giữa biển khơi việc tàu lực lượng liên ngành Trung Quốc uy hiếp, gian xảo với ngư dân như thế nào cũng khó biết để có biện pháp ngăn chặn. Từ năm 2009 trở lại đây không còn tàu cá của ngư dân Quỳnh Lưu bị lực lượng liên ngành Trung Quốc bắt. Nhưng việc các tàu ngư dân đánh bắt xa bờ bị xua đuổi vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều ngư dân đã chấp nhận vứt bỏ lưới, ngư cụ để chạy vì tàu họ nhỏ và không được trang bị như tàu của lực lượng liên ngành Trung Quốc”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo