Phân tích

Nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Lợi bất cập hại

(DNVN) - Theo đánh giá của VCCI, về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại, làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.

Phòng Thương mại & công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Bộ Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 8.000 đồng một lít.

Như tin Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, Bộ Tài chính mới đây vừa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Nới khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Lợi bất cập hại.

Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.

Theo Bộ Tài chính, một trong những lý do cho đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là hạn chế tác động môi trường thông qua và để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm.

Tuy nhiên, trong văn bản góp ý về Dự thảo này, theo VCCI, nếu mục tiêu chính sách là hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể.

Dẫn lại báo cáo của Bộ Tài chính, theo đại VCCI, năm 2016 mức đóng góp của thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách.

Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỷ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia.

 

Do đó, theo VCCI, về dài hạn, việc nới khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Điều này sẽ làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.

Trước việc Bộ Tài chính cho rằng việc tăng thuế với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại, VCCI không đồng tình và bày tỏ nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Theo VCCI, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản. Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35% - 45% đối với xe chạy dầu, và chiếm khoảng 39,5% đối với hàng không.

Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% - 59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành. Hơn nữa đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.

Do đó, theo VCCI, việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước. Theo VCCI, vì đây mới chỉ nâng khung thuế, chứ chưa trực tiếp tăng mức thuế, nên cần có đánh giá dựa trên ba giả thuyết về mức thuế suất: mức sàn, mức trần và mức trung bình.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo