Phân tích

Nỗi lo EVN... phá sản: Đừng mong giá điện giảm!

Giá điện đừng mong có thể giảm, điều quan trọng cần có sự minh bạch và cố gắng nỗ lực giảm chi phí sản xuất cũng như giảm tổn thất.

Theo TS Ngô Tuấn Kiệt, thị trường phát điện cạnh tranh chỉ làm tăng giá điện

Đó là nhận định của TS Ngô Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) về giá điện tại Việt Nam.

 
Đừng hy vọng giá điện sẽ giảm!
 
Câu chuyện giá điện đang trở nên sôi động sau phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công thương: Không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản. Sau khi dẫn khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới rằng, giá điện Việt Nam phải tăng tới 40% mới có thể cứu nổi ngành điện, vị thứ trưởng này cho biết, giá điện tại Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực và rằng, nếu không tăng giá điện, EVN rất khó vay vốn, khó thu hút vốn đầu tư.
 
Trao đổi với PV, TS Ngô Tuấn Kiệt cho rằng mỗi nước có đặc thù riêng và cần có ý kiến độc lập, tự chủ của riêng mình trên cơ sơ thực tế ở nước ta.
 
"Không nên và cũng không thể đem so Việt Nam với ai được, nếu có chăng cũng chỉ để tham khảo. Tại sao giá điện Việt Nam thấp hơn thế giới? Đó là vì các nước không có trợ giúp của nhà nước, mà phải tự lo lấy. Còn ở Việt Nam, ngành điện được nhà nước trợ giúp rất nhiều: bảo lãnh vay vốn, cần thì cho cơ chế đặc thù...
 
Ngoài ra, điều kiện kinh tế của Việt Nam cũng khác, giá nguyên liệu thấp, lương của người Việt Nam, trong đó có nhân viên ngành điện cũng không cao như các nước khác... Bởi vậy, mọi so sánh như thế đều là khập khiễng và cũng không chưa khách quan, toàn diện và minh bạch. Nếu đã so thì phải làm rõ so trong điều kiện nào, dựa vào cơ sở gì để đưa ra những con số đó chứ không phải theo kiểu nói chung, đại khái như thế", ông Kiệt phân tích.
 
Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, người dân cũng đừng hy vọng giá điện có thể giảm, bởi theo thực tế khách quan, nó sẽ chỉ tăng mà thôi. Vấn đề cốt lõi cần quan tâm là tăng một cách minh bạch và "tâm phục, khẩu phục".
 
Trước hết, "không thể chỉ dựa đơn thuần vào việc các yếu tố đầu vào của ngành điện biến động 3-5% thì giá điện cũng điều chỉnh theo, bởi giá điện phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần có cơ sở tính toán đồng bộ và minh bạch, có lộ trình được tính toán và dự báo trước. 
 
Tiếp theo, lâu nay, ở nước ta khi có vấn đề tăng giá điện, thì người ủng hộ bảo tăng, người phản đối bảo giảm đều chỉ dựa trên nhận thức chủ quan của mình. EVN bảo theo cơ chế thị trường, đầu vào tăng, nên phải tăng giá điện, không tăng giá thì EVN lỗ, không có tiền đầu tư... Người sử dụng điện thì lo ngại giá điện tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất và chi phí của mỗi gia đình. 
 
Chuẩn tắc mà xét thì, giá bán điện của mỗi quốc gia đều phải dựa trên giá thành sản xuất điện năng trung bình của hệ thống điện và lợi nhuận định mức của ngành điện để đảm bảo sự phát triển của các ngành kinh tế và dân sinh. Ở nước ta, để giảm giá điện và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân, Nhà nước đang phải lo cho ngành điện, từ giá nhiên liệu đến các cơ chế đặc thù để giảm giá thành sản xuất điện năng.  Khâu truyền tải cũng đang được Nhà nước lo nên chi phí được đưa vào thấp, cụ thể giá bán điện trung bình 1.500 đồng/kWh trong khi chi phí truyền tải chỉ có 80 đồng. 
 
Theo phân tích của nhiều chuyên gia thì việc chuyển sang cơ chế thị trường trong ngành điện sẽ chỉ làm tăng giá điện".
 
Lý giải thêm cho nhận định "thị trường phát điện cạnh tranh chỉ làm tăng giá điện", ông Kiệt nói: "Theo kết quả nghiên cứu của GS.TSKH Belaev (Viện Nghiên cứu hệ thống năng lượng, phân viện Xibia Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) thì các nước đã thực hiện cải cách ngành điện thành công trên thế giới, đại đa số đều làm tăng giá điện và việc chuyển đổi sang thị trường cạnh tranh chỉ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất, còn người tiêu thụ điện luôn phải gánh chịu tổn thất (do hậu quả tăng giá điện)".
 
Theo kết quả nghiên cứu của GS Belaev, các thị trường điện tại Nhật, Pháp và 27 bang của Mỹ đang là thị trường điều tiết độc quyền. Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Bắc Ireland là thị trường một hãng mua điện duy nhất. Thị trường điện cạnh tranh tồn tại ở Anh, Áo, một số bang của Mỹ và đã tồn tại ở một số nước như Chile, Brazil, Argentina song sau khủng khoảng và thất bại đã quay lại thị trường điều tiết.
 
"Người ta thường nghĩ rằng Mỹ luôn đi đầu trong việc cải cách ngành điện theo hướng chuyển sang thị trường cạnh tranh. Thực tế đến cuối năm 2005 (và từ đó đến nay hầu như chưa có gì thay đổi), 27 bang của Mỹ chưa từng thực hiện việc điều tiết thị trường, mà vẫn giữ mô hình điều tiết theo ngành dọc. Bốn bang đã bắt đầu cải cách song đã loại bỏ và quay về điều tiết. Còn 3 bang đã thực hiện việc cải tổ cấu trúc từng phần và chỉ có 17 bang chuyển sang thị trường điện cạnh tranh".
 
Ông Ngô Tuấn Kiệt cũng cho rằng, thị trường hoá hoàn toàn ngành điện sẽ mang lại hiệu quả giảm giá điện là chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định. 
 
"Lý thuyết thị trường không áp dụng trực tiếp và toàn diện được với ngành điện vì ngành điện là ngành đặc thù. Điện không thể tích trữ, việc sản xuất điện đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian xây dựng dài. Người làm ra điện để bán cũng không nhiều. Nhà đầu tư xây dựng nhà máy điện cần phải có sự đảm bảo về khả năng hoàn vốn và lợi nhuận trước khi quyết định đầu tư. Không có nhà đầu tư nào lại đánh cược một số vốn lớn vào thị trường điện cạnh tranh nếu không có luật chơi được Nhà nước bảo đảm.
 
Để phát triển thị trường điện cần có nhiều nhà sản xuất điện để bán. Nhưng ở Việt Nam ai sẽ có điện để bán ngoài EVN, PVN, TKV? Tất nhiên, còn có các nhà máy điện nhỏ nhưng trên thực tế sẽ không có ý nghĩa gì đối với thị trường và trong thị trường điện cạnh tranh sẽ khó tránh khỏi hiện tượng cá lớn nuốt cá bé. Điều cần quan tâm là trong thị trường điện cạnh tranh thì các công trình đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng dài như điện hạt nhân, thuỷ điện tích năng v.v… thì nhà đầu tư nào sẽ đầu tư ngoài Nhà nước?".  
 
Phải làm từ gốc
 
Từ kinh nghiệm của thế giới, theo TS Ngô Tuấn Kiệt, cải cách ngành điện Việt Nam có thể học tập mô hình hộ mua điện duy nhất kèm theo việc giữ quyền điều tiết giá điện của Chính phủ. 
 
"Mô hình thị trường dạng này thực hiện được việc cạnh tranh trong lĩnh vực phát điện, một lĩnh vực chiếm tỷ trọng chi phí lớn nhất của hệ thống điện. Giá điện được hình thành trên cơ sở chi phí sản xuất trung bình toàn hệ thống và đảm bảo sự phát triển hợp lý, kịp thời của hệ thống điện cũng như độ tin cậy cung cấp điện.
 
Nhà đầu tư sản xuất điện sẽ nhận được phần lợi nhuận hợp lý, ổn định. Đây chính là mô hình được triển khai thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác". Cũng nhờ đó mà giá điện ở Trung Quốc hiện nay cũng chỉ xấp xỉ giá điện Việt Nam trong khi nhu cầu về điện của Trung Quốc tăng mỗi năm là rất lớn.
 
Đồng thời, để giải quyết triệt để bài toán của ngành điện, ông Ngô Tuấn Kiệt cho rằng phải bắt đầu một cách hết sức toàn diện dựa trên cơ sở khoa học và thực tế khách quan từ khâu quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch. Đó là bài toán gốc phải giải quyết chứ không phải giá điện hàng ngày. 
 
"Khi bài toán quy hoạch không sát thực tế (dự báo phụ tải quá lạc quan, cao hơn nhiều thực tế phát triển) như hiện nay sẽ dẫn đến kế hoạch đầu tư xây dựng nhiều nhà máy điện, trong khi nguồn vốn đầu tư hạn chế dẫn đến chậm tiến độ làm tăng chi phí trả lãi vay và đương nhiên sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện nặng, ai sẽ chịu những chi phí phát sinh này nếu không phải là người tiêu dùng?
 
Để có thể thực hiện được chỉ thị của Thủ tướng về minh bạch giá điện cần phải xác định cho được giá thành sản xuất điện năng trung bình trong hệ thống điện chứ không phải dựa vào biến động giá đầu vào. Để làm được điều này cần có một cơ quan trung gian không có lợi ích gắn với ngành này".
 
"Phải giao cho một cơ quan chuyên nghiên cứu tính toán giá thành sản xuất điện năng trung bình của hệ thống điện. Tốt nhất là không giao cho EVN, TKV hay PVN mà phải là một cơ quan chuyên ngành của Nhà nước thực hiện việc tính toán một cách khách quan, đảm bảo tính chính  xác và minh bạch.
 
Lĩnh vực sản xuất điện phải tách hẳn ra, không cần có sự điều tiết của Nhà nước. Các doanh nghiệp cứ sản xuất, Nhà nước chỉ cần quản lý giá sàn. Nhà nước cần giữ khâu độc quyền về giá mua điện, phân phối bán điện cho nền kinh tế quốc dân", ông Kiệt nói.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo