Nói ‘người nghèo ỷ lại’ là oan cho họ
“Chúng ta phải nhìn nhận hộ nghèo thường là những hộ gia đình có rất nhiều hạn chế về năng lực bản thân họ. Nên mình chỉ nói thuần tuý rằng họ ỷ lại là oan uổng, có khi không đúng”.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội” do Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 30/9 tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Theo ông Đàm, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp cận cái nghèo đa chiều, tức là không chỉ xác định đối tượng nghèo theo tiêu chí thu nhập mà phải xác định cái nghèo ngoài tiêu chí thu nhập, đó là các nhu cầu cơ bản thiết yếu của cuộc sống con người như mức độ và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục…
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình giảm nghèo vẫn được tiếp tục triển khai, và được xác định là chương trình mục tiêu quốc gia trọng điểm cùng với chương trình nông thôn mới. Giảm nghèo là nhiệm vụ lâu dài, cần đạt được mục tiêu gảm nghèo nhanh và bền vững.
Trong tất cả các giải pháp tới, Chính phủ sẽ giao các bộ ngành tập trung rà soát lại toàn bộ chính sách giảm nghèo hiện hành, để xem chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần phải sửa đổi bổ sung, hoặc chính sách nào không cần thiết áp dụng nữa.
Việc xác định “người nghèo” không chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập mà còn phải dựa trên cơ sở của cái nghèo đa chiều. Đó là các vấn đề như chăm sóc sức khoẻ, vấn đề tiếp cận giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhu cầu thông tin. Đấy là những nhu cầu cơ bản nhất để xét các chiều nghèo đói của một hộ gia đình hay là một khu dân cư, một địa phương cụ thể từ đó thiết kế lại chính sách, đảm bảo chọn đúng đối tượng. “Chúng ta cần thúc đẩy, khắc phục phục tình trạng dàn trải, không có trọng tâm, trọng điểm trong chính sách giảm nghèo”, ông Đàm nói.
Vừa qua, Việt Nam định ra mục tiêu mỗi năm phải giảm nghèo được 2% cho cả nước, các hộ cận nghèo ít nhất phải giảm được 4%. Từ 2011 đến nay, về cơ bản, chúng ta đã đạt được mục tiêu trên. Đến năm 2015, Nghị quyết 16 của Quốc hội đưa tỉ lệ nghèo xuống dưới 5%. Bộ LĐTB&XH dự đoán mục tiêu xuống dưới 5% năm 2015 là trong khả năng.
Thời gian vừa qua mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng Chính phủ vẫn đảm bảo chương trình mục tiêu quốc gia đủ nguồn lực theo kế hoạch đã định. Quan trọng là làm thế nào để tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, công đồng, nhất là người nghèo, cho họ tận dụng cơ hội từ các chính sách, phát huy tính năng động của bản thân và gia đình để thoát nghèo.
Theo ông Đàm, thời gian vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng một bộ phận người nghèo khi nhận được nhiều chính sách của Nhà nước như vậy, họ cảm thấy được ưu ái và không muốn vươn lên để thoát nghèo. “Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận những người nghèo của giai đoạn sau này thường là những người có rất nhiều hạn chế về năng lực bản thân. Nên mình chỉ nói thuần tuý rằng họ ỷ lại là oan uổng, có khi không đúng. Có thể là cách giúp của chúng ta chưa đến nơi đốn chốn. Mình phải cầm tay chỉ việc cho họ, tăng sự kiểm tra sát sao của các cấp địa phương, đoàn thể. Hy vọng họ mới biết được cách vươn lên thoát nghèo”, ông Đàm chia sẻ.
Theo Phụ nữ TP.HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo