Doanh nhân

Nữ doanh nhân xây trường cho con

Theo bà Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia, cách duy nhất để những thành công của người cha không cản đường phát triển của các thế hệ doanh nhân kế tiếp là sự chủ động trong tư duy dạy và học làm doanh nhân.

Nếu chỉ nghe bà Lê Phương Lan kể, mà không trực tiếp chứng kiến những gì “cư dân thành phố Utopia” – Chương trình Trường Olympia đang triển khai trong mùa hè này cho học sinh tiểu học, khó hình dung các bé học làm doanh nhân thế nào.

 

 

 

Nữ doanh nhân Lê Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Trường phổ thông liên cấp Olympia

 

Theo hướng dẫn của bà Lan, chúng tôi có mặt tại khu vực được xác định là Ngân hàng TP. Utopia. Lúc này là 2 giờ chiều, mọi người đang xếp hàng để nhận lương. 

 Mọi thủ tục đều được tiến hành quy củ với những chữ ký và con dấu. Mọi thủ tục đều được tiến hành rất quy củ với những chữ ký, con dấu của  các kiểm soát viên. Các cashier nhanh nhẹn đếm các đồng Uto để chi  lương cho các cư dân. Còn vị giám đốc vất vả với việc kiểm soát các giao dịch.

Trong thành phố cũng có vài vị giám đốc trong ngành khác, như khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, công ty truyền thông… Họ cũng mải mốt với kế hoạch hút khách.

Cả thành phố bận rộn với những dòng người di chuyển. Chẳng mấy cư dân quan tâm đến chúng tôi.

Cùng lúc, học sinh bậc trung học phổ thông đang theo chương trình du lịch và khám phá trên khu vực phố cổ Hà Nội. Phần việc mà các doanh nhân tương lai trong ngành du lịch phải làm là thiết kế tour, lên kế hoạch truyền thông và thuyết phục du khách các em gặp trên đường tham gia…

Với các học sinh, thậm chí cả bố mẹ các em, đây là một trò chơi thực tế hứng thú. Nhưng người chủ của ý tưởng này, bà Lan xác định đây là phương pháp giáo dục tích cực để các em bộc lộ thiên hướng rõ ràng nhất.

“Đa phần trong số các học sinh này là con của những doanh nhân thành đạt. Có không ít em đã được bố mẹ, ông bà định hình cho việc kế tục sự nghiệp. Nếu dự định này được thực hiện ngay từ bậc tiểu học một cách bài bản, các em sẽ phát triển tự tin, toàn diện và không phải chịu quá nhiều áp lực từ định hướng này”, bà Lan chia sẻ quan điểm xây dựng chương trình học dựa trên yêu cầu của học sinh.

Quan sát sự vận động của cư dân TP. Utopia, không ngờ các bé tuổi 7 đến 10 có thể làm được nhiều việc như vậy. Các em tự làm thủ tục nhập cảnh, thuê khách sạn, tìm kiếm công ăn việc làm và tuân thủ các quy định đối với một công dân trong thành phố. Khá nhiều mối quan hệ phức tạp đã được các em tự tìm cách giải quyết…

Không biết bao nhiêu trong số khoảng 700 học sinh Olympia hiện tại sẽ trở thành những ông chủ, người điều hành doanh nghiệp, nhưng với tỷ lệ trên 75% học sinh của Olympia  là con của các gia đình doanh nhân, các nhà quản lý và các công chức cao cấp, có thể nói đây là một trong những cái nôi của các thế hệ doanh nhân  và các nhà lãnh đạo tương lai.

“Khi đầu tư thành lập trường, tôi chưa nghĩ là trường chỉ dành cho con em của các gia đình doanh nhân hay lãnh đạo. Tuy nhiên có thể vì cùng là người lãnh đạo, điều hành doanh nghiêp, cũng đối mặt với  các vấn đề phức tạp trong chăm sóc, dạy dỗ, định hướng nghề nghiệp cho con cái trong khi rất bận rộn, thiếu thời gian, nên những mong muốn của tôi cũng rất gần với mong muốn, nhu cầu của các doanh nhân ”, bà Lan lý giải và chia sẻ về vhương trình giáo dục tại Olympia theo mô hình STEP UP (kỹ năng sống  để sinh tồn (survival) – chú trọng phát triển tư duy (thinking) với phương pháp học qua khám phá và trải nghiệm thực tế (exproring, practicing)  và hướng đến trở thành con người có nhân cách (person) luôn đam mê, khát vọng nhưng biết sống nhân hòa (peace).

Điểm thuận cho bà Lan là các doanh nhân thành đạt vốn là những người tân tiến, cởi mởi, đồng quan điểm về triết lý giáo dục,  sẵn sàng ủng hộ phương pháp day học hiện đại mà nhà trường đang ứng dụng.  “Chính cộng đồng phụ huynh Olympia cũng chính là cộng đồng doanh nhân luôn chia sẻ hoạt động giáo dục, đồng tổ chức sự kiện với nhà trường”, bà Lan cho biết thêm.

Cũng phải nói thêm, chuẩn bị đội ngũ kế cận đang là chuyện đại sự của nhiều gia đình. Khá nhiều doanh nhân thế hệ đầu đã bước vào giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên, chưa có nhiều cuộc chuyển giao thành công. Nhiều trường hợp, gia đình bất hòa vì con cái không tuân theo định hướng của cha mẹ.

Theo kinh nghiệm của bà Lan, vấn đề nằm ở chỗ, chặng đường thành công của lớp doanh nhân đầu tiên khá vất vả, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân và cơ hội. Nên họ muốn sắp xếp cho con cái tiếp nhận và phát triển sự nghiệp của gia đình. Thực tế này chi phối khá lớn cuộc sống của người được chọn kế cận.

“Có không ít học sinh của trường có xu hướng tự phụ vì sự giàu có của gia đình. Lại có em quá tự ti vì cái bóng quá lớn của người cha. Vì vậy, việc học và dạy làm doanh nhân  được xác định là không chỉ dành cho con cái mà cần có sự chia sẻ về quan điểm, tư duy của những thế hệ đi trước. Chúng tôi muốn,  thế hệ doanh nhân kế cận phải được chuẩn bị và hậu thuẫn để đi nhanh hơn, thành đạt hơn nhưng trên đôi chân và năng lực của chính họ chứ không phải sự thừa hưởng sẵn có và đương nhiên từ gia đình. Chúng ta cũng không thể mong một ngày các em lớn khôn như Thánh Gióng với đầy đủ kiến thức, kỹ năng và quan trọng là tinh thần và tư duy của người làm chủ - của doanh nhân", bà Lan nhấn mạnh.

Đây là lý do Olympia quyết định đưa khá nhiều môn học, kỹ năng liên quan đến kinh doanh và thương hiệu vào chương trình đào tạo bắt buộc. Tại đây, học sinh được học các bộ môn hiểu biết truyền thống. xây dựng thương hiệu cá nhân,  môn học về chính phủ, công dân, kinh tế vĩ mô, thực hành các bài tập thành lập doanh nghiệp, marketing, xây dựng dự án đến điều hành doanh nghiệp, kỹ năng đàm phán, thuyết trình hay nói trước đám đông,  dự án hay kêu gọi tài trợ ...

“Chúng tôi thuyết phục các vị chủ tịch HĐQT, giám đốc – phụ huynh của trường cho phép các em thực hành tại chính cách doanh nghiệp đang hoạt động. Không có cách dạy doanh nhân hiệu quả bằng chính hoạt động tại doanh nghiệp. Chúng tôi cũng bất ngờ khi các em có những đề án kinh doanh thực sự thuyết phục”, bà Lan nói.

Ít người mẹ nào quyết định xây trường cho con như bà Lan, kể cả những doanh nhân nhiều tiền của.

Từ hệ thống mẫu giáo, tiểu học Dream House những năm 2003 và đến giờ là Trường phổ thông liên cấp Olympia đều được hình thành từ những đứa con của người sáng lập.

Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng năm 2003, khi người con gái thứ hai bước vào tuổi mẫu giáo, bà Lan đang làm cho một công ty nước ngoài danh tiếng. Môi trường làm việc với người nước ngoài, cơ hội tiếp cận thông tin từ bên ngoài khiến “bà mẹ google” – cách bà Lan nói về cách thức nuôi dạy con của mình – không yên tâm với cảnh con cái thường xuyên bị gửi ngoài bảo vệ vì bố mẹ đón muộn, rồi thì cảnh ăn uống nhồi nhét khổ sở của cô giáo và con trẻ…

Hệ thống mầm non Dream House ra đời với sự có mặt của 4 cổ đông sáng lập  - 4 người mẹ của 4 đứa con với cùng mục tiêu tạo môi trường chăm sóc và giáo dục toàn diện.

“Bài tính hiệu quả trong đầu tư đơn giản chỉ là đầu tư vào con cái – tài sản lớn nhất”, bà Lan nhớ lại.

Đây cũng là lý do xuất hiện các khoản đầu tư tiếp theo khi những người con lớn dần lên. “Không có kinh nghệm nên đầu tư cũng vất vả. Năm 2008 – 2009, khi bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất của trường, chúng tôi phải vay với lãi suất trên 20%, đẩy thời gian  hoàn vốn dự kiến kéo dài hơn đến 2-3 năm nữa so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi vẫn xác định đây là lĩnh vực kinh doanh tốt, ít nhất là khi con trai út của tôi sẽ học ở đây trong 10 năm tới”, bà Lan chia sẻ.

Vào năm 2012, bà quyết định dừng điều hành Công ty cổ phần thời trang Kowil Việt Nam, dành toàn bộ thời gian cho Olympia. Đến nay, khoản đầu tư đã lên tới khoảng 150 tỷ đồng.

Lợi nhuận mà nhà đầu tư Lê Phương Lan nhìn thấy vẫn là từ con cái của mình, bạn bè, đồng nghiệp. Có lẽ cũng bởi vậy mà ngoài những người sáng lập đầu tiên, đến giờ, bà đang có thêm những người đầu tư – những người đồng quan điểm giáo dục tiên tiến, và những đối tác – là các trường trung  học, đại học, viện khoa học tại Mỹ và Việt Nam để các mô hình giáo dục tiên tiến của Mỹ kết hợp với tinh hoa của nền giáo dục Việt  đến với các học sinh của Olympia .

Mới đây, bà Lan đã quyết định đưa bộ môn Việt Nam học vào nội dung đào tạo chính thức của Trường. Đây là chương trình được yêu cầu với các trường nước ngoài tại Việt Nam. Nhưng bà Lan muốn những doanh nhân Việt Nam tương lai phải hiểu, nắm rõ nền văn hóa Việt Nam, truyền thống của người Việt Nam.

Tôi đã từng giật mình khi nghe các bạn của con trai đầu lúc đó học lớp 5 trường  quốc tế - nói tiếng Việt như người ngoại quốc. Đây là lý do chúng tôi quyết định đưa con trai đầu quay trở về trường của mẹ để học trung học cơ sở. Sau một thời gian du học. khi chính con trai tôi cảm ơn bố mẹ vì quyết định này. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm xác định, mặc dù theo mô hình dạy học của các trường trung học tại Mỹ, Olympia là trường Việt Nam và học sinh phải rất giỏi tiếng Việt và hiểu văn hóa và truyền thống Việt”.  Bà Lan tâm sự.

Trò chuyện với Chủ tịch HĐQT Lê Phương Lan

Thưa bà, giáo dục đã phải là điểm dừng trong sự nghiệp kinh doanh của bà chưa?

Tôi là người có nhiều ý tưởng nên cũng khó nói đâu là điểm dừng. Nhưng hiện tại, đây là lĩnh vực làm tôi thích thú vì yêu cầu phải thay đổi và sáng tạo liên tục.

Bà có kỳ vọng vào một cuộc cách mạng tư duy về dạy và học?

Không kỳ vọng lớn như vậy, nhưng tư duy của học sinh sẽ tác động đến tư duy của bố mẹ, gia đình họ, những doanh nhân đang có ảnh hưởng nhất định. Đó có thể là sự bắt đầu của những thay đổi.

Kế hoạch đầu tư mở rộng thì sao, thưa bà?

Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ nếu có đối tác phù hợp.

Bà xác định thế nào cho sự nghiệp của các con mình?

Chúng tôi tôn trọng cá nhân của từng người con. Chúng tôi tôn trọng cá nhânvà khuyến khích các con phát huy khả năng của mình. Theo tôi việc có học một ngành nghề phù hợp sở thích và đam mê của con trước khi học về quản trị kinh doanh sẽ rất tốt.  Sau khi tốt nghiệp đại học các con nên tự tìm và làm việc tại các công ty đa quốc gia để có kinh nghiệm thực tế  trước khi quay trở về kế thừa công ty gia đình.

Quan điểm là bố mẹ phải làm thế nào để hỗ trợ con cái chứ không phải là ép con cái đi theo con đường của mình.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo