Nữ giám đốc nhập viện tâm thần vì làm việc quá sức
Dưới đây là những tâm sự cũng như những chia sẻ của vị nữ giám đốc trẻ tuổi này...
"Giám đốc stress vì công việc
Tại phòng khám và điều trị tâm lý cho các bệnh nhân tâm thần, bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương còn có nhiều trường hợp đến gặp bác sĩ trong tình trạng stress nặng do áp lực làm việc quá sức.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội với tấm bằng giỏi, Nguyễn Thu Trang (1987) ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nhanh chóng xin được một công việc đúng chuyên môn tại một trung tâm chuyên làm dự án giáo dục cho Ngân hàng Thế giới. Làm được 9 tháng, qua sự giúp đỡ của bạn bè, Trang chuyển sang làm giám đốc kinh doanh cho một công ty dịch thuật trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội. Mải mê với công việc kinh doanh và phải quản lý hơn chục nhân viên, Trang dường như quên ăn, quên ngủ và quên luôn cả việc lấy chồng. Trang luôn tạo cho mình áp lực phải chiến thắng, phải thành công hơn nữa trong công việc nên hễ ai không hoàn thành cô luôn cáu gắt và chửi bới họ vô cùng thậm tệ.
Mắc chứng stress vì áp lực công việc (Ảnh minh họa)
Trang chia sẻ: “Trước đây bản thân tôi vốn hiếu thắng trong công việc, cuộc sống. Tôi luôn cho rằng mình có năng lực, có trình độ nên làm bất cứ thứ gì cũng phải nhất. Rồi vài tháng trở lại đây, những cơn bồn chồn, bứt rứt cứ đeo đuổi trong tâm trí khiến tôi không tìm được lối thoát. Tôi cảm thấy đuối sức rồi sinh ra buồn chán, không vui và cáu gắt, mắng mỏ nhân viên khi họ làm phật ý hoặc không làm được một điều gì đó. Thời gian gần đây buổi sáng nào đến công ty tôi cũng cáu gắt cả. Tôi thường nghĩ về công việc sẽ phải làm như thế nào, giao cho ai, khi nào hoàn thành, họ làm được đến đâu.... Buổi tối về tôi mất ngủ hoàn toàn, tôi thường nghĩ về những chuyện xảy ra trong ngày, rồi cả công việc nữa, chúng khiến tôi như phát điên”.
Gánh nặng nuôi sống gia đình
Trò chuyện một lúc, Trang mới thổ lộ rằng nguyên do cũng bởi gánh nặng nuôi sống cả gia đình. “Trước đây gia đình tôi khá giả lắm. Thế rồi bố tôi bán nhà và dùng số tiền đó để cho chú vay lấy lãi nhưng không ngờ lại bị chú lừa hết phải đi thuê nhà để sinh sống. Đến bây giờ gia đình tôi vẫn lao đao vì phải đi thuê nhà sống qua ngày trong khi bố mẹ thì không có khả năng lao động”, Trang tâm sự.
Rồi Trang kể tiếp: “Năm tôi học lớp 5, tôi cứ nghĩ mình không bao giờ được đi học bởi vì gia đình tôi nghèo, bản thân tôi lúc đó cũng nghĩ rằng mình sẽ được cho một gia đình nào đó còn anh trai thì phải vào Miền Nam làm thuê. Lên cấp 2, cấp 3 rồi đại học, tôi vừa học vừa làm đủ mọi việc để tự kiếm tiền nuôi sống bản thân mình. Tôi cố gắng học giỏi để sau này có một công việc thật tốt. Rồi tôi cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi. Đến tháng 9 năm ngoái, sau khi nghỉ ở công ty cũ, tôi được nhận vào làm giám đốc kinh doanh cho một công ty về dịch thuật. Công việc cũng không vất vả lắm nhưng tôi khá cầu toàn trong công việc và mong muốn nhân viên mình làm chúng một cách hiệu quả, nhanh nhất có thể nên tôi luôn đặt cho mình đứng trước những áp lực cụ thể để mở mày mở mặt với các sếp to bên trên.
Từ một người hay nói, dễ gần, dần dần tôi trở nên ít giao tiếp và xa lánh với mọi người xung quanh. Lúc nào tôi cũng nghĩ mình làm giám đốc thì phải nêu gương, phải giỏi nhất, phải chỉ cách cho nhân viên hoàn thành công việc một cách nhanh nhất. Tôi cũng thường áp chỉ tiêu sau một ngày cho nhân viên phải đạt đến đâu, hoàn thành hay không hoàn thành, trừ lương. Đến khi họ không làm được tôi cáu gắt và mắng mỏ họ thậm tệ”.
“Đến bây giờ bố mẹ tôi đã già yếu, không còn sức lao động nữa. Tôi luôn lo lắng cho bản thân mình, cho tương lai của gia đình mình nên đó cũng là một phần khiến cho tôi muốn phấn đấu trong công việc và không muốn tìm hiểu bất cứ ai. Nhiều lúc tôi nằm và suy nghĩ rằng nếu mình bị tai nạn, anh trai bị làm sao hoặc tôi bị thôi việc này thì ai nuôi bố mẹ mình, ai trả nợ, rồi tôi lại bị căng thẳng”, Trang nói.
Theo bác sỹ Nguyễn Thị Hồng Thu, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương thì luôn có một nghịch lý đau lòng là, người càng giỏi, càng tận tụy với công việc thì càng dễ hoảng loạn, trầm cảm, dễ phát điên. Bác sỹ Thu cho biết: “Bình thường họ đã mệt mỏi vì tập trung làm việc với cường độ cao, khi gặp phải những tác động từ bên ngoài vượt ngưỡng chịu đựng của họ thì sẽ mắc bệnh. Rối loạn tâm thần ở giới trí thức chủ yếu là loạn thì cấp (loạn theo giai đoạn).
Triệu chứng dễ gặp phải ở họ chính là mất ngủ, mệt mỏi, lo âu, dễ cáu giận, xa lánh, ít giao tiếp với mọi người. Dẫn đến kết quả công việc giảm sút, cơ thể suy kiệt. vì vậy nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh có thể khỏi nhanh, trở lại với cuộc sống bình thường. Nếu phát hiện muộn, bệnh tiến triển mãn tính, khó hồi phục”."
End of content
Không có tin nào tiếp theo