Nữ sinh viên sở hữu 3 cơ sở làm đẹp
Lựa chọn trường Đại học Mỏ - Địa chất cho vừa sức học nhưng Nguyễn An Trang (sinh năm 1994 tại Bắc Giang) lại sớm chuẩn bị cho mình hành trang cho con đường kinh doanh do có niềm đam mê từ nhỏ. Từ khi lên 5, Trang đã đem chính những chiếc kẹo mình có được bán lại cho các bạn học trong trường mẫu giáo, rồi lại dùng số tiền đó mua kẹo tiếp để “xoay vòng”.
Ngày học cấp 3, trong khi bạn bè vẫn mải mê với học hành thì nữ sinh đã mạnh dạn thử sức với công việc buôn bán. Cô mày mò tự tìm nguồn nhập các loại quần áo giá rẻ về bán, với số vốn ít ỏi tiết kiệm được từ việc nhịn quà sáng và tiền tiêu vặt. Rồi với sự đồng ý của gia đình, Trang còn mạnh dạn vay bố mẹ 20 triệu đồng mở quán cà phê nhỏ tự bán tại nhà trong những lúc rảnh rỗi, không phải đến trường. Tuy nhiên, do còn quá ít kinh nghiệm, không thể cùng lúc vừa hoàn thành tốt việc học vừa quản lý được cả việc làm thêm nên chỉ được vài tháng hoạt động, 2 dự án khởi nghiệp của Trang đều thất bại.
Đóng cả 2 cửa hàng, cũng đồng nghĩa với việc mất đi một khoản tiền không nhỏ so với một nữ sinh trung học thời bấy giờ. Tuy nhiên, từ cú vấp ngã đó mà Trang đã rút ra cho mình một bài học, rằng muốn kinh doanh thì việc đầu tiên là phải tích lũy cho mình đủ cả kiến thức và kinh nghiệm trong chính ngành nghề đó.
An Trang chọn cách đi chậm lại, từng bước một và bắt đầu bằng việc thi đỗ đại học với hy vọng những cánh cửa mới sẽ từ từ mở ra khi bản thân đã có sẵn một kiến thức nền tốt, có cơ hội va vấp nhiều hơn. Những ngày đầu ra Hà Nội nhập học và sống tự lập, Trang không quên tìm hiểu về môi trường sống mới để sớm bắt nhịp và chọn con đường đi phù hợp.
“Nhiều bạn cho rằng khi cầm tấm bằng tốt nghiệp Đại học thì mới bắt đầu tìm việc nhưng mình lại nghĩ hoàn toàn khác, thời gian không chờ đợi ai cả nên khi cơ hội đến thì phải biết nắm bắt lấy nó vì rất có thể, cơ hội đó sẽ không bao giờ quay lại”, Trang chia sẻ.
Vừa loay hoay với cuộc sống mới, làm quen với trường và bạn mới, cô sinh viên năm nhất vừa rục rịch khởi động lại việc kinh doanh. Xuất phát từ sở thích làm đẹp, có thể dành hàng giờ lọ mọ pha chế các loại kem dưỡng da nguồn gốc thiên nhiên để dùng và tặng bạn bè, năm 2012, Trang nảy ra ý định mở một trung tâm làm đẹp. Trong đó, các dịch vụ có chi phí ở mức vừa phải để thu hút số đông.
Nhiều người thân, bạn bè khi nghe về ý tưởng của Trang cho rằng cô đang có những suy nghĩ viển vông và thực hiện một kế hoạch quá sức. Tuy nhiên, Trang vẫn bắt tay vào thực hiện công việc đầu tiên là nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… cùng với đó là tự vẽ ra một quy trình dịch vụ chăm sóc khách hàng mà cô cho rằng chu đáo nhất.
Thời gian đầu, cô sinh viên chật vật với núi công việc, thường xuyên thức đêm để làm sổ sách và hoàn thành bài tập được giao trên lớp. Những đợt thi cử, lượng việc nhiều gấp đôi khiến cô mệt nhoài nhưng vẫn không khi nào nghĩ đến việc bỏ cuộc. Trang xin hỗ trợ tài chính từ gia đình 100 triệu đồng và vay thêm một số nơi để tìm mặt bằng và mở trung tâm làm đẹp quy mô nhỏ tại Hà Nội.
Với chiến lược đi sâu vào các dịch vụ tầm trung, trung tâm thẩm mỹ đầu tiên của Trang đã dần đi vào ổn định và có lãi sau khoảng nửa năm. Cô cũng tham gia các khóa đào tạo về chăm sóc sắc đẹp và có những trải nghiệm thực tế tại các cơ sở thẩm mĩ lớn ở nước ngoài. Từ chuyến đi đó, Trang có thêm động lực mở chi nhánh tiếp theo dành cho nhóm khách hàng cao cấp hơn, trong đó có cả các dịch vụ mời bác sỹ thẩm mỹ nổi tiếng về làm tư vấn chuyên môn cho tới nhập các máy móc hiện đại từ Hàn Quốc, Thái Lan, Thụy Sỹ… Với những dịch vụ này, cô cũng phải hoàn tất các thủ tục pháp lý cho trung tâm.
Sau 4 năm lăn lộn trong nghề, đến nay, trước khi tốt nghiệp đại học, Trang đã có 3 cơ sở làm đẹp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, mỗi tháng cho doanh thu trên dưới 500 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí đạt khoảng 10-15%. Thời gian tới, cô chuẩn bị ra mắt cơ sở thứ 4 tại Hà Nội.
Trang chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất của ngành spa hiện nay là đội nữ nhân sự chưa có những chương trình đào tạo chính quy ở Việt Nam, nguồn lao động hạn chế, thời gian lao động gắn bó với nghề lại không dài. Vì vậy thời gian để hoàn thiện về quy trình cũng như kiện toàn nhân sự mất nhiều. Trong khi đó, các dịch vụ lại phải luôn hoàn hảo nhất bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là dễ bị khách tẩy chay.
Các dịch vụ trong lĩnh vực spa cũng khá rộng nên không thể đầu tư dàn trải, do vậy, theo Trang, điều quan trọng là cần lựa chọn một dịch vụ mũi nhọn, là thế mạnh để đầu tư về chiều sâu.
Bên cạnh đó, Trang cũng cho rằng, khi quản lý spa không chỉ cần tập trung vào học tay nghề mà còn đòi hỏi các kỹ năng mềm như cách quản lý nhân sự, cách tư vấn và cách làm marketing cho dịch vụ của mình…
End of content
Không có tin nào tiếp theo