Nữ tướng đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam
Đến ngày 19/12/2013, lực lượng Công an vinh dự có thêm một nữ tướng nữa đó là đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Đẹp, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ. Hôm đến Kiên Giang tôi lại chuyển lời một đồng nghiệp bên báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh lại từ chối: "Viết về tập thể thì chị ủng hộ. Còn về cá nhân, chị có gì đâu mà viết".
Ký ức về người mẹ liệt sĩ Công an
Chị Tuyết Minh kể, ba má chị đều sớm tham gia hoạt động Cách mạng. Ba chị quê ở xóm Cầu Đá, thuộc vùng biên giới Hà Tiên. Quê ở Hồng Dân, Bạc Liêu. “Má tôi nhỏ hơn ba tôi đúng 10 tuổi. Má tôi tham gia cách mạng từ 1954, đến 1971 thì hy sinh. Lúc đó, bà là Phó Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ của Ban An ninh tỉnh Rạch Giá. Có lần, ba tôi kể, do điều kiện chiến tranh, từ ngày làm lễ tuyên bố trước sự chứng kiến của anh em đồng chí giữa rừng U Minh Thượng cho đến khi má tôi ngã xuống, ba tôi chưa tới được quê vợ mình lần nào...".
Chị Tuyết Minh kể: Tháng 5/1971, má chị đi nắm tình hình và chỉ đạo phong trào ở Vĩnh Thuận để chuẩn bị đối phó với kế họach "tìm diệt và bình định", "nhổ cỏ U Minh" của địch. Sau khi băng qua một cánh đồng rộng, má chị ngồi xuống dưới tán cây nghỉ chân. Chẳng ngờ, trên tán cây đó có cả "cây nhiệt đới" - thiết bị thu tiếng động địch thường gắn ở những nơi mà chúng nghi ngờ có việt cộng đóng quân, hành quân qua.
Chỉ mấy phút sau, khi má chị đang họp cùng với các đồng chí trong Ban An ninh huyện Vĩnh Thuận, một bầy cán gáo bay đến rồi bọn địch đổ quân xuống, bao vây. Cuộc chống trả không cân sức diễn ra. 4/5 chiến sĩ cách mạng đã anh dũng ngã xuống. Má chị hy sinh, cả tháng sau ba chị mới được tin và đâu hai ba năm sau chị mới hay "mợ hai" không còn. Đến sau giải phóng, chị mới có được câu chuyện đầy đủ về người mẹ dấu yêu của mình qua lời kể của bà nội, của ba… và của những kỷ vật.
Tiếp nối truyền thống hào hùng
Chiến tranh những năm đầu thập niên 60 khốc liệt nên khi sinh chị ra mới 2 tháng còn đỏ hỏn, ba má đành phải gởi chị cho bà nội, cho uống nước cơm thay sữa mẹ. Để đảm bảo bí mật, nội để chị làm con của con gái thứ 5, tức em của ba chị. Chị phải gọi bà nội bằng… bà ngoại; gọi dượng năm bằng ba. Nơi hai bà cháu tá túc là một ngôi chùa thờ thần ở xã biên giới Mỹ Đức.
Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh - Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang tại Hội nghị hợp tác bảo vệ an ninh biên giới giữa Công an tỉnh Campot, Kép, Sihanouk Cămpuchia, ngày 16/12 vừa qua.
Cuối năm 1981, vừa xong cấp III, Tuyết Minh được tuyển vào lực lượng Công an. Địa bàn mà nữ trinh sát an ninh 19 tuổi được phân công là Kênh Cụt, nay thuộc phường An Hòa, TP Rạch Giá và một khu vực thuộc huyện Hòn Đất. Đó là những nơi trọng điểm của nạn đưa người vượt biên trái phép. Thoạt đầu, do chưa được học nghiệp vụ, chị rất bỡ ngỡ, lo lắng.
Chị kể, có lúc bám theo đối tượng, nằm địa bàn có khi gần tháng trời. Ba chị cười, động viên nhưng thấy con gái mặt mày hốc hác, lòng ông rối bời. Hai cha con không nói được gì thêm nhưng cùng nghĩ về một người - đó là má chị. Chị bắt đầu cùng đồng đội lập những chiến công đầu tiên.
Những ngày đầu gian khó, nguy hiểm nhưng Tuyết Minh cảm thấy yêu quý màu áo ngành hơn lúc nào hết. Khi lăn lộn vào nhiệm vụ của một trinh sát ngoại tuyến, chị có thêm nhiều vốn sống thực tế bổ ích. Đấy cũng là thế mạnh giúp chị đậu Đại học An ninh và hoàn thành xuất sắc chương trình học 5 năm trời. Trở về đơn vị, chị tiếp tục thể hiện năng lực của mình. Chị được phân công qua nhiều vị trí, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được anh em đồng đội, nhân dân tin yêu.
Có một sự kiện mà theo chị "phải ba tôi còn sống, ông mừng và tự hào về con gái mình lắm". Đó là vào tháng 5/2007, chị được cử tri tín nhiệm vào Quốc hội khóa XII với số phiếu tập trung. Khóa đó, đại biểu Quốc hội là Công an có tất cả 17 nhưng chỉ mỗi mình chị là nữ và chị cũng là đại biểu nữ duy nhất của LLVT.
Lần xuống Công an xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, hơn 23 giờ đêm, nghe anh em công an viên kể về công việc và đời sống còn lắm khó khăn, vị ủy viên của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội khóa XII Bùi Tuyết Minh cảm thấy xốn xang. Khi thấy chị dồn sức thực hiện tâm huyết tăng cường cho Công an cơ sở, nhất là Công an xã, thị trấn,… tôi mới hiểu chính là sau những chuyến công tác đêm hôm và đầy trách nhiệm như thế.
Người ta thường nói, phía sau sự thành đạt của người đàn ông, luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Chị thì ngược lại. Chị có được hôm nay là có sự hy sinh lặng thầm của ba chị. Chị kể, trước ngày ông nghỉ hưu, bận bịu với công việc của một Thường vụ Tỉnh ủy nhưng ông vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của con. Còn anh Thắng - chồng chị, hiện là Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh, là "cấp dưới" của chị. Bao nhiêu năm nay anh vẫn giữ dáng gầy gầy; tóc có thêm nhiều sợi bạc.
Chị Minh tặng quà cho gia đình chính sách.
Nhìn những tấm hình mà chị treo trên tường, tôi vẫn bắt gặp nhiều tấm hình chỉ có mấy cha con ngồi chơi. Mỗi lần xong việc về nhà sớm hoặc trễ hơn dự tính, chị lặng người nhìn anh làm những công việc lẽ ra là của mình.
Tết 2014 cận kề, nhiều người "thúc" sao không viết nhiều hơn về nữ tướng đầu tiên của lực lượng Công an Việt Nam, tôi "đổ thừa" do chị Tuyết Minh quá bận bịu. Mà chị bận thật. Tôi có thể gọi điện cho chị bất cứ lúc nào nhưng muốn trực tiếp gặp chị thì không phải dễ. Vừa xong Hội nghị hợp tác bảo vệ an ninh biên giới giữa Công an các tỉnh Campot, Kép, Sihanouk (Vương quốc Campuchia) với Công an tỉnh Kiên Giang, chị lại "bay" ra Hà Nội để dự Hội nghị Công an toàn quốc…
Lần đến Rạch Giá gần đây nhất, tôi cũng tranh thủ trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe chị trong lúc điểm tâm sáng ngắn ngủi trong căng tin Công an tỉnh, rồi chị lại vội vã vào lịch công việc. Mà nghĩ cũng đúng, công việc đảm bảo ANTT trên đất, đảo biển Tây hết sức đặc thù, khiến những người đứng đầu LLVT nói chung, trong đó có lực lượng Công an luôn bận bịu như thế.
Ấy là sự bận bịu của trách nhiệm. Không riêng gì Thiếu tướng Bùi Tuyết Minh, mà toàn lực lượng Công an nói chung luôn sẵn sàng chấp nhận sự bận bịu, vất vả, thậm chí phải đổ máu, hy sinh để người dân được vui xuân, đón Tết, được sống trong cảnh yên bình...
End of content
Không có tin nào tiếp theo