Doanh nhân

OECD cảnh báo nguy cơ thế giới sa vào "bẫy tăng trưởng thấp"

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế công bố hai lần mỗi năm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 1/6 cảnh báo thế giới có nguy cơ rơi vào "bẫy tăng trưởng thấp," trừ phi chính phủ các nước nhanh chóng tăng chi tiêu.

Theo nhà kinh tế trưởng của OECD, Catherine Mann, sự phục hồi yếu kể từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã tạo ra "bẫy tăng trưởng thấp."

Bà cho rằng nếu không có một hành động tập thể, thống nhất và toàn diện, tình trạng tăng trưởng thấp sẽ kéo dài. Bà cho biết sau nhiều năm các tổ chức kinh tế quốc tế hối thúc các chính phủ thực hiện việc thắt chặt chi tiêu, nay chính sách tài chính phải được nới lỏng hơn.

Bà nói yêu cầu tăng chi với các chính phủ là cấp bách và cho rằng chừng nào kinh tế toàn cầu mắc kẹt trong "bẫy tăng trưởng thấp" càng lâu, việc chấm dứt các tác động tiêu cực của nó, hồi sinh các lực lượng thị trường và đưa các nền kinh tế tới con đường tăng trưởng cao càng khó khăn.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cảnh báo thế giới có nguy cơ rơi vào "bẫy tăng trưởng thấp.

OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3% năm nay và 3,3% năm tới, không thay đổi so với các dự báo hồi tháng Hai. OECD cho rằng đà phục hồi đáng thất vọng tám năm sau khủng hoảng tài chính đã tạo ra những yếu tố kìm hãm tăng trưởng ở mức thấp như các doanh nghiệp không có động lực để đầu tư khi nhu cầu yếu, lương không tăng, thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập làm cản trở tiêu dùng.

OECD nhận định nếu các cử tri ủng hộ việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) thì những tác động đối với thương mại, đầu tư và chi tiêu có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này giảm 3 điểm phần trăm trong bốn năm tới so với việc họ bỏ phiếu cho việc nước Anh ở lại EU.

OECD dự báo nếu người Anh ủng hộ việc ở lại, tăng trưởng kinh tế của Xứ sở Sương mù sẽ đạt 1,75% trong năm nay, trong khi dự báo trước là tăng 2,1%.

Về kinh tế Trung Quốc, OECD nhận định tăng trưởng đang ổn định dần nhờ các biện pháp chính sách mà chính phủ nước này đã thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế. Tổ chức này giữ nguyên dự báo nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 6,5% trong năm nay và chỉ tăng 6,2% trong năm tới, so với mức tăng 6,9% của năm ngoái.

Trong khi đó, đồng USD mạnh được cho là nguyên nhân OECD hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay từ 2% xuống 1,8%, so với mức tăng 2,4% của năm ngoái. Với Khu vực sử dụng đồng euro, tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng từ 1,4% lên 1,6%. Dự báo cho kinh tế Nhật Bản năm nay bị hạ từ 0,8% xuống 0,7%.

Với Brazil, OECD nhận định nền kinh tế nước này sẽ giảm 4,3% trong năm nay, so với mức dự báo trước đó là giảm 4%, do bất ổn chính trị và những lo ngại về tham nhũng, và tiếp tục giảm 1,7% trong năm tới, thay vì là không tăng trước theo dự báo trước.

Cafebiz/Vietnam+

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo