Góc nhìn

Ông Bùi Kiến Thành: “Cần thận trọng trước những thống kê của nền kinh tế”

“Nếu giải quyết tốt vai trò của NHTW thì mọi vấn đề khác sẽ thông suốt. Còn nếu nền kinh tế thiếu tiền, để “ruộng khô, lúa cháy” như mấy năm nay thì tất cả chỉ là ảo tưởng thôi. DN khó khăn thì làm sao nền kinh tế có thể phát triển và cạnh tranh với nước ngoài được” – chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

PV: Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế năm 2013 vừa qua?

Ông Bùi Kiến Thành: Năm 2013 không có gì sáng sủa cho lắm. Đây cũng là thời kỳ chuyển tiếp từ những khó khăn của giai đoạn 2008-2013. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những việc chưa được thực hiện tốt của năm 2013.

Trước hết về vấn đề tái cấu trúc DNNN cũng chưa làm xong, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng chưa đi đến đâu.

Chính sách tiền tệ cũng chưa rõ ràng, chưa xác lập được lãi suất hợp lý cho DN phát triển trong trung và dài hạn. Lãi suất ngân hàng tuy đã hạ xuống nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn “chết như rạ”, chết tới đáy rồi. DN tiếp tục gặp khó khăn, tiếp cận tín dụng cũng không dễ, các DN chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

Từ trước tới giờ chúng ta không có chính sách mà chỉ có biện pháp chữa lửa thôi. Nhiều khi biện pháp chỉ cứu 1 phường, 1 xã, chứ không chữa lửa được cho cả thành phố. Ví như gói 30 nghìn tỷ đồng của bất động sản không giải quyết được việc gì. Khi đem ra áp dụng cũng không có định hướng rõ ràng, không có hướng dẫn thế nào để thực hiện cho tốt.

PV: Theo ông, con số tăng trưởng 5,4% GDP năm 2013 có phản ánh đúng thực chất và sức khỏe của nền kinh tế?

Ông Bùi Kiến Thành: Thật ra chúng ta cũng nên thận trọng trước những con số của thống kê. 5,4% đó phần nào là đóng góp của doanh nghiệp trong nước, phần nào là đóng góp của DN FDI cũng chưa được rõ ràng.

Cần phải xem cấu thành của con số đó là như thế nào. Vấn đề kẹt xe trong thành phố Hà Nội cũng là góp phần cho sự phát triển GDP, việc tiêu xài vô tội vạ cũng vào GDP lắm chứ.

PV: Vậy ông nhận định thế nào về 2 mảng sáng-tối của kinh tế 2014?

Ông Bùi Kiến Thành: Ngày 11/11/2013, Nghị định 156 của Chính phủ đã quy định rõ ràng hơn vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Ngân hàng Trung ương (NHTW). Vai trò của NHTW trong năm 2014 là cực kỳ quan trọng và được thực hiện một cách quyết liệt hơn.

Việc tham gia các Hiệp định như TPP, Hiệp định thương mại tự do với châu Âu… cũng sẽ tạo cơ hội giảm thuế cho hàng xuất khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cơ hội xuất khẩu và khả năng dịch chuyển lao động, hàng hóa và dòng vốn giữa các quốc gia thành viên…

Năm 2014, chính sách phát triển bất động sản sẽ là hoàn toàn mới, áp dụng những kinh nghiệm của thế giới để thực hiện, tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của phân khúc lớn, tạo ra nguồn tài chính vững mạnh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng ta vẫn là quản lý Nhà nước. Từ Trung ương tới làng xóm đều kẹt trong thế tiêu cực. Thể chế của chúng ta đang có vấn đề đóm không vượt qua được thì không thể là thành viên mạnh trong cộng đồng quốc tế được, mình sẽ tự mình loại ra khỏi cuộc chơi.

Theo TS Võ Trí Thành, tăng trưởng kinh tế của năm 2014 cũng như năm 2013, sẽ khoảng quanh 5,5% hoặc cao hơn đôi chút.

Trong mọi hợp đồng của Mỹ đều trích ghi điều khoản về Luật phòng chống tham nhũng, không thể không thực hiện vì đó là hình sự. Một DN Mỹ qua đầu tư tại Việt Nam mà hối lộ 100 USD cũng đã bị hình sự hóa. Chúng ta không thể hợp tác được với các tập đoàn lớn vì không có lý do gì mà ông chủ tịch tập đoàn nào đó phải đi tù vì nhân sự ở Việt Nam đi hối lộ.

Cái quan trọng nhất với Việt Nam trong 2014 và những năm tiếp theo là vấn đề thể chế và cơ chế, làm sạch bộ máy công quyền. Chúng ta sẽ mất đi nhiều cơ hội làm ăn lớn, nếu không giải quyết được vấn đề quản lý Nhà nước cho thông thoáng. Con rồng Việt Nam đừng bị trĩu cánh bởi gánh hàng trăm kí lô tiêu cực.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của NHTW trong việc phát triển kinh tế?

Ông Bùi Kiến Thành: Cái Việt Nam đang làm phi lý ở chỗ, mình có chủ quyền tiền tệ, mà tại sao qua Nhật vay Yen để trả lương cho lao động ở Lai Châu, Thái Nguyên? Tiền Việt Nam trong tay, tại sao lại đi vay ODA nước ngoài, vay của Ngân hàng Thế giới bằng USD sau đó chuyển thành tiền Việt Nam để mua xi măng sắt thép, trả công cho lao động xây cầu, xây đường?

Vay nước ngoài là chỉ khi cần ngoại tệ nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu không thể mua bằng đồng Việt Nam được thôi chứ. Tại sao có NHTW mà không chi tiền ra? Nói là chi tiền là lạm phát thì không đúng.

Vai trò của NHTW, lấy hình ảnh điều tiết nước cho ruộng, khi gieo mạ xuống thì cần bao nhiêu nước để mạ sống, khi cây lúa mọc lên mức nào thì lượng nước nghiên cứu bao nhiêu là đủ, lúc trổ bông thì phải rút đi thế nào cho lúa chín.

Vấn đề là điều tiết lưu lượng tiền tệ, không thừa và không thiếu cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững trong từng giai đoạn. NHTW theo dõi từng bước phát triển và cung ứng đầy đủ lượng tiền tệ. Muốn DN phát triển thì lãi suất không được quá 5% trong thời hạn 10 năm sắp tới, ví dụ thế. Đó là chính sách, mình chưa làm cái đó.

Mỗi ngày NHTW cần có trong tay tất cả các thông tin như tiền trong tài khoản, tín dụng trong hệ thống là bao nhiêu, NHTW thấy đủ không, hoặc biến chuyển trong nền kinh tế phải tính trước. Ví  dụ một tháng nữa là Tết thì đã sản xuất lượng hàng gì, phục vụ từ bao nhiêu lâu trước đó. Vấn đề này cũng cần có một ban nghiên cứu rõ ràng để biết thế nào là đủ.

Ngân hàng TW cũng sẽ giải quyết bằng cách cung ứng cho NHTM thanh khoản cần thiết với lãi suất hợp lý cho NHTM cho vay. Nếu là 2% thì cho NHTM vay với lãi suất 0,1%, nếu là 3% thì cho NHTM vay với lãi suất 1%..Trách nhiệm của người nắm nguồn tài chính, tín dụng là để phục vụ cho DN.

Nếu giải quyết tốt vai trò của NHTW thì mọi vấn đề khác sẽ thông suốt. Còn nếu không giải quyết được, nền kinh tế vẫn thiếu tiền, để “ruộng khô, lúa cháy” như mấy năm nay thì tất cả chỉ là ảo tưởng thôi. DN khó khăn thì làm sao nền kinh tế có thể phát triển và cạnh tranh với nước ngoài được.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Năm 2014, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn mà khả năng phục hồi tuy chậm chạp nhưng chắc chắn hơn bởi những điểm xấu nhất của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, của nền kinh tế Mỹ đã qua. Đây chính là những thị trường lớn nhất của Việt Nam xét về cả thương mại và khả năng đón nhận đầu tư. Tăng trưởng của năm 2014 cũng như năm 2013, khoảng quanh 5,5% hoặc cao hơn đôi chút. Khả năng tăng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vẫn còn khá lớn. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2014. Lần này các FDI sẽ tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo và như vậy có nhiều khả năng lan tỏa lớn tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương.


Thảo Nguyên (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo