Góc nhìn

Ông Bùi Kiến Thành: Không phải cứ động vấn đề là đề xuất tăng bội chi

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết đề xuất nới trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP năm nay lên 5,3% GDP cho năm sau xuất phát từ nhu cầu đầu tư đang rất lớn mà lại thiếu vốn. Có nên nới trần bội chi lúc này vẫn là vấn đề gây tranh cãi. PV Tạp chí DNVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Đề xuất nâng trần bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP của Chính phủ mới đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành: Tăng bội chi không phải là phép thần để cứu nền kinh tế, thậm chí có nhiều phản tác dụng. Thứ nữa, với cách lý giải tăng bội chi để đầu tư công, nhằm kích cầu là điều cần phải thận trọng, nếu không sẽ tạo thêm nguy hiểm cho nền kinh tế.

Khi đầu tư tư nhân, đầu tư nhân dân chưa thể phát triển thì có thể dùng một chút đầu tư công để đẩy lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xi măng, sắt thép có thị trường đầu ra. Song, đây không phải phương pháp cốt lõi. Tránh lạm dụng mỗi lần thấy kinh tế khó khăn thì lại nới chi tiêu công, tạo việc làm bằng cách “đào lỗ này để lấp lỗ kia”, lãng phí, không tạo ra sản phẩm, sử dụng đồng vốn kém hiệu quả.

Tăng bội chi đồng nghĩa với tăng nợ công, mà hiện nay nợ công của Việt Nam đang ở mức cao?

Ông Bùi Kiến Thành: Tăng bội chi là vấn đề không đơn giản, bởi lâu nay bội chi ngân sách thường phải bù đắp bằng nguồn vốn vay trong nước và ngoài nước. Tăng bội chi cũng đồng nghĩa với tăng nợ công, nếu không sử dụng hiệu quả sẽ để lại gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau….

Thực tế ngân sách thiếu hụt, thu không đủ bù chi, theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng này?

Ông Bùi Kiến Thành: Tại sao bội chi? Tại sao thất thu? Hay là tăng chi ngoài kế hoạch? Ngân sách thiếu hụt vậy giảm chi được không? Đó là những câu hỏi chúng ta phải trả lời.

Nguyên nhân chính là sự yếu kém trong quản lý Nhà nước, các chính sách điều hành, giám sát hiện nay chưa hợp lý. Bấy lâu nay chúng ta quen bao cấp….động vấn đề là cầu cứu, đề xuất tăng bội chi.

Một vấn đề nữa là chi tiêu công quá lãng phí, cái này ai cũng thấy, đã bao nhiêu năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội rồi để đó, không có phương án cũng không quyết tâm xử lý. Chúng ta cứ nói phải thanh tra, kiểm tra, giám định ngay những công trình đang thi công để làm rõ mức nghiêm trọng của sự móc ruột công trình, tiêu cực, lãng phí, mà tiêu điểm trước mắt mọi người dân là những cầu vượt trong các đô thị với giá công trình “cao tận mây xanh” nhưng thực hiện việc này còn chậm. Tôi cho rằng, chúng ta có luật nhưng chưa thi hành, còn có sự bao che cho nhau.

Mặt khác, hiện nay số cán bộ, công chức dư thừa là rất lớn, theo phát biểu của Tổng Bí thư là “sáng xách ô đi, chiều xách ô về”, hay theo nhận xét của một vị bộ trưởng “sáng 9 giờ mới đến cơ quan rồi đọc báo hay chơi game”, gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước.

Nếu đề xuất được chấp nhận, thì một vấn đề khác cần được tính tới là lấy nguồn nào để tăng bội chi? Chính phủ sẽ thực hiện bằng cách nào?

Ông Bùi Kiến Thành: Hiện nay thu ngân sách đang rất khó khăn nên nguồn tăng sẽ phải vay từ việc phát hành trái phiếu chính phủ, hoặc vay từ nguồn ODA nước ngoài.

Theo ông, việc chúng ta cần làm lúc này để cải thiện tình hình trên?

Ông Bùi Kiến Thành: Việc chúng ta nên làm lúc này là làm sao để doanh nghiệp hoạt động tốt, ổn định chứ không phải để bị suy thoái, chết, hay chết lâm sàng như vậy. Doanh nghiệp hoạt động tốt mới tạo ra (có) nhiều việc làm, giảm thất nghiệp, thì sẽ tăng (tự nhiên có) nhu cầu mua sắm. Đó chính là kích cầu, chứ không phải tăng ngân sách để đầu tư công, hiệu quả sử dụng đồng vốn thấp, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa qua nhiều lãnh vực kinh tế khác, không tạo ra nhiều sản phẩm xã hội, lại còn bị lãng phí, rút ruột, nhất là trong thời buổi khó khăn này.

Việc tiếp nữa là chúng ta cần hạn chế đầu tư vào khối DNNN, vì hiệu suất kinh tế (ICOR) quá kém, một việc mà Trời biết, Đất biết, dân biết, các cơ quan nhà nước đều biết. Và quyết liệt thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực ngoài ngành để tạo nguồn thu, nhanh chóng thanh lý hoặc bán các doanh nghiệp triền miên thua lỗ để giảm chi.

Trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp, Chính phủ phải quản lý bằng cách tiết kiệm chi. Phải xét xét giảm các khoản chi không hợp lý, nhất là chi trong bộ máy hành chính. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tài khóa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định, tạo nguồn thu cho ngân sách. Hay có thể nói là phải làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước, để kinh tế phát triển bền vững, tạo nguồn cho ngân sách Nhà nước được cân bằng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo