Ông Bùi Kiến Thành: “Nói hết 2015 phải hoàn tất thoái vốn ngoài ngành là duy ý chí”
PV: Đến thời điểm này, 68 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu, 101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt... Ông đánh giá sao trước con số này?
Ông Bùi Kiến Thành: Về quyết định cổ phần hóa của các doanh nghiệp thì đã có từ mấy chục năm nay rồi. Việc gì phải phê duyệt. Sao phải tính 68 hay 78 tập đoàn làm gì, cứ theo luật mà áp dụng.
Ở đây mấy ông tổng công ty, tập đoàn không có tuân thủ luật pháp mà sợ trách nhiệm của mình mới làm nên những phương án cổ phần hóa hay thoái vốn Nhà nước, trình lên Thủ tướng phê duyệt.
Luật của Nhà nước nói về việc một là phải cổ phần hóa theo quy định, có quyết định của Chính phủ thì anh phải thoái vốn, thì cứ theo đó mà làm. Quy định của Chính phủ phải thoái vốn, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp phải làm theo quyết định, theo quyền hạn của mình.
PV: Theo yêu cầu của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải hoàn tất việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào cuối năm 2015. Theo ông, liệu chúng ta có làm được đúng yêu cầu?
Ông Bùi Kiến Thành: Nói là phải giải quyết cho xong tới cuối 2015, làm sao lại có quyết định kì cục như thế? Tại sao lại là 2015, mà không là 2014, 2016 hay 2020? Cơ sở nào là nói là phải cuối 2015 phải hoàn tất việc thoái vốn?
Thoái vốn là bán vốn sở hữu của Nhà nước cho những người không phải của Nhà nước mua. Chứ không phải bán từ tập đoàn A cho tập đoàn B của Nhà nước. Nhưng thử đặt các câu hỏi: Muốn bán thì phải làm sao? Có hàng hóa gì để bán? Doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hay chưa, có bán theo quy định của Ủy ban chứng khoán Nhà nước hay gọi là IPO hay không? Đã niêm yết rồi thì phải bán theo thị trường chứng khoán, nếu chưa niêm yết thì phải làm sao?....
Ít nhất anh muốn bảo đảm vấn đề thông thoáng, nếu là 1 doanh nghiệp tương đối thì phải bán với giá nào? Bán ở chợ nào? Phải định giá, nếu niêm yết ở sàn chứng khoán thì có giá rồi. Nếu chưa thì ai quyết định giá của xí nghiệp này? Quyết định có tiêu cực hay không? Tất cả các việc đó các doanh nghiệp phải quyết định.
Phải có sổ sách cho minh bạch đã. Minh bạch rồi thì phải thuê công ty kiểm toán độc lập vào giám định sổ sách. Đến khi hoàn thành các bước đó mới kiến nghị cho HĐQT giá trị của doanh nghiệp đó, rồi HĐQT họp nhau lại, bàn bạc xem đề nghị của kiểm toán, giám định đó là đúng hay sai, mới đi đến chỗ giá mình bán là bao nhiêu. Việc đó các doanh nghiệp Nhà nước đã làm chưa? Mới chỉ nói mấy chục, mấy trăm doanh nghiệp cần thoái vốn mà chưa biết bán kiểu gì thì không được.
Hiện đã có định giá đâu mà có định lượng, mà đòi bán trước 2015. Tư nhân nào có tiền để mà mua.
Ví dụ mình tính cần bán 200.000 tỷ đồng đi, mà bán cho tư nhân, thì tư nhân nào có 200.000 tỷ đồng để mua đây, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì chết lên chết xuống. Ngân hàng bỏ ra 100.000 tỷ đồng cho ông A, ông B, ông C vay thì có bảo đảm được không? Rất nhiều việc phải làm.
PV: Vậy có nghĩa là sự chậm trễ trong việc thoái vốn một phần là do chúng ta chưa nghiên cứu kĩ thực tế?
Ông Bùi Kiến Thành: Thứ nhất, mình có số lượng hàng mình bán là bao nhiêu thì phải tính nó có cầu không. Chứ tung cung vô tội vạ cho tới năm 2015 mà cầu không theo được, thì mình bán cho ai?
Cung phải ăn khớp với cầu, mới có thể bán được. Cung ở trên trời, cầu ở dưới đất thì không ai mua, tự nhiên ế hàng, người có nhiều tiền mua với giá bèo, giá ế, bán tống bán tháo. Vậy mình bán hết đất nước này cho nước ngoài sao?
Để tư nhân nước ngoài xem có mua không, tư nhân nước ngoài sẽ mua, nhưng sẽ mua những gì họ cho là ngon nhất. Những nhà đầu tư nước ngoài mua cái tốt nhất với giá rẻ bèo, tại vì lượng bán nhiều quá mà lượng người mua không có. Chính sách Nhà nước có muốn như vậy không.
Vừa rồi Thống đốc NHNN ra thông cáo cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua tới 60% những doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế cho thấy, chúng ta không thấy được toàn bộ vấn đề. Dân Việt Nam có bao nhiêu tiền, sở hữu trong dân là bao nhiêu, vì sao họ mua DN đó làm gì? Họ đang mua vàng để cất, liệu họ có bán vàng ra để mua DN đó hay không? Chưa tính được cái cầu.
Nói là hết 2015 phải hoàn tất thoái vốn ngoài ngành là mới ở mức duy ý chí thế thôi.
PV: Như vậy cần tính toán lại phương án và kế hoạch thoái vốn như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: Đã là người hoạch định chính sách thì phải đánh chậm thắng chắc, chứ đừng nói chuyện đánh nhanh mà thua chắc. Vấn đề chúng ta đưa ra một quyết định không có cơ sở kinh tế, cơ sở kinh doanh nào cả…khiến cho lãnh đạo DNNN không biết làm thế nào cả. Làm chậm thì cũng bị phạt, nhanh mà làm mất tài sản của Nhà nước cũng không được. Có người mua mới bán được chứ, bán rẻ để thu hồi vốn thay vì đổ xuống sông xuống biển thì bị quy trách nhiệm thì làm sao? Tất cả những chuyện này là phi lý thuần từ đầu đến cuối. Chúng ta phải đặt lại vấn đề.
Nếu nói tung ra bán hết thì Trung Quốc có thể mua hết xứ này như không. Nên cần phải lập lộ trình để bán, có thời khóa để làm việc. Sức hấp thụ của nhân dân Việt Nam là bao nhiêu mình mới bán được. Nước ngoài mua được thì chấp nhận được bao nhiêu. Đây không phải bắt buộc phải bán ngay, không phải như quả chín trên cây, rụng xuống là chết.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo