Doanh nhân

OPEC - nội chiến giá dầu ngày càng khốc liệt

Khi chào giá bán dầu cho khách hàng châu Á, các thành viên OPEC bỏ qua mọi liên kết truyền thống.

Các nhà cung cấp dầu mỏ OPEC từ lâu đã có truyền thống "hòa thuận" trong các quyết định, nâng hoặc hạ giá dầu một cách nhịp nhàng và đồng nhất. Giờ đây, Kuwait đang "phá giá" Arab Saudi với mức kỷ lục và Iraq cũng đang bán dầu rẻ hơn nhiều so với thành viên lớn nhất OPEC - Arab Saudi. Qatar đang giảm giá bán mạnh nhất trong 27 năm qua nhằm cạnh tranh với Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Dù OPEC - chiếm 40% nguồn cung dầu thô toàn cầu - vẫn thống nhất về chiến lược tiếp tục bơm dầu với sản lượng kỷ lục, song cái gọi là sự đoàn kết của khối này dường như biến mất khi nói đến cơ chế định giá bán dầu thô.

Virendra Chauhan, nhà phân tích tại Energy Aspects, cho rằng, OPEC không chỉ đang cạnh tranh với các nước khác ngoại Khối như Nga, Brazil và Mỹ, mà bản thân nội Khối cũng đang chìm trong cuộc nội chiến giữ thị phần.

Gía dầu diền biến phức tạp

OPEC - chiếm 40% nguồn cung dầu thô toàn cầu 

"Chiến trường" là khu vực châu Á-Thái Bình Dương - chiếm 34% tổng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Riêng Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tổng tiêu thụ dầu trong năm 2016, theo dự đoán của IEA.

Giá dầu thô Export Blend giao tháng 10 Kuwait bán cho châu Á hiện đang rẻ hơn 65 cent so với dầu Arab Medium giao tháng 10 và rẻ hơn 60 cent so với hợp đồng giao tháng 11 của Arab Saudi với chất lượng tương đương. Mức chênh lệch này tăng đáng kể so với 40 cent hồi đầu năm 2014.

Iraq cũng đang bán dầu Basrah Heavy rẻ hơn 3,7 USD/thùng so với dầu Arab Heavy của Arab Saudi, mức chiết khấu lớn nhất kể từ tháng 4 khi Iraq bắt đầu đẩy mạnh việc bán dầu. Dầu thô Land của Qatar đang rẻ hơn 1,2 USD/thùng so với dầu Murban của Abu Dhabi, mức chênh lệch lớn nhất kể từ tháng 6/2013. Tháng 5 vừa qua, mức chênh này chỉ là 40 cent. Khi cố gắng củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng, các thành viên OPEC, kể cả Arab Saudi, đang cạnh tranh gay gắt với nhau, cũng như cạnh tranh với các nhà cung cấp khác ngoại Khối.

Giá dầu tuột dốc và chạm đáy 6 năm qua hồi tháng tháng 8 khi OPEC quyết định đối phó với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ bằng cách giữ nguyên sản lượng trong một nỗ lực hất cẳng những nhà sản xuất có chi phí cao hơn ra khỏi thị trường. OPEC cho biết, sản lượng dầu thô của Khối trong tháng 9 đạt mức cao nhất trong 3 năm qua, dẫn đầu là Iraq.

Chiến lược này đã phần nào phát huy tác dụng khi sản lượng dầu thô của Mỹ giảm cùng với sự sụt giảm của số giàn khoan đang hoạt động. Sản lượng dầu thô của Mỹ giảm hơn 500.000 thùng/ngày từ mức kỷ lục 30 năm qua ở 9,61 triệu thùng/ngày hồi tháng 6, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Tuy vậy, các thành viên OPEC, nhất là các nước phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ, cũng phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Arab Saudi - phần lớn nguồn thu quốc gia từ dầu mỏ - dự đoán thâm hụt ngân sách năm nay lên đến 20% GDP, theo IMF. Mặc dù OPEC dự đoán nhu cầu dầu thô sẽ tăng trong năm tới, nhưng nguồn cung từ một thành viên của Khối cũng sẽ tăng lên. Iran, nước sản xuất dầu thô lớn thứ 5 OPEC, có thể tăng sản lượng lên 3,6 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, IEA cho biết hôm 13/10. Sản lượng dầu thô của Iran trong tháng 9 đạt 2,8 triệu thùng/ngày. Nguồn cung bổ sung từ Iran có thể áp đảo dầu chất lượng tương đương từ Arab Saudi, Iraq hay Nga, IEA nhận xét.

"Nếu xuất khẩu dầu của Iran tăng lên, nước này cũng sẽ cần điều chỉnh giá bán chính thức để thu hút khách hàng tiềm năng", Ehsan Ul-Haq, chuyên gia tư vấn tại công ty KBC Advanced Technologies nhận định.

Doanhnhansaigon/Bloomberg/NCĐT

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo