Góc nhìn

PGS Nguyễn Hữu Tri:Nói thật là chính sách đang mâu thuẫn!

Bộ LĐTB&XH thì xin tăng tuổi nghỉ hưu, còn Bộ Nội vụ lại muốn giảm biên chế. Dường như chính sách đang mâu thuẫn nhau.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia đã nhận định như vậy với Đất Việt.

- Thưa ông, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa. Ông bình luận như thế nào về đề nghị này, đặc biệt khi vấn đề vỡ quỹ BHXH đã khẩn thiết được đặt ra trong 4-5 năm trở lại đây? Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong những năm vừa qua?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Quan điểm của cá nhân tôi thì cho rằng không nên lấy lý do sợ vỡ quỹ bảo hiểm mà nâng cao tuổi nghỉ hưu.

Thực ra bảo hiểm người ta vẫn gọi là kinh doanh bảo hiểm. Chẳng qua tiền bảo hiểm là tiền trích của người lao động hàng tháng để cơ quan bảo hiểm giữ hộ, sử dụng vào quỹ tập trung, sau này khi người ta nghỉ hưu thì trả lại. Thậm chí có người vừa nghỉ thì đã qua đời rồi nên họ chả được hưởng bảo hiểm gì cả.

Nếu đứng về mặt xã hội thì có thể xem đây là một sự bù trừ cho nhau. Quỹ tập trung này bên bảo hiểm sử dụng để cho vay đầu tư… vì đây là kinh doanh bảo hiểm.

Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng nào đó thì tôi cho là hợp lý. Ví dụ những người làm khoa học, các giáo sư ví dụ như các nước họ làm việc đến khi nào còn đủ sức khỏe, trí tuệ minh mẫn thì vẫn làm.

Không nên lấy lý do lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội để kéo dài tuổi nghỉ hưu

- Trở lại đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, đồng nghĩa với việc số công chức hưởng lương sẽ không giảm bớt. Trong khi đó, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 132 về vấn đề nghỉ hưu trước tuổi, bản thân Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng đề án nhằm tinh giản biên chế, bớt gánh nặng ngân sách. Phải hiểu mâu thuẫn trong việc đề xuất, xây dựng chính sách này như thế nào, thưa ông? Thực tế này có phải là cá biệt không và tại sao lại tồn tại thực tế này?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Nói thật là các chính sách mâu thuẫn nhau. Mà đã gọi là chính sách thì là trách nhiệm để giải quyết một số vấn đề tình huống chứ không phải là chiến lược. Chính sách cũng để phục vụ cho công tác quản lý chứ cũng không có nghĩa là trái luật.

Tuy nhiên những dạng chính sách mâu thuẫn như thế này không phải là hiếm. Song nếu muốn sửa tuổi nghỉ hưu thì sẽ phải sửa Bộ Luật Lao động và một loạt luật khác.

Đây chính là sự mâu thuẫn thiếu nhất quán và sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề.Chúng ta cứ đặt luật ra một đằng rồi kiến nghị tùy tiện theo một nẻo thì rất khó.

- Đặt giả định, đề nghị của cả hai Bộ đều được thông qua thì hiệu quả sẽ ra sao: quỹ BHXH có được giảm áp lực, việc tinh giản biên chế có đạt hiệu quả? Nhiều chuyên gia đã từng thẳng thắn, cứ mỗi lần tinh giản biên chế là bộ máy công chức lại phình lên. Liệu có phải sự thiếu đồng bộ trong việc đưa ra quyết sách là một trong những nguyên nhân của thực trạng này hay không, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng cái gì có lợi thì người dân, người lao động sẽ chạy theo cái đó. Nhiều khi dẫn đến sự không chuẩn hóa. Công chức thì chạy theo học hàm học vị để kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến không tốt cho xã hội.

Phải có một cách khác. Ví dụ nếu là giáo sư khi không còn làm việc ở cơ quan nhà nước thì vẫn có thể cống hiến ở các cơ quan khác vì bây giờ xã hội hóa rồi. Xã hội vẫn cần những người có năng lực thực sự, họ vẫn sử dụng đội ngũ có trí tuệ thực sự nếu họ muốn tiếp tục cống hiến.

Thậm chí có những đơn vị sẵn sàng trả lương cho các giáo sư, tiến sĩ với mức lương cao hơn nhà nước trả. Cho nên không có lý gì cứ nhất thiết phải nâng tuổi nghỉ hưu với lý do này lý do kia để rồi phải điều chỉnh, luật hóa… tạo mâu thuẫn không cần thiết.

Ra chính sách nguyên tắc phải đồng bộ nếu không cái này sẽ phá cái kia, lợi bất cập hại nếu không chúng ta cứ chạy theo xử lý tình huống kiểu giật gấu vá vai sẽ rất khó.

- Nhiều người cho rằng, nguy cơ vỡ quỹ BHXH và chuyện tinh giản biên chế đều là hai vấn đề cấp thiết có liên quan trực tiếp tới nhau và phải đồng thời giải quyết cả hai vấn đề này. Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao? Muốn giải quyết cả hai vấn đề này, phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri: - Mỗi cái đều có lý do phù hợp riêng mà người đề xuất cho là có lý, song giải pháp phải tính khác đi chứ không phải vì chuyện lo bảo hiểm vỡ quỹ rồi phải kéo theo việc khác. Bởi vì bảo hiểm tiến tới bảo hiểm toàn dân, người lao động đóng bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu.

Trước đây tính mức bảo hiểm 5 năm cuối cùng nên có thể dôi ra đó là trách nhiệm thuộc về ngân sách nhà nước, đó là do chính sách của nhà nước chứ không phải là bản thân người lao động.

Vì vậy bây giờ nên tìm giải pháp khác sẽ phù hợp hơn bằng cách chấm dứt giai đoạn đến lúc nào, bắt đầu lúc nào tính từ lúc đóng bảo hiểm tính bình quân đến khi hết rồi trả cho người lao động.

Trước đây nhà nước không rõ ràng rồi bảo hiểm lại dính đến ngân sách. Giờ bảo hiểm không được lót tiền ngân sách nữa thì lại lo vỡ quỹ.

Còn việc giảm biên chế thì vẫn phải làm. Phải giảm dần việc lấy tiền từ ngân sách.Thậm chí các trường đại học, học viện phải thu gọn số nào được đầu tư ngân sách. Còn người đi học thì phải mất tiền chứ không thể không mất tiền. Như thế sẽ rất bình đẳng vì đã có chủ trương xã hội hóa rồi. Phải bớt gánh nặng cho ngân sách .

Như ở Trung Quốc họ giảm biên chế bằng cách chuyển hết sang không lấy tiền ngân sách khi đó tức khắc là giảm biên chế chứ không phải bắt người lao động phải thất nghiệp. Rồi cũng chính từ đó khi không được bao bọc bằng tiền của nhà nước, mỗi cơ quan, bộ phận phải tự lo tiền sẽ tìm cách tốt nhất để sử dụng người lao động sao cho hiệu quả nhất, tinh nhất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo