Góc nhìn

PGS.TS Ngô Trí Long: “Nói giá vàng trong nước đã bình ổn là phải xem xét lại”

“Bình ổn thị trường vàng là giá vàng trong nước luôn sát với giá vàng thế giới ở một khoảng cách nhất định, hợp lý. Với tình hình thực tế, nếu nói giá vàng trong nước đã bình ổn là phải xem xét lại”, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế.

PV: Tại một Hội nghị tổ chức mới đây, NHNN khẳng định đã chấm dứt tình trạng “vàng hóa”, can thiệp bình ổn thị trường vàng…nhưng thời điểm 2 tháng đầu năm, giá vàng diễn biến khó lường, và khoảng cách khá xa so với giá vàng thế giới. Ông bình luận gì về điều này?

PGS.TS Ngô Trí Long: Tôi cho rằng nguyên nhân ở đây là do cơ chế quản lý quá chặt. Cơ chế quản lý của chúng ta theo kiểu “một mình một chợ”, nó không phù hợp với thông lệ quốc tế và quy luật thị trường.

Cách quản lý của NHNN hiện nay là coi vàng là loại hàng hóa đặc biệt, có nghĩa là quản lý chặt chẽ, độc quyền xuất nhập khẩu, chỉ có duy nhất thương hiệu vàng SJC, cho nên nói đã bình ổn giá vàng cũng không hẳn. Vì giá vàng trong nước vẫn có khoảng cách chênh lệch khá xa so với giá vàng thế giới.

So với cách quản lý của các nước trên thế giới thì mình có khác. Mình giống với Hàn Quốc và Ấn Độ trước đây, bình ổn thị trường vàng bằng cách độc quyền xuất nhập khẩu vàng nhưng họ buộc phải thay đổi lại rồi.

Quan điểm bình ổn giá, nghĩa là giá không thay đổi là không phải. Bình ổn thị trường vàng là giá vàng trong nước luôn sát với giá vàng thế giới ở một khoảng cách nhất định, hợp lý, chứ không phải giá vàng thế giới bao nhiêu thì giá vàng trong nước bấy nhiêu. Vì còn phụ thuộc vào các chi phí bỏ ra. Với tình hình thực tế, nếu nói giá vàng trong nước đã bình ổn là phải xem xét lại.

Về khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thì có rất nhiều quan điểm về vấn đề này, Thống đốc Bình từng cho rằng chênh nhau 400 nghìn là hợp lý, còn một quan điểm khác lại cho rằng 1 triệu, 2 triệu mới là ổn. Nhưng hiện nay mức chênh lệch không phải thế mà cao hơn rất nhiều. Đó là chưa làm tròn trách nhiệm Quốc hội đưa ra. NHNN cần phải có giải pháp thu hẹp với mức hợp lý.

PV: Vậy theo ông, cơ chế quản lý này gây ra những bất cập gì?

PGS.TS Ngô Trí Long: Trước mắt có thể không gây sự biến động, nhưng về lâu dài thì có nhiều  bất cập. Thứ nhất là không hội nhập được với thế giới, thứ hai là không huy động nguồn vàng trong dân.Thứ ba là chưa làm giá vàng trong nước thu hẹp với giá vàng thế giới.

Hiện nay chủ trương là chống “vàng hóa”, nhưng thực chất việc đấu thầu vàng, bán vào thị trường gần 80 tấn vàng đã vô hình chung tiếp tay cho “vàng hóa. Ở các nước đưa vàng trang sức vào thị trường là chủ yếu, chúng ta lại đưa vàng vật chất vào thị trường để tất toán 30 tấn, còn lại là vào trong dân. Hiện tượng vàng trong dân rất lớn.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2014, Thủ tướng có yêu cầu NHNN phải làm sao khai thác được lượng vàng trong dân, bởi hiện nay chúng ta đang trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế, cần nguồn vốn rất lớn, mà nguồn lực này lại đang nằm chôn vùi trong dân, dự trữ rất lớn khoảng 400-500 tấn. 

Làm sao huy động được nguồn này? Đây có thể nói là vấn đề bức xúc hiện nay.

PV: Bài toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước-doanh nghiệp-người dân thì sao, thưa ông?

PGS.TS Ngô Trí Long: Thị trường có 3 đối tượng thì cơ chế, chính sách phải làm sao hài hòa lợi ích 3 anh đó. Nhà nước được là thuế của doanh nghiệp, dùng thuế đó phục vụ lợi ích xã hội. Còn doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh hợp pháp phải được hưởng lợi nhuận chính đáng.

Người tiêu dùng, nếu giá thị trường cao thì phải chịu cao, giá thị trường thấp hưởng thấp. Thực tế với cơ chế quản lý hiện nay, rất chặt, Nhà nước nắm trọn khâu kinh doanh vàng, độc quyền, bán buôn toàn bộ, nghĩa là toàn bộ lợi nhuận Nhà nước thu về. Đáng lý NHNN không nên thực hiện chức năng kinh doanh, chỉ chức năng quản lý chính sách. Lợi nhuận cho doanh nghiệp hưởng, bởi doanh nghiệp cũng đã phải trích từ đó để nộp thuế cho Nhà nước rồi.

Không có 1 ngân hàng trung ương nào đi kinh doanh. Cái quan trọng hơn là phân chia lợi ích thì thâu tóm độc quyền hết,  hưởng toàn bộ lợi nhuận, người tiêu dùng chịu thiệt, khi giá thế giới hạ thấp nhưng cũng không được hưởng.

Cho nên việc đảm bảo hài lòa lợi ích giữa 3 đối tượng là chưa hợp lý, cần các cơ quan quản lý của Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo