Góc nhìn

PGS.TS Trần Đình Thiên: 10 VAMC cũng khó!

Theo PGS TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xấu hơn cả nợ xấu là cơ chế sinh ra nợ xấu như sở hữu chéo ngân hàng, tăng trưởng dự vào vốn mà không cần giám sát, dàn trải đầu tư nếu không thể giải quyết được vấn đề, nền kinh tế vẫn còn tai họa. Hì hục xử lý nợ xấu bằng 10 VAMC thì nợ xấu cũng chưa giải quyết được.

PGS TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PV: - Số liệu thống kê cho thấy năm 2013, số doanh nghiệp phải phá sản, ngừng hoạt động lên đến hơn 60.000 doanh nghiệp, tiếp tục tăng 11,9% so với năm 2012, ông đã từng nhận định "DN chết nhiều thì lấy đâu ra tăng trưởng?”.  Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm vừa qua lại đạt mức 5,42%, cao hơn so với dự báo. Ông bình luận gì về 2 con số trên?

 
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Chuyện doanh nghiệp chết và con số tăng trưởng GDP không tỷ lệ thuận với nhau tuyệt đối vì ngoài doanh nghiệp vẫn còn có những lực lượng tăng trưởng khác.
 
Lực lượng tăng trưởng nội địa ảnh hưởng rất lớn tới tăng trưởng nhất là khi con số doanh nghiệp năm nay đã đóng cửa tương đối lớn. Tuy nhiên, chúng ta thấy năm vừa qua đầu tư nước ngoài cũng đã đóng góp rất là nhiều vào tăng trưởng và điểm quan trọng là mức đầu tư, tổng đầu tư xã hội giảm bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng bấy nhiêu. 
 
Doanh nghiệp chết ảnh hưởng đến tăng trưởng tức là nếu nó không chết tăng trưởng sẽ cao hơn nữa còn theo tôi thống kê số liệu tăng trưởng như trên về cơ bản là đáng tin cậy. 
 
PV: - Ông từng phát biểu rằng "hiện nay, có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu" cụ thể là việc không có được chính xác số nợ xấu để xây dựng chiến lược đúng, giải cứu nền kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong một năm vừa qua và nhiều người coi như nợ xấu đã được giải quyết. Trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn chết, kinh tế vẫn ảm đạm, nhiều chuyên gia khẳng định vẫn chưa dò đến đáy…. Vậy theo ông, nợ xấu đã đi đâu hay nó đã được thay tên đổi họ?
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Tôi không đồng tình với cách quan niệm đáy của nền kinh tế hiện nay khi năm nay tăng trưởng là 5,42% trong khi năm 2012 là 5,25% và nói là đã thoát đáy. Nền kinh tế của chúng ta đang trong trạng thái tăng trưởng thấp trong nhiều năm nên gọi đây là vùng đáy. Chỉ khi nào nền kinh tế thoát khỏi vùng đáy thì mới có nghĩa là thoát khỏi vùng trì trệ còn thoát khỏi điểm đáy nhiều khi không có nghĩa. Nếu chỉ lấy vài con số tĩnh ra để đo và hò reo xung quanh những con số này sẽ rất nguy hiểm. 
 
Tăng trưởng tăng 0,1-0,2% đáng khích lệ nhưng chưa giải quyết căn bản vấn đề vì có thể ông đã ra sức đầu tư để tạo thành tích nhưng quan trọng là mô hình tăng trưởng chưa thay đổi được, phải vứt bỏ mô hình tăng trưởng cũ.
 
Tái cơ cấu cơ bản chưa diễn ra nghĩa là rủi ro nền kinh tế vẫn còn nguyên, khả năng tăng trưởng ở vùng đáy tức là trì trệ tăng trưởng vẫn còn. Tái cơ cấu phải thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực nhưng chúng ta chưa thay được mà lại muốn thành tích tăng trưởng sẽ tốn nhiều chi phí hơn. 
 
Về vấn đề nợ xấu, nếu hiểu theo nghĩa nợ xấu của ngân hàng phải lấy từ các ngân hàng. Ngoài ra, nếu hiểu theo nghĩa rộng còn là tiền chôn trong bất động sản, vượt qua cả ngân hàng đấy là thứ xấu nếu tính tổng thể con số này sẽ lớn hơn con số nợ xấu của các ngân hàng công bố. 
 
Bàn về nợ xấu của ngân hàng như là yếu tố gây ra rủi ro thì phải nói một cách sòng phẳng. Chúng ta phải tin vào nguồn cung cấp của Ngân hàng nhà nước, nguồn tin là như vậy nhưng chúng ta vẫn có quyền đặt câu hỏi số liệu đã chính xác chưa, không phải là chuyện ngân hàng nhà nước làm không trung thực, cần xác định đúng trạng thái của nền kinh tế để giải quyết. 
 
Nợ xấu không biết có bao nhiêu nợ xấu mà đòi giải quyết thì câu chuyện có vẻ hơi buồn cười nên theo tôi thứ nhất, có những thứ xấu hơn nợ xấu và thứ hai là ngân hàng nói đúng nhưng theo tôi vẫn phải cố mọi cách để có số liệu chính xác hơn về nợ xấu vì ai có nợ xấu người ta vẫn giấu, không công khai và chuyện này rất là bình thường. Nên việc nỗ lực chính xác hóa số liệu nợ xấu là việc đầy tinh thần trách nhiệm hơn là việc đánh giá năng lực, năng lực tốt mà không có trách nhiệm cũng không được.
 
Xấu hơn nợ xấu, tôi muốn nói là cơ chế sinh ra nợ xấu. Chúng ta xử lý được nợ xấu mà không xử lý được cơ chế sinh ra nợ xấu thì khi đó không thể giải quyết được vấn đề, nền kinh tế vẫn còn tai họa. Cơ chế sinh ra nợ xấu ở đây chính là sở hữu chéo, là cách tăng trưởng dựa vào vốn mà không giám sát, dàn trải đầu tư. Chừng nào chúng ta vượt qua được những điều này thì khi đó nền kinh tế mới căn bản tránh được rủi ro do những nguyên nhân đó gây ra. Còn nếu cứ hì hục xử lý nợ xấu có lập ra 10 VAMC thì điều đó cũng chưa chắc là nợ xấu được giải quyết.
 
PV: - Liên quan đến vấn đề nợ xấu của các Ngân hàng thương mại, ngày 1/6/2014 Thông tư 02 quy định phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng sẽ siết chặt việc phân loại nợ và trích lập dự phòng, kết quả phân loại nợ còn có sự điều tiết của một bên thứ 3 chính thức được áp dụng có thể khiến nợ xấu tăng lên 10-20%. Tuy nhiên, các Ngân hàng thương mại vẫn tiếp tục xin tạm hoãn. Theo ông, động thái này cho thấy điều gì?
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Nền kinh tế còn yếu, doanh nghiệp còn yếu, ngân hàng còn yếu nên có thể việc xin hoãn có động cơ của họ nhưng theo tôi trong chuyện này mọi việc xin hoãn đều làm chậm cải cách, chậm đổi mới nên tốt nhất đặt ra rồi cố mà làm, không phải hoãn, trừ trường hợp nó làm cho sự sụp đổ xảy ra mới hoãn.
 
Chúng ta hay kiểu đặt ra trò chơi rồi lùi bước như gia nhập WTO cứ nói tự do hóa thúc đẩy cải cách nhưng lại muốn thuế quan giảm thật chậm, rào cản lùi được càng lâu càng tốt thì 2 nỗ lực ngược nhau, muốn cải cách nhưng lại không muốn cạnh tranh, không muốn đối mặt với môi trường sòng phẳng.
 
PV: - Ngoài nợ xấu còn phải kể đến khủng hoảng bất động sản (BĐS), theo số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng tính đến giữa tháng 12/2013, tổng giá trị tồn kho bất động sản đạt khoảng 94.458 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý 1/2013. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia BĐS và các chủ doanh nghiệp BĐS lại cho rằng, hàng tồn kho BĐS có thể cao gấp 3 đến 5 lần con số của Bộ Xây dựng đưa ra. Ý kiến của ông về vấn đề này?
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Theo tôi con số tồn kho bất động sản lớn chứ không thể ở mức hơn 94.000 tỷ đồng. Vì liên quan đến các khu đất dọc tuyến Láng - Hòa Lạc nhân lên, các dự án quanh Hà Nội tôi chắc đã là con số rất là lớn. 
 
Thêm nữa, tồn kho bất động sản tính theo giá, giá bây giờ đã giảm, nếu tính theo giá vay ngày xưa thì giá bây giờ thụt xuống một nửa so với trước kia.
 
Dù sao phải nói, tính theo tương quan nào thì tồn kho bất động sản so với sức lực của nền kinh tế là rất lớn nếu tính thấp thì so với sức của nền kinh tế, giá thấp nhưng nền kinh tế lấy đâu ra tiền để tải nên nó vẫn cứ chết như thường. Hiểu theo nghĩa này, 95.000 tỷ hay 300.000 tỷ thì đây vẫn là điều đáng lo ngại. Vì chúng ta nên tính tồn kho bất động sản với năng lực để giải phóng nó, đấy mới là gánh nặng. 
 
PV: - Theo nhận định của ông, năm 2014 kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước những thách thức nào? Dự báo của ông về nền kinh tế 2014 sẽ ra sao, thưa ông?
 
PGS.TS Trần Đình Thiên: - Thách thức lớn nhất trong năm 2014 là nền kinh tế vẫn yếu, các doanh nghiệp đóng cửa nhiều, ngân sách gặp khó khăn, các "cục máu đông" chưa được xử lý. 
 
Nền kinh tế đã yếu, việc đặt ra càng nhiều, vừa phải phục hồi tăng trưởng vừa phải giữ ổn định rủi ro lạm phát. Cần phải có nguồn lực mạnh để bảo đảm một mức tăng trưởng nhất định để không gây ra bất ổn. 
 
Đặc biệt liên quan đến câu chuyện tái cơ cấu đều cần nguồn lực như việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư. Nguồn lực hiện nay dành cho tăng trưởng, dành cho ổn định, dành cho nhiều việc từ xưa đến nay đã là căng thẳng rồi, ngân sách căng thẳng, doanh nghiệp nhà nước đang rất yếu lại thêm chuyện tái cơ cấu tốn nguồn lực nữa là thách thức.
 
Tuy nhiên, có thể là một gợi ý cho chúng ta đảo phách trò chơi, thay đổi cơ bản ví dụ như Luật ngân sách phải thay đổi. Cách xử sự với ngân sách, cách chi tiêu công.  
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo