Góc nhìn

PGS. TS Trần Đình Thiên: "Tái cơ cấu nền kinh tế vẫn... chậm chạp"

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một số bước tiến cơ bản trong lộ trình tái cơ cấu kinh tế mà 3 trọng tâm cơ bản là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng vẫn diễn ra chậm chạp. Việc cần làm ngay lúc này là tập trung đột phá vào hệ thống giá, chuyển hệ thống giá sang thị trường. Đó là cách tái cơ cấu tốt nhất.

Bên lề Hội thảo "Tổ chức kiểm toán quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế" tổ chức sáng 3/12, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên xoay quanh vấn đề này.

 PGS.TS Trần Đình Thiên -  Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam


PV: Ông có thể đánh giá một cách tổng thể những kết quả đạt được ban đầu của quá trình tái cơ cấu kinh tế mà 3 trọng tâm cơ bản là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng? 

PGS.TS Trần Đình Thiên: Thời gian vừa rồi cũng có nhiều cuộc họp đánh giá về tái cơ cấu nói chung, trong đó 3 tuyến trọng tâm đều diễn ra chậm, quả thực đúng là như vậy.

Tái cơ cấu ngân hàng đạt được bước tiến, nhưng để đánh giá đã thực sự cơ bản hay chưa thì tôi thấy chưa nhằm vào đích cơ bản. Như hôm qua Ngân hàng Thế giới (WB) báo cáo thì nợ xấu của chúng ta đã rõ. Nợ xấu theo chuẩn quốc tế rất cao, nhưng căn bản tại chúng ta hay đo theo chuẩn không giống ai nên thấy ít, nhiều khi tự gây ảo ảnh không tốt. Xử lý nợ xấu, theo cách cứ túm lại bọc nợ, tuy cũng sạch, cũng giúp cho ngân hàng nhẹ đi tý nhưng không giải quyết được triệt để, không tạo ra động lực để xử lý triệt để.

Tái cơ cấu ngân hàng tuy làm được nhiều việc nhưng chỉ là xử lý tình thế, không phải theo hệ tái cơ cấu. Tái cơ cấu ngân hàng có điểm mấu chốt nhất là sở hữu chéo, thì lại chưa diệt được cái đó hay chưa có cơ chế nào diệt. Thời gian qua chúng ta nhắc nhiều tới hợp nhất, sáp nhập nhưng thực ra hợp nhất có khi làm sở hữu chéo tăng lên, nút cơ bản là như vậy.

Tái cơ cấu đầu tư công cũng có một vài bước tiến. Ví dụ Nghị định 1792 của Chính phủ để xếp lại quy tắc đầu tư, hoặc Bộ KHĐT có tập trung ưu tiên cho 5 khu kinh tế ven biển thay vì 15 khu, làm giảm mục tiêu dàn trải để tập trung vào cái trọng điểm. Còn những cái cắt giảm, tôi cho rằng không nằm trong chương trình chung, có thể do thiếu vốn nhiều hơn là do bên thực hiện chương trình.

Những việc làm được cũng có ý nghĩa, nhưng chủ yếu nhằm khắc phục tồn tại cũ, tức là trước ông bày ra lắm thứ quá, không làm được phải xếp gọn lại nhưng việc này rất tốn công, bởi đây không phải sắp lại thuần túy mà liên quan đến tranh chấp nguồn lực, lợi ích, rất tốn thời gian. Trong khi đó việc chính của tái cơ cấu đầu tư công là phải thiết kế lại cơ chế đầu tư mới làm sao những chương trình đầu tư mới bảo đảm tính hiệu quả, có cách phân bổ nguồn lực công mới và trong khuôn khổ của hệ thống ngân sách mới. Nhưng bước tiến cơ bản đó chưa diễn ra.

Hoặc nói đến DNNN, quá trình cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty còn chậm, việc đề ra 1 số đề án thì đã có, còn thực ra để cải cách thật các tập đoàn, tổng công ty theo hướng tái cơ cấu nhằm mục tiêu sắp xếp lại theo đúng chức năng, theo đúng nguyên tắc thị trường thì vẫn trên giấy.

Tái cơ cấu DNNN cũng đang mắc và tiếp tục mắc nếu chúng ta tiếp tục làm như hiện tại. Bởi vì cứ nói tái cơ cấu là xây dựng lại hệ thống phân bổ nguồn lực và đưa ra cơ chế để thúc đẩy việc sử dụng nguồn lực đấy có hiệu quả. Phân bổ xong thì sử dụng phải hiệu quả, DNNN phải sử dụng hiệu quả. Hai vế đó, tôi cho rằng nói thế còn rất chung. Phân bổ nguồn lực, phải phân rõ cho Nhà nước bao nhiêu, cho tư nhân là bao nhiêu, chứ không đổ hết vào thủy điện, mỏ…các ngành khác không có gì thì không được. Thực chất để xoay chuyển phân bổ nguồn lực là cái gì, trục để thay đổi phân bổ nguồn lực và buộc người ta sử dụng có hiệu quả là cái gì, tôi cho rằng chưa có câu trả lời chuẩn.

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thực tế này?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Trong hệ thống thị trường giá là trung tâm, là cơ chế điều tiết tốt nhất. Nhưng hiện nhiều loại giá cơ bản của chúng ta còn mang tính hành chính. Ví dụ giá năng lượng, giá điện, giá xăng dầu, phấn đấu theo giá thị trường, nhưng khi bí quá Nhà nước thấy kêu khóc là lại phải dùng hành chính.

Kể cả lãi suất, tỷ giá hối đoái đều giữ chặt, thực ra cũng có lợi nhưng đứng về mặt chiến lược thì tư duy như thế có vấn đề. Hành chính quá!. Hay như giá đất đai, đất đai là nguồn lực đầu vào cơ bản của nền kinh tế nhưng có giá thị trường đâu, giá đầu cơ và giá do Nhà nước quy định méo, chênh nhau quá nhiều…

Những giá cơ bản của nền kinh tế nhưng tính thị trường còn thấp, thì làm sao nền kinh tế không méo cho được!

Hay nói thoái vốn đầu tư ngoài ngành tại các DNNN nhưng lại kèm luật là không được làm mất vốn. Thế nào là mất vốn phải giải thích rõ. Trước đây DNNNN mua cổ phiếu 5., ví dụ thế, tưởng có thể lên được 10. Giờ còn 1., có bán không, nếu bán theo luật thì làm mất vốn 4. à? Nhưng nếu may bán được 10. thì chả thấy ai nói gì. Khái niệm mất vốn ở đây rõ ràng bị đóng đinh một cách hành chính. Phải hiểu là mua 5. là lúc đó điều kiện khác, giờ giá thị trường 3., thì bán 3 là đúng vốn, nếu như cố tình bán xuống 2. để chia chác thì đó mới là mất vốn.

PV: Vậy theo ông, thời gian tới việc tái cơ cấu kinh tế cần phải tập trung vào những điểm mấu chốt nào?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Tái cơ cấu đầu tư công, cần phải đưa ra nguyên tắc, và dựa vào đó để “dọn dẹp”. Như tôi nói Luật đầu tư công để có chế tài, có những hạn định về mục tiêu, giới hạn về chức năng đầu tư công, như thế mới kiểm soát được. Tiếp nữa là Luật ngân sách hàng năm, bởi luật đầu tư là nằm trong ngân sách, chúng ta có cần đầu tư công nhiều vậy không hay dành ngân sách cho việc kinh doanh, giải quyết nhiệm vụ phát triển. Tức là luật ngân sách quy định đầu tư công trong ngân sách thế nào, khi đó phần đầu tư công còn lại được thiết thành luật pháp, nếu anh vi phạm thì có chế tài xử phạt. Trên cơ sở đó mới thiết kế được nguyên tắc làm sao để sử dụng phân bổ vốn đầu tư công cho hiệu quả.

 Cụ thể thì rất nhiều chuyện, như tái đầu tư công đúng là dẹp bỏ những đầu tư quá dàn trải, nhưng nhiều khi cũng tiếc chứ, vì vậy làm sao để cắt giảm những cái đó đi đòi hỏi phải cực kỳ cam đảm.

Tôi đề xuất tập trung đột phá vào giá thị trường, đấy là cách tái cơ cấu tốt nhất. Tái cơ cấu là chuyển hệ thống giá sang thị trường, chủ yếu để cho hệ thống giá tốt, làm được như vậy sẽ xoay chuyển hết. Đấy là lộ trình, là nghệ thuật, bởi giá là trục cơ bản. Tất nhiên tái cơ cấu DNNN phải làm khác nữa, từ chức năng, cơ chế giám sát, vốn vận hành…Tuy nhiên tôi cho rằng sẽ làm được hết. Đấy là hoạt động chuyển sang nguyên tắc thị trường, có thể vẫn được bao cấp nhưng phải rõ ràng, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.

Các nước khác trên thế giới cũng làm như thế hết, và làm rất tốt những việc chúng ta đang làm cần học hỏi nhiều từ họ.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Tái cơ cấu DNNN, nên chọn một số điển hình chứ không nên làm kiểu đại trà, tức là chọn theo ngành, theo lĩnh vực, nhóm, chọn ra một để làm mẫu. Chọn để biết được từng nhóm có đặc trưng riêng thì cần bổ sung những điều kiện gì, còn bản chất của tái cơ cấu này có khung cơ bản giống nhau, đều theo nguyên lý thị trường. Khó nhưng nếu gỡ về mặt nguyên tắc, mục tiêu thì sẽ gỡ được, mang nhóm lợi ích ra xử hết là giải quyết được thôi”.
Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo