Phá bỏ Thương xá Tax: Sợ không còn “Sài Gòn” xưa
TS Võ Kim Cương cho biết, đối với các công trình hiện hữu của TP, việc bảo tồn công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc cũng như cảnh quan kiến trúc phải được coi trọng. TP đã có nhiều nghiên cứu và đã ban hành quy định quản lý về vấn đề này. Mâu thuẫn cơ bản ở đây là giữa bảo tồn và phát triển không dễ giải quyết.
- Việc xây tòa nhà 40 tầng thay thế cho Thương xá Tax (trước cửa UBND TP HCM) hay xây dựng những tòa nhà cao tầng tại khu vực Tân Cảng, Ba Son, và đặc biệt là sự thay đổi cả mảng lõi trung tâm ảnh hưởng thế nào đến bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP, thưa ông?
Quy hoạch chi tiết lõi trung tâm TP 930ha do Cty Nikken Sekkei (Nhật Bản) tham gia tư vấn, thiết kế đã được TP phê duyệt. Khi lập đồ án này chắc chắn người ta đã cân đối cảnh quan khu vực và tạo ra bộ mặt mới tráng lệ cho khu trung tâm TP bên sông Sài Gòn. Dù vậy, tôi chỉ hơi tiếc nuối về sự phá vỡ cảnh quan trên đường Nguyễn Huệ, trước tòa nhà UBND TP hiện hữu. Bởi vì trên đường Nguyễn Huệ vốn có những tòa nhà không cao lắm chỉ khoảng 4- 5 tầng, cân đối với khu Ủy ban đã được xếp hạng bảo tồn, tượng đài Bác Hồ trước cửa UBND TP hiện nay cũng phù hợp với cảnh quan đó. Tượng đài Bác Hồ là tác phẩm của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, người đã lấy máu mình vẽ chân dung Bác khi đất nước vừa giành độc lập. Bức tượng này đặt ở đó tạo nên sự ấm cúng, gần gũi giữa vị Lãnh tụ với nhân dân. Dù cảnh quan đó mới chỉ gần 40 năm thôi nhưng đã tạo được dấu ấn cho khu vực mặt tiền của Ủy ban. Việc thay bức tượng mới và phá bỏ Thương xá Tax để xây dựng nhà cao 40 tầng có thể tạo nên cảnh quan mới hoành tráng hơn nhưng lại làm mất đi sự thanh bình, vốn có và một phần ký ức đáng nhớ của Sài Gòn xưa.
- Thế còn rất nhiều dự án “khủng” tại khu vực Tân Cảng, cảng Ba Son đã tìm được chủ đầu tư thì sao, thưa ông?
Sự đổ xô đầu tư vào khu vực này là một tín hiệu tốt cho sự phát triển của TP HCM. Thực ra, khu trung tâm TP HCM cũng chỉ còn khu vực phía bờ sông Sài Gòn thuận lợi cho phát triển tập trung (đô thị nén với mật độ cao) do còn đất trống và giao thông thuận lợi. Còn các khu khác thì đất rộng nhưng hạ tầng giao thông yếu kém, mật độ xây dựng thấp, nếu giải tỏa trắng để xây dựng lại thì rất tốn kém. Đặc biệt, khu vực Ba Son sắp có tàu điện ngầm đi qua. Hơn nữa, cảnh quan sông nước tại khu vực Ba Son xếp loại đứng đầu, Ba Son nằm ở điểm đầu của vòng cung sông Sài Gòn nên có chiều rộng của không gian sông nước, nếu những tòa nhà cao tầng mọc lên ở đây thì sẽ tạo ra chiều sâu cho cảnh quan mới của một TP hiện đại.
- Với Thương xá Tax thì sao, thưa ông?
Mâu thuẫn cơ bản giữa bảo tồn và phát triển không dễ giải quyết.
Như nói ở trên, Thương xá Tax từng là một công trình có giá trị lớn về bảo tồn, lịch sử. Trước khi UBND TP phê duyệt dự án xây trung tâm thương mại 40 tầng thay thế cho Thương xá Tax hiện hữu thì có 2 trường phái: Trường phái xây mới để khai thác quỹ đất thắng trường phái bảo tồn. Với vị trí nằm sát ga tàu điện ngầm nên giao thông hết sức thuận lợi. Theo lý thuyết phát triển đô thị theo giao thông công cộng, chỗ nào giao thông thuận lợi, người ta sẽ phát triển tập trung bằng cách xây dựng nhà cao tầng có hệ số sử dụng đất cao. Hiện tại, Thương xá Tax mới cao 4 tầng, giả sử mật độ xây dựng 100% thì hệ số sử dụng đất mới là 4. Bây giờ xây lên 40 tầng, hệ số sử dụng đất sẽ cao gấp gần 10 lần. Tuy nhiên, có thể chúng ta phải trả giá về tính hấp dẫn của TP. Giả sử như vấn đề này còn được bàn luận thì theo tôi nên bảo tồn tòa nhà Thương xá Tax để đảm bảo cảnh quan khu vực trước cửa UBND TP, nên dịch chuyển việc xây dựng những tòa nhà cao tầng ra sát bờ sông Sài Gòn (cuối đường Nguyễn Huệ). Tuy nhiên, dự án đã được UBND TP phê duyệt rồi thì rất khó thay đổi.
Cũng còn có một giải pháp khác là phá bỏ Thương xá Tax xây lại tòa nhà mới nhưng giữ nguyên kiến trúc mặt tiền 4 tầng thấp (khối đế) còn lõi phía sau xây cao. Với phương án này còn có thể giữ được một chút hình ảnh của Thương xá Tax. Còn nếu phá đi xây mới hoàn toàn sẽ mất hẳn dấu vết của trung tâm thương mại từng là biểu tượng của Sài Gòn.
Không chỉ là Thương xá Tax mà còn những công trình khác. Hiện nay, TP HCM có rất nhiều công trình cũ đã bị bỏ đi rồi, kể cả các dãy phố. Cho nên, nếu nói dáng vẻ của Sài Gòn xưa thì nó mất tới mức báo động, khó tìm lại được. Chỉ còn một vài điểm có thể nhận ra Sài Gòn. Nếu cứ với tình trạng phá bỏ không đi đôi với bảo tồn thì coi như sẽ mất đứt luôn, không còn nhìn thấy Sài Gòn xưa. Trong bảo tồn kiến trúc cảnh quan, người ta luôn cố gắng làm sao giữ được không chỉ công trình riêng lẻ mà còn giữ được cái hồn của đường xưa, phố cũ cùng với những câu chuyện lịch sử gắn liền với nó.
- Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo