Phải nghe dân trước khi làm dự án
Người dân cho rằng họ không được lấy ý kiến về phương án thực hiện, không được hỏi ý kiến, không biết thông tin quy hoạch... trước khi triển khai.
Gần đây, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM khi triển khai bị người dân phản ứng.
Vậy làm cách nào để thông tin quy hoạch, dự án đến được với người dân, tạo điều kiện cho dân tích cực tham gia góp ý để quy hoạch khả thi, dự án sớm được xây dựng?
* Chủ tịch UBND một quận trung tâm TP.HCM:
Lấy ý kiến khi còn dự thảo phương án bồi thường
Đối với các dự án ảnh hưởng đến người dân, chính quyền nên tổ chức lấy ý kiến của người dân từ khi còn dự thảo phương án bồi thường, phương án thi công... để người dân có cơ hội được đóng góp ý kiến.
Việc tuyên truyền tốt nhất là đến từng hộ dân, hạn chế tuyên truyền, phổ biến qua đại diện hoặc qua tổ dân phố, khu phố.
Chính quyền phải kiên trì giải đáp hết những thắc mắc của người dân, không bỏ qua một câu hỏi, thắc mắc nào. Những ý kiến nào được tiếp thu, không được tiếp thu đều phải có giải thích rõ ràng cho dân.
Cách giải đáp phải thể hiện sự cầu thị, lắng nghe chứ không chỉ giải đáp hình thức, nhất là tránh những nội dung, câu chữ hoặc thái độ mang tính áp đặt, buộc người dân chấp nhận như chuyện đã rồi.
Dân không hiểu, dân cần tổ chức họp lại mà có lý do chính đáng thì nên đáp ứng, không để những thắc mắc của dân dồn nén thành bức xúc.
* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng):
Công khai đồ án quy hoạch dự kiến
Khu dân cư tôi ở tại Q.Gò Vấp, thời gian gần đây Nhà nước có công khai đồ án quy hoạch dự kiến để lấy ý kiến của dân. Bản đồ được phóng to treo ở khu phố, bảng tin tổ dân phố và cả ở UBND phường.
Nhiều người dân đến xem và đóng góp ý kiến rất nhiệt tình, tích cực. Ý kiến của người dân được chính quyền lắng nghe, tiếp thu và giải thích nên người dân rất vui. Khi quy hoạch được phê duyệt, người dân rất đồng tình.
Hiện việc lấy ý kiến của người dân khi xây dựng quy hoạch, phải công khai quy hoạch sau khi được phê duyệt, lấy ý kiến của dân khi thực hiện dự án, dự thảo phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng... đều được quy định trong luật.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng làm được tốt như khu vực tôi nói ở trên. Nhiều địa phương làm sơ sài, hình thức, đối phó, “làm cho có”, không đến nơi đến chốn nên thông tin không đến với người dân.
Có nơi chỉ treo bản đồ, không thuyết minh cặn kẽ, không giải thích rõ ràng, không có hội nghị phổ biến. Có nơi chỉ phổ biến cho các đại diện như tổ trưởng, trưởng khu phố hoặc các đoàn thể nên thông tin đến với dân chưa chính xác, sai lệch làm dân hiểu lầm.
* Ông Huỳnh Công Hùng (trưởng Ban văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM):
Thông tin đến dân bằng nhiều hình thức
Thông tin dự án, quy hoạch đến dân như thế nào thì tùy điều kiện của từng địa phương mà có cách làm cụ thể.
Có thể là thông tin trên báo đài, bằng thông báo trong cuộc họp trực tiếp hoặc bằng tờ rơi để người dân hiểu, kể cả những panô, apphich của dự án, phương án, thời gian thi công, hoàn thành dự kiến, đơn vị nào giám sát...
Quá trình thi công nếu có xảy ra sự cố thì thông báo đến cho ai, qua đường dây nóng, số điện thoại nào.
Trước khi thực hiện các công đoạn của dự án liên quan đến số đông người như rào chắn làm cản trở giao thông, cản mặt tiền các cửa hàng buôn bán... thì phải có băngrôn thông báo nhiều ngày trước đó để người dân biết, chọn đường đi mới hoặc có kế hoạch kinh doanh khác.
Để người dân quan tâm, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công có thể lắp đồng hồ đếm ngược thời gian còn lại để triển khai dự án hoặc thời gian còn lại để dự án hoàn thành. Nếu có thể, nên chụp ảnh mô hình của dự án để trưng bày ở nơi sẽ thực hiện dự án cho người dân góp ý.
Chỉ biết qua báo chí
Ngày 11-10, TP.HCM sẽ khởi công nâng cấp đường Nguyễn Huệ giai đoạn 2 (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng) dài 670m, rộng 60,6m. Tổng vốn đầu tư dự án là 398 tỉ đồng và dự kiến công trình hoàn thành trước ngày 30-4-2015.Trước đó, ngày 11-9, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã khởi công đường Nguyễn Huệ giai đoạn 1 (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến Lê Lợi) dài 125m, rộng 63m và đường Lê Thánh Tôn (đoạn từ Pasteur đến Đồng Khởi) dài 220m, rộng khoảng 14m...Ông Nhị, quản lý cửa hiệu rửa ảnh kỹ thuật số Phương Quỳnh (70C Nguyễn Huệ), cho biết ông chỉ nghe về dự án cải tạo đường Nguyễn Huệ thông qua báo chí chứ chưa được địa phương, cơ quan nào thông báo việc này cũng như chính sách thuế ra sao.Vì vậy, ông Nhị cũng không hình dung khi giai đoạn 2 triển khai, hàng rào công trình được dựng lên có chừa lối đi cho khách vào cửa hàng ông hay không.Cùng tâm trạng, chị Ngân, quản lý cửa hàng bách hóa Tiện Lợi (68 Nguyễn Huệ) cho rằng khi rào chắn thì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.“Bởi vì rào chắn đi lại khó khăn, lượng du khách ở các khách sạn trên đường Nguyễn Huệ sẽ vắng đi, nên khách đến cửa hàng cũng sẽ giảm” - chị Ngân nói.
Thiệt hại nặng nề do thiếu thông tinNgày 4-10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã tổ chức cuộc họp với 50 hộ dân và các doanh nghiệp trên tuyến đường Nguyễn Huệ (Q.1) để thông tin công khai dự án xây dựng nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ.Tại cuộc họp, Sở GTVT lắng nghe ý kiến của người dân và giải đáp những vướng mắc nhằm giảm thấp mức thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh trên tuyến đường này.Theo đại diện khách sạn Palace, đơn vị này không nhận được thông tin sớm về việc thi công đường Nguyễn Huệ nên đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp đưa khách du lịch bằng ôtô đến khách sạn cho thuận lợi. Nay đường bị rào chắn, có khả năng các đơn vị hủy hợp đồng, thiệt hại lên đến cả tỉ đồng.Đồng thời đơn vị này cũng lo lắng: ôtô lớn chở khách du lịch vào các đường ngang khó quay đầu xe, trong khi lực lượng cảnh sát giao thông lại sẵn sàng xử phạt, sẽ gây khó cho doanh nghiệp.Chưa kể việc hạn chế thời gian xe chở hàng hóa, thực phẩm được lưu thông vào đường công vụ (đường dành cho đơn vị thi công) trên đường Nguyễn Huệ (từ 6g đến 9g) sẽ không đảm bảo yêu cầu phục vụ khách...Chị Diễm, ở cao ốc 68 Nguyễn Huệ, cho biết từ thông tin không chính xác đường Nguyễn Huệ trở thành phố đi bộ, không cho ôtô lưu thông khiến nhiều đơn vị không dám thuê văn phòng của cao ốc.Việc xây dựng đường Nguyễn Huệ kéo dài đến sáu tháng, trong thời gian này Nhà nước có chính sách miễn giảm thuế ra sao?Tương tự, anh Đức, đại diện khách sạn Kim Đô, cho biết công trình thi công vào thời điểm cuối năm 2014 và đầu năm 2015 là đang vào mùa kinh doanh, sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp nên Nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế.Trong khi đó anh Trần Thanh Long, ở 68A Nguyễn Huệ, cho rằng việc thi công sẽ ảnh hưởng nặng nề, nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch trên tuyến đường.Trả lời thắc mắc của người dân và doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Chung - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - ghi nhận những ý kiến đóng góp của bà con về thời gian thi công đường Nguyễn Huệ ảnh hưởng đúng vào “thời điểm vàng” kinh doanh của các doanh nghiệp.Theo ông Chung, sở có mời Cục Thuế TP tham gia cuộc họp nhưng cơ quan này không cử người đến dự. Vì vậy, Sở GTVT đề nghị Chi cục Thuế Q.1 báo cáo với Cục Thuế TP về chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.Riêng Sở GTVT sẽ có văn bản báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết các kiến nghị miễn giảm thuế cho doanh nghiệp.Ông Chung cho biết sẽ không khống chế thời gian từ 6g đến 9g cho ôtô của doanh nghiệp chở hàng hóa, thực phẩm tươi sống.Ngoài thời gian trên, các doanh nghiệp cần đăng ký cụ thể giờ để đơn vị thi công sắp xếp cho ôtô chở hàng hóa vào đường công vụ để thuận tiện đưa hàng vào trụ sở doanh nghiệp, khách sạn.Ông Chung cũng cam kết với doanh nghiệp bảo đảm hoàn thành sớm đường Nguyễn Huệ trước ngày 30-4-2015 và không thể kéo dài thêm vì trong năm 2015 TP.HCM có nhiều ngày lễ lớn.Giám đốc Sở GTVT TP giao trách nhiệm cho các phòng ban thuộc sở ghi nhận những vướng mắc của các doanh nghiệp và sẽ giải quyết ngay như việc lập thêm bãi giữ xe máy ở khu vực trung tâm TP.Ông Chung cũng đề nghị các doanh nghiệp ghi số điện thoại của mình để trực tiếp lắng nghe 24/24 giờ nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình thi công đường Nguyễn Huệ.“Chúng tôi hi vọng khi công trình hoàn thành, đường Nguyễn Huệ trở thành một quảng trường tầm cỡ khu vực sẽ thu hút du khách đến khu vực sầm uất này, bù đắp lại phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian công trình thi công” - ông Chung chia sẻ.
Phải đốn bao nhiêu cây xanh khi xây cầu Thủ Thiêm 2?
Trước đây, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nối Q.1 và Q.2, TP.HCM) do Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.Theo đó, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được xây dựng bốn làn xe và có hơn 200 cây xanh bị ảnh hưởng bởi công trình, trong đó có hàng cây cổ thụ (sọ khỉ) trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1).Tuy nhiên kể từ ngày 3-6-2014, UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận chỉ định Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 thay Vinaconex. Theo phương án mới, cầu Thủ Thiêm được xây dựng tới sáu làn xe.Về chuyện cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án, một cán bộ Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh cho biết hiện dự án đang trong quá trình làm lại thiết kế cơ sở để trình các cơ quan có thẩm quyền và UBND TP phê duyệt nên chưa xác định cụ thể được có bao nhiêu cây xanh bị đốn hạ.
Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo