Góc nhìn

Phải vạch ngay địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể tại EVN

Tôi rất mong Thanh tra Chính phủ sẽ vạch ra được tên, địa chỉ cụ thể của những ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm trước những tranh cãi xung quanh sai phạm của EVN vừa được Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố mới đây.

Chi phí phát sinh tính vào giá điện: "Tôi nghi ngờ từ lâu"

PV:- Vừa rồi TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm của EVN như đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ 45.0000 tỷ; xây nhà, mua xe, đào tạo thạc sĩ… và theo đơn vị này, tất cả đều được tính vào giá bán điện. Bà có bất ngờ trước thông tin nói trên hay không và vì sao?

Bà Phạm Chi Lan: Tôi không bất ngờ trước việc EVN tính các chi phí ngoài ngành vào giá bán điện và bắt dân phải gánh.

Đây là vấn đề tôi vẫn nghi ngờ từ trước tới nay, vì chắc chắn cách tính giá thành điện của EVN là có vấn đề cho nên EVN không dám công khai và không thể công khai được.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bản thân EVN cũng như các cơ quan giám sát của nhà nước đã nhiều lần hứa hẹn sẽ minh bạch thông tin với dư luận, công chúng, minh bạch về cách tính giá điện của EVN, giá xăng dầu của PVN nhưng đến giờ vẫn không thể đưa ra được.

Điều này chứng tỏ vấn đề tôi nghi ngờ là có cơ sở. Họ không dám minh bạch giá điện và giá xăng dầu vì sợ sẽ gây phản ứng xấu cho xã hội. Kết luận của TTCP đã chứng minh những nghi ngờ đó là thật.

Thứ hai, lâu nay mọi lần tăng giá điện EVN đều viện lý do giá thành thế giới tăng lên, chi phí đầu vào tăng, họ phải tăng giá bán để giảm lỗ. Nhưng, giá thực tăng lên bao nhiêu, lỗ bao nhiêu thì không ai biết.

Ở đây có thể thấy hai vấn đề. Đối với EVN, đã không tuân thủ các quy tắc tính toán giá thành của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp không ai dám tính giá thành chi phí đó vào giá bán. Vì vậy, trong việc này EVN phải chịu trách nhiệm chính.

Mặt khác cũng phải xem lại vai trò, trách nhiệm của cơ quan giám sát. Họ đã thực hiện chức năng của mình như thế nào, tại sao mỗi lần EVN xin tăng giá điện đều được chấp thuận?

Hơn nữa, nhà nước cũng nhiều lần tuyên bố sẽ tính giá điện, xăng dầu theo giá thị trường nhưng hạch toán theo kiểu độc quyền thế này đã chứng tỏ nhà nước không làm, không thực hiện hết vai trò của mình. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì không biết sẽ gây nguy hại cho xã hội thế nào.

PV: EVN đã đầu tư vốn ngoài ngành vượt quá vốn điều lệ 45.000 tỷ và lỗ trên 2.000 tỷ. Theo bà những con số này nói lên điều gì trong cách thực hoạt động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với một tập đoàn lớn của nhà nước, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Dù có nói tái cơ cấu và đổi mới nhưng cái mà EVN thiếu chính là cơ cấu hệ thống quản trị doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc EVN không có động lực để thay đổi. Bởi cái kiểu độc quyền thích làm gì thì làm của EVN, nhà nước cũng không thể giám sát được thì họ sợ gì mà không làm.

Tôi cho rằng, ngay cả khi EVN đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi thì hiệu quả kinh doanh của EVN cũng đã có vấn đề rồi, tuy nhiên việc EVN đầu tư ngoài ngành với con số vượt vốn điều lệ khổng lồ như vậy là điều không thể chấp nhận được.

Với khả năng của EVN không phải không thể đánh giá được những tác động, thua lỗ khi đem tiền đầu tư ngoài ngành, nhưng họ vẫn làm. Vậy thì họ phải có lợi gì họ mới làm chứ.

Tôi cho rằng có thể do EVN có động lực riêng rằng: Kinh doanh lỗ doanh nghiệp phải chịu, qua đó nhà nước chịu và cuối cùng là đổ lên đầu người dân. Vì vậy mới có chuyện, EVN đầu tư ngoài ngành với con số như vậy mà vẫn dửng dưng không làm sao, không phải chịu trách nhiệm đến cùng.

Đây cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế.

Chính vì chủ trương của nhà nước đã cho họ được đầu tư ngoài ngành và bây giờ khi xảy ra lỗ thì muốn rút lại vốn cũng không hề đơn giản. Vì đã đầu tư rồi, số tiền đó chỉ có thể đổ vào nhà nước, vào thuế và người dân phải gánh chịu.

Lấy lãi bù lỗ: ‘Ai cho EVN quyền chi tiêu kiểu đó?’

PV: - EVN cũng phản pháo lại cho rằng kết luận thanh tra là sai. Riêng chuyện mua xe, xây nhà… được EVN giải thích là hạch toán riêng, không tính vào giá điện, khoản tiền mua xe vượt quy định sẽ được bù bằng lợi nhuận sau thuế của EVN. Theo bà, giải thích này của EVN có thỏa đáng không?

Bà Phạm Chi Lan: Trên thực tế họ đã làm rồi, đã hạch toán chi phí đó vào giá điện rồi. TTCP đưa ra kết luận và EVN phản pháo thì đó là cái lý của họ.

Nhưng phải xem lại cái lãi của họ ở đâu ra, mấy lần EVN công bố lãi thì hầu hết là từ tăng giá bán điện và thu thêm tiền từ người tiêu dùng.

Tiền lãi đó, EVN chi thưởng, chi mua xe sang, trả lương cao... nghĩa là EVN có lãi thì được phép chi tiêu kiểu đó hay sao? Trong khi đó, nguồn lãi đều dựa trên cơ sở là vốn của nhà nước hoặc được huy động từ vốn của nhà nước.

PV:- Còn việc EVN giao chỉ tiêu lỗ cho các công ty thành viên thì phải hiểu như thế nào và tại sao lại xảy ra tình trạng này, thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Trên thực tế, các công ty thành viên có thể được phép lỗ trong một vài năm đầu mới có lãi. Nhưng lỗ đó không thể coi là lỗ chung. Nếu TTCP cho rằng việc giao chỉ tiêu lỗ là đúng thì không đúng lắm đâu. Tôi mong là TTCP có thể giải thích rõ vì sao công ty này công ty kia được phép lỗ.

Tôi hi vọng, TTCP sẽ đưa ra được một kết luận cụ thể, tỉ mỉ phân tích được vì sao năm nay công ty này lỗ, sang năm công ty kia lỗ chứ không phải là một bản kết luận khơi khơi rồi cuối cùng toàn bộ cái lỗ đó đổ lên đầu người tiêu dùng.

Phải vạch ra địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể

PV:- Thời gian vừa rồi, cũng đã ghi nhận sự việc EVN và PVN gây thất thu ngân sách cho nhà nước. Bà nghĩ sao trước việc các Tập đoàn kinh tế trụ cột của nhà nước nhưng lại trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách thưa bà?

Bà Phạm Chi Lan: Điều này cho thấy, cách đặt vấn đề về vai trò chủ đạo trong các doanh nghiệp nhà nước cần phải xem lại. Vì nếu là vai trò chủ đạo thì họ phải đi đầu trong thực hiện luật, thực hiện nghĩa vụ, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Nhưng với nghĩa vụ tối thiểu là phải nộp thuế mà cũng không thực hiện được thì vai trò chủ đạo ở chỗ nào, tính tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước ở chỗ nào.

Một tập đoàn lớn hay một doanh nghiệp lớn mà có hiện tượng né thuế nó sẽ lớn gấp hàng trăm, hàng nghìn lần các doanh nghiệp nhỏ khác.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ cần chậm thuế một chút thôi cũng đã bị phạt tới nơi tới chốn, nhưng đây là các tập đoàn lớn mà lại né thuế như vậy nhất là trong bối cảnh mấy năm nay tình hình hụt thu ngân sách thì tôi cho rằng việc này là không sòng phẳng với nhà nước, với xã hội và với người dân.

PV:- Với những sai phạm của EVN theo bà sẽ phải xử lý như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Theo bà, đã phải xử lý hình sự những sai phạm như vậy chưa?

Bà Phạm Chi Lan: Các cơ quan nhà nước bây giờ phải vào cuộc làm rõ sai phạm của EVN ở mức độ nào, nằm ở cấp bậc nào để có hình thức xử lý thỏa đáng.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng sai phạm đó không chỉ có những người vận hành trực tiếp EVN mà phải Hội đồng quản trị cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Các cơ quan nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này. Tôi rất mong TTCP sẽ vạch ra được tên, địa chỉ cụ thể của những ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm trước những sai phạm này.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo