Góc nhìn

Phản biện với Quảng Ninh về quy hoạch sân golf

Tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, lấy ý kiến để quy hoạch thêm nhiều dự án sân golf mới. Trong đó, theo chúng tôi, một số sân golf quy hoạch thêm sẽ tàn phá hàng trăm ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; vi phạm Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và để lại những hiểm họa khó lường cho hàng vạn người dân.

Bản đồ quy hoạch sân golf của công ty Cổ phần sân golf ngôi sao Hạ Long

Hàng trăm ha rừng sẽ bị phá

Dự án sân golf Hùng Thắng thuộc phường Hùng Thắng, Tp. Hạ Long được UBND tỉnh cho phép Công ty CP Tập đoàn BRG tự bỏ kinh phí để nghiên cứu, lập quy hoạch phát triển  nơi đây thành tổ hợp dịch vụ khu vui chơi giải trí, sân golf, khách sạn cao cấp… với diện tích 242ha. Toàn bộ diện tích  trong quy hoạch đều là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, 64ha rừng đặc dụng do Kiểm lâm vùng I quản lí, còn lại là rừng phòng hộ cảnh quan môi trường do Ban Quản lí rừng đặc dụng và Cảnh quan môi trường Hạ Long quản lí. Khu vực này có độ dốc lớn, đỉnh cao nhất 130m, đất thuộc nhóm Feralit phát triển trên đá mẹ sa thạch, đang phong hóa mạnh dễ gây sạt trượt khi bị tác động.

Nếu Dự án được triển khai xây dựng thì một phần lớn diện tích rừng ở đây sẽ bị phá hủy. Mặt khác, với độ dốc lớn, đất đá dễ sạt lở, khi thi công san gạt mặt bằng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân nơi đây.

Dự án sân golf An Biên, nằm trên địa bàn huyện Hoành Bồ có diện tích nghiên cứu lên tới 275ha, thuộc khu vực rừng sản xuất, chủ yếu là thông nhựa, rừng keo, cây ăn quả… có chức năng điều hòa không khí và hồ An Biên đang cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp lên tới 400ha và nước sinh hoạt của người dân xã Lê Lợi và vùng phụ cận. Nếu dự án sân golf An Biên được phê duyệt, không những nhiều ha rừng nơi đây bị “bức tử” mà còn “chặn” nguồn nước tại hồ An Biên mà trước đây là nguồn cung cấp nước cho hàng trăm ha đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đấy là chưa kể tới vấn đề ô nhiễm môi trường do dự án này có khả năng gây nên.

Dự án sân golf và Khu lâm viên cảnh quan rừng, khu dịch vụ nghỉ dưỡng biệt thự cao cấp tại Cột 3 đến Cột 8, thuộc Tp. Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty CP Sân golf Ngôi sao Hạ Long đầu tư. Hiện tại, diện tích từ Cột 3 đến Cột 8 được quy hoạch là rừng phòng hộ cảnh quan môi trường Tp. Hạ Long và rừng sản xuất (thuộc 4 phường: Hồng Hà, Hồng Hải, Hà Lầm và Hà Trung), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện còn 299,6ha, toàn bộ diện tích rừng và đất rừng này đã được UBND tỉnh giao quyền sử dụng đất và rừng cho Ban Quản lí rừng đặc dụng và Cảnh quan môi trường Hạ Long quản lí.

Được biết, đây là “lá phổi xanh” đặc biệt quan trọng của Tp. Hạ Long. Nếu đi trên Quốc lộ 18, qua khu vực này, ta sẽ thấy một cánh rừng xanh  bao bọc bờ vịnh Vịnh Hạ Long – Di sản thế giới. Nếu những quả núi này bị cắt… cụt đầu để làm sân golf, khu vui chơi giải trí, biệt thự cao cấp, hệ thống khách sạn  sẽ phá vỡ thảm rừng giữ, thấm nước. Mặt khác, đây là dãy núi cao, độ dốc lớn; đỉnh cao nhất là 137 mét. Đất thuộc nhóm Feralit phát triển trên đá sa thạch đang phong hóa, dễ gây sạt lở khi có tác động; ảnh hưởng đến khu vực dân cư sống dưới chân núi và các cơ quan của tỉnh. Khu vực này nhạy cảm, cần bảo vệ nghiêm ngặt để bảo vệ cân bằng sinh thái và tạo điểm nhấn cho khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Những cánh rừng phòng hộ thuộc thành phố Hạ Long có nguy cơ bị biến mất do quy hoạch sân golf

Vi phạm các quy định của Chính phủ và nguy cơ hiểm họa

Nhiều nhà chuyên môn và nhân dân địa phương không đồng tình với quan điểm quy hoạch các sân golf nêu trên; cho rằng, quy hoạch các sân golf của tỉnh vi phạm vào Khoản 2, 4, Điều 1 thuộc Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các dự án sân golf không được sử dụng đất rừng, đặc biệt là không được sử dụng đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng để xây dựng sân golf.

Hơn thế, quy hoạch các sân golf còn vi phạm Điều 29 thuộc Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng.  Điều 29 Nghị định này nêu rõ, các loại rừng được chuyển mục đích sử dụng khác không phải là lâm nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và phải phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và theo các quy định cụ thể khác.

 Mặt khác, theo các chuyên gia sinh vật học, sân golf được làm ở rừng đầu nguồn sẽ là mối hiểm họa khủng khiếp tới sức khỏe của hàng vạn người dân sống ở dưới nguồn, bởi lưu lượng thuốc kích thích cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm mốc sẽ thấm vào đất, nước ngầm và chảy về khu dân cư.

Những cánh rừng được quy hoạch làm sân golf

Dư luận đang hoài nghi…

Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 5 sân golf. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có sân golf Vĩnh Thuận ở Trà Cổ, Tp. Móng  Cái  đã hoạt động;  Dự án sân golf Tuần Châu đang xây dựng, còn lại đang triển khai với tiến độ rất chậm; có dự án lúc khởi động gây ầm ĩ, nay “đắp chiếu”.

Dự án sân golf tại khu đô thị, du lịch sinh thái Văn hóa Hạ Long (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên) triển khai đã lâu nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xong các thủ tục cần thiết để được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép đầu tư.

 Dự án sân golf Yên Lập, Tp. Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và được UBND tỉnh cấp cho chủ đầu tư là Công ty CP Du lịch và Sân golf Hạ Long (Quyết định số 2309/QĐ-UBND ngày 9/7/2004). Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt quy hoạch Công ty không triển khai dự án, do đó UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2188/QĐ-UBND ngày 30/8/2012 về việc chấm dứt hoạt động đầu tư đối với dự án trên.

 Dự án sân golf Khe Chè (huyện Đông Triều)  nằm trong Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng, khu hội nghị, vui chơi giải trí, khu dịch vụ hồ nước, khu biệt thự… với tổng vốn đầu tư 1.584 tỷ đồng (khoảng 75 triệu USD) hình như đã  “chết yểu”.

 …Vậy mà hiện nay, hàng loạt dự án sân golf như: Hùng Thắng, Bãi Cháy, An Biên… vẫn được Quảng Ninh đề xuất đưa vào quy hoạch. Nhiều ý kiến thắc mắc: việc phát triển sân golf với lượng dày đặc như vậy ở một thành phố liệu có cần thiết không? Lại nữa, những dự án cũ thực hiện chưa tốt thì đề xuất tiếp tục “khoanh” quy hoạch sân golf mới để làm gì? Hay tỉnh đề xuất quy hoạch để rồi lại…treo?  Thậm chí, có nhiều ý kiến lo ngại rằng, mai này, dự án sân golf sẽ bị chủ đầu tư “phù phép”, biến tướng so với quy hoạch được phê duyệt để chiếm đất (?).  Thực tế đã chứng minh, nhiều tỉnh thành ban đầu cũng lấy lí do quy hoạch sân golf nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ, họ đã dùng rất nhiều chiêu bài để chuyển đổi mục đích sử dụng đất và chỉ sau một thời gian đã được biến thành các khu đô thị, biệt thự cao cấp để bán. Bởi vậy, những lo ngại trên của người dân nơi đây là có cơ sở.

Mặt khác, sân golf Mỹ Thuận (Móng Cái) đã đưa vào hoạt động gần 10 năm nay, nhưng theo phản ánh của người dân, khách chơi golf và nghỉ ở đây chủ yếu là người Trung Quốc và đến nay thuế Nhà nước vẫn bị thất thu! Nếu các sân sân golf ở Quảng Ninh vẫn được cấp phép đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động thì liệu số người chơi golf được bao nhiêu lượt người đăng ký tham gia? Được biết, khách chơi golf chủ yếu là những đại gia và những người có nhiều tiền – số lượng không nhiều. Vậy, tỉnh Quảng Ninh có cần thiết phải phá bỏ hàng trăm ha rừng chuyển mục đích sử dụng sang làm sân golf và để lại những nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa về môi môi trường và an sinh xã hội như vậy không?

 (Chúng tôi tiếp tục thông tin về quy hoạch dự án sân golf tỉnh Quảng Ninh trong các số báo sau và trên báo điện tử doanhnghiepvn.vn )

Nhóm PV điều tra
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo