Phó tổng giám đốc Deloitte: "Khó thanh tra chuyển giá ở Việt Nam"
Theo lãnh đạo Deloitte Việt Nam, chống chuyển giá là công việc phức tạp, song đội ngũ thanh tra ngành thuế còn mỏng nên nhiều vụ việc nghi ngờ nhưng chưa thể đưa ra kết luận.
Thời gian qua, chuyển giá vẫn là vấn đề gây nhức nhối cho cơ quan quản lý khi hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế có thể đã thất thoát vì hành vi này. Mặc dù Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có những giải pháp, nhưng với lực lượng thanh tra còn mỏng, việc theo dõi, phát hiện và xử lý chuyển giá vẫn gặp những khó khăn. Trước vấn đề này, ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PV về những tồn tại và giải pháp chống chuyển ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị nghi chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam, song các vụ việc mới chủ yếu dừng lại ở nghi vấn mà ít có những trường hợp kết luận chính thức. Ông nghĩ sao về việc này?
Phân tích các thông tin liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ có thể xác định được các đơn vị tiềm ẩn rủi ro trong giao dịch với bên liên kết, ví dụ như các phát sinh lỗ lớn kéo dài, phát sinh nhiều giao dịch với công ty mẹ… Trên cơ sở đó, Cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra chuyển giá tại các đơn vị có nghi vấn.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của hoạt động chuyển giá, giao dịch nội bộ giữa các bên liên kết thường là thông tin bí mật của doanh nghiệp, các phương tiện đại chúng sẽ không có được để mổ xẻ, phân tích. Vậy nên, thông thường chỉ có các con số mang tính thống kê được cơ quan thuế công bố.
Có ý kiến cho rằng như vậy, việc chống chuyển giá chưa phát huy được hiệu quả. Ông đánh giá ra sao về việc này?
Thời gian qua lực lượng thực hiện thanh tra chuyển giá còn quá mỏng, tập trung chủ yếu ở trên Tổng cục Thuế, còn dưới các Cục Thuế chỉ kết hợp các nhân sự ở phòng thanh tra. Do vậy, chỉ có một số đơn vị ở Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương có biểu hiện chuyển giá quá rõ thì cơ quan thuế mới tiến hành thanh tra. Với một số doanh nghiệp khác, do chưa đủ lực lượng cũng như kiến thức, kinh nghiệm về chống chuyển giá nên thực tế chưa triển khai rộng khắp được.
Thanh tra chuyển giá cũng đòi hỏi những nghiệp vụ rất khác so với những sắc thuế khác và cán bộ phải hiểu được mối tương quan trong nghiệp vụ của nước ngoài với Việt Nam, nhiều trường hợp cũng phải trao đổi với các cơ quan nước ngoài để thu thập thông tin của doanh nghiệp đang nghi ngờ. Những kết luận của cơ quan thuế cũng phải trên cơ sở thông tin tính toán chắc chắn, nên cần có thời gian.
Vậy đến bao giờ Việt Nam mới khống chế được chuyển giá?
Việc khống chế chuyển giá thì trên thế giới này chưa có một nước nào làm được, mà chỉ áp dụng các biện pháp khác nhau, kết hợp với công tác thanh tra, để giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động chuyển giá. Đây được đánh giá là công việc rất phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ về chính sách thương mại, kinh tế, hệ thống thủ tục kê khai thuế, hải quan...
Một ví dụ điển hình là hiện nay cơ quan hải quan và cơ quan thuế nội địa vẫn có những mâu thuẫn về lợi ích trong việc xác định giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu. Cơ quan hải quan thì có xu hướng chấp nhận giá kê khai cao để có thể thu được thuế ở khâu nhập khẩu nhiều hơn, trong khi cơ quan thuế thì muốn doanh nghiệp hạch toán giá phí đầu vào thấp để tăng thu nhập chịu thuế.
Thực ra, so với các nước trong khối OECD có nền tảng tuân thủ từ phía người nộp thuế cũng như chính sách chống chuyển giá cách đây hàng chục năm, thì sự phát triển trong cơ sở quy định về xác định giá thị trường, cũng như quy định về thanh tra ở Việt Nam cũng là tương đối nhanh.
Hiện nay, Việt Nam đang có sự hỗ trợ từ các chuyên gia để có thể giảm thiểu thời gian cho giai đoạn nghiên cứu ban đầu về chính sách. Như vậy, quy trình kiểm tra, quản lý thuế cũng sẽ có những khó khăn nhất định để bắt kịp và song hành, nhưng Việt Nam cũng có lợi là sẽ biết được những điểm nào cần tập trung thanh tra. Việc nhân rộng đội ngũ thanh tra về chuyển giá đang được thực hiện, cũng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả của hoạt động thanh tra chống chuyển giá trong những năm tới.
Theo ông, cách chống chuyển giá tốt nhất là gì?
Cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế để người nộp thuế hiểu rõ và giảm thiểu các sai phạm, cũng như tăng cường thanh tra, hậu kiểm, phát hiện các sai phạm, thực hiện điều chỉnh, truy thu và phạt thuế làm các doanh nghiệp chùn tay trong việc áp dụng các hình thức chuyển giá.
Về phương diện chính sách, áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về giá (APA) cũng là biện pháp để cả người nộp thuế và cơ quan thuế đi tới thống nhất về cách doanh nghiệp áp dụng chính sách giá được cơ quan thuế chấp thuận. Song, việc áp dụng APA trên thực tế cũng không phải đơn giản để tìm được tiếng nói chung, nhất là việc cơ quan thuế và doanh nghiệp thỏa thuận về việc áp dụng giá giao dịch trong tương lai.
Ví dụ như doanh nghiệp đăng ký biên độ tỷ suất lợi nhuận là từ 8% đến 10%. Nếu có những ảnh hưởng khách quan về thị trường, chi phí đầu vào khiến tỷ suất lợi nhuận không đạt được, thì có rủi ro là cơ quan thuế sẽ vẫn ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở mức đã đăng ký.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt và vượt mức tỷ suất lợi nhuận đã đăng ký thì cơ quan Thuế sẽ thu thuế thêm trên phần vượt. Phần thuế nộp bổ sung này sẽ được xử lý tương tự như tài sản thuế hoãn lại, và sẽ được dùng để bù trừ với số thuế phải nộp ấn định trong các năm mà tỷ suất lợi nhuận không đạt.
Liên quan đến Metro, họ đã kêu lỗ nhiều năm nên không thể đóng thuế. Nhưng mới đây doanh nghiệp này đã bán lại hệ thống siêu thị với giá 880 triệu USD. Vậy cơ quan thuế có biện pháp gì để có thể đòi lại phần thuế chưa nộp, cũng như tính thuế với khoản thu nhập chuyển nhượng?
Theo đúng Luật Thuế, khi thay đổi sở hữu hoặc mua bán, sát nhập, doanh nghiệp phải thực hiện quyết toán với cơ quan thuế, sau đó mới làm được thủ tục sang tên, thay đổi tổ chức. Vấn đề là trong quá trình quyết toán thuế, cơ quan Thuế có nghi ngờ, tiến hành thanh tra và phát hiện ra hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp hay không. Nếu không có bằng chứng chứng minh rằng doanh nghiệp có hoạt động chuyển giá, biến lãi thật thành lỗ giả để trốn tránh nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách Nhà nước thì khó có thể yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh lợi nhuận để nộp thuế.
Ngược lại, khi cơ quan Thuế tiến hành thanh tra và phát hiện hành vi chuyển giá thông qua giao dịch với bên liên kết; nếu có điều chỉnh làm tăng thu nhập chịu thuế thì buộc nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ của mình mới có thể rời khỏi thị trường Việt Nam.
Chống chuyển giá hết sức phức tạpÔng Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống chuyển giá gặp khó khăn là do hợp tác giữa các nước trong chống chuyển giá không hề đơn giản.
Vnexpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo