Doanh nhân

Phóng viên báo Mỹ tường trình từ điểm nóng Hoàng Sa

Phóng viên hai hãng tin Mỹ có mặt trên tàu cảnh sát biển Việt Nam đã tận mặt chứng kiến sự hung hăng của tàu Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam.

 

Một chiến sĩ trên tàu cảnh sát biển 8003. Ảnh: Bloomberg

 

Phóng viên hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, có ngày, trên màn hình radar của tàu Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 8003 xuất hiện đến hơn 60 tàu Trung Quốc. Các tàu này đều tìm mọi cách ngăn cản tàu Việt Nam tiếp cận khu vực giàn khoan.

Phóng viên Bloomberg thuật lại lời một chiến sĩ cảnh sát biển tên là Bui Son (Bùi Sơn) trên tàu 8003 cho biết, ngày đầu tiên khi tới đây, anh đã thấy tàu Trung Quốc hiện diện dày đặc, bật đèn sáng rực cả một vùng biển. Vào ban đêm, đèn từ giàn khoan Hải Dương 981 sáng tới mức ở cách đó 12 hải lý vẫn có thể nhìn thấy rõ.

Còn theo tường trình của phóng viên báo Mỹ Wall Street Journal có mặt trên tàu CSB 8003, bất cứ khi nào con tàu tới gần giàn khoan trái phép Hải Dương 981 thì đều có 5 - 6 tàu Trung Quốc lao tới cản phá.

Đơn cử như ngày 13/5, phóng viên này đã thấy hơn 10 tàu màu trắng sơn chữ tiếng Trung, một số có dòng chữ "Hải cảnh Trung Quốc" bên mạn bất ngờ xuất hiện khi tàu 8003 tới gần khu vực giàn khoan. Ngay gần đó, một tàu cảnh sát biển Việt Nam khác cũng đang bị 6 tàu Trung Quốc ngăn cản khi cố gắng tiếp cận giàn khoan này.

Trao đổi với phóng viên Wall Street Journal, trung tá cảnh sát biển Nguyễn Duy cho biết: "Các tàu Trung Quốc rất hung hăng, có thể đâm chúng tôi bất cứ lúc nào, cố phá hỏng tàu và các thiết bị của chúng tôi. Chúng tôi vẫn kiên trì với cách tiếp cận hoà bình của mình bằng việc yêu cầu họ rút giàn khoan và tàu ra khỏi khu vực này".

Theo Trung tá Phan Duy Cường, trợ lí tác chiến Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vào ngày 14/5, một tàu cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu 4032 đã bị các tàu Trung Quốc đâm hỏng 20m lan can.

 

Chia sẻ với phóng viên Bloomberg, trung tá Phan Duy Cường cho biết ông đã có mặt trên tàu 8003 kể từ khi nó rời cảng vào ngày 5/5, hướng tới vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trong 3 ngày cuối tuần trước, tàu 8003 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi 5 lần khi cố gắng phá vòng vây mà tàu Trung Quốc tạo ra quanh giàn khoan Hải Dương 981.

 

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 3411 tiến lại gần tàu 8003 mỗi khi tàu 8003 cố gắng tiếp cận giàn khoan. Ảnh: Wall Street Journal

"Tôi tự hào với nhiệm vụ này"

Phóng viên Bloomberg tường thuật lại rằng các chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu 8003 đã nhìn thấy 2 tàu tên lửa trong khu vực cùng một máy bay Trung Quốc bay qua ở độ cao thấp. Trong khi đó, phía Việt Nam vẫn chỉ có các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư. Đại tá Lưu Tiến Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam giải thích với phóng viên: "Chúng tôi không sử dụng hải quân để thể hiện rằng chúng tôi sẵn sàng giải quyết một cách hoà bình..".

Cũng về vấn đề này, thuyền trưởng tàu 8003 Nguyễn Duy Hưng nói với phóng viên Wall Street Journal: "Công việc của chúng tôi là kiên trì các biện pháp hoà bình để khiến Trung Quốc hiểu rằng họ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam và rằng họ nên rời đi".

Trung tá Phan Duy Cường chia sẻ: "Chúng tôi không sợ họ. Chúng tôi được đào tạo để làm việc này và tôi tự hào được làm nhiệm vụ. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp cận giàn khoan và sử dụng loa để thuyết phục phía Trung Quốc rút lui, cố gắng tránh không bị phá hoại".

Phóng viên Wall Street Journal cho biết, sau 4 ngày lênh đênh trên biển, cánh báo chí đã cảm thấy mệt mỏi. Nhưng những người lính cảnh sát biển thì vẫn dẻo dai, kiên cường bám trụ ở từng vị trí được phân công. Cũng ngày hôm đó, các phóng viên được chuyển sang một tàu nhỏ hơn để về đất liền. Còn các chiến sĩ cảnh sát biển thì tiếp tục ở lại bám biển để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, một nhiệm vụ mà như lời trung tá Cường là “rất đỗi tự hào”.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo