Phụ thuộc Trung Quốc: Chỉ thấy hứa và...hứa suông!
Không bao giờ bỏ trứng vào một giỏ, lệ thuộc vào một thị trường là tối kỵ, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại nói.
Không có doanh nghiệp nông sản Việt, chỉ là ăn chặn...
Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh thông tin người nông dân khóc ròng vì giá nhiều loại nông sản như gạo, cao su, ớt đến vải, dưa hấu... giảm mạnh do vào mùa thu hoạch rộ, thị trường tiêu thụ khó khăn. Người dân phải bán đổ bán tháo, thậm chí nhắm mắt chặt cây, vứt bỏ sản phẩm của mình dù họ đã đổ rất nhiều tiền bạc, công sức vào đó.
Tình trạng này là hậu quả của việc kéo dài tập tục, thói quen của thời bao cấp, sản xuất tự cung tự cấp, trong khi nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế thị trường. Người nông dân chỉ biết cặm cụi sản xuất, thấy cái gì bán được giá thì làm, thậm chí thấy giá của năm trước được thì năm sau làm nhiều hơn, chẳng biết làm ra rồi có bán được không.
Cái này đáng lý ra các nhà khoa học phải nhìn thấy từ lâu và cảnh báo cho các bộ quản lý như Bộ Nông nghiệp hay Bộ Công thương, đó là phải thiết lập chuỗi giá trị hàng hóa.
Trước đây, ông Lê Huy Ngọ còn làm Bộ trưởng đã hiểu ra. Ông ấy bảo nông nghiệp bây giờ phải quay 180 độ, tức là trước kia chỉ nhìn vào sản xuất thôi, cái gì làm được năng suất cao là cứ làm nhưng bây giờ phải quay lưng lại nhìn vào thị trường, cái gì bán được mới làm.
Đấy là chuyện của hơn chục năm trước, còn từ đó đến nay, về cơ bản phương thức quản lý của Bộ Nông nghiệp cũng như các cơ quan chức năng, phương thức sản xuất của người nông dân vẫn chưa thay đổi. Tình trạng này còn lặp đi lặp lại nhiều lần, ở con cá tra đến quả dưa hấu, củ khoai lang, củ sắn..., đặc biệt là lúa gạo.
Muốn thay đổi, cán bộ quản lý ngành phải thấy rõ yếu khâu nào đầu tư khâu ấy, người nông dân đừng nhắm mắt sản xuất nữa mà phải có quy hoạch. Cái khó nhất là tìm được thị trường, phải tổ chức lại doanh nghiệp thương mại, nâng cao nghiệp vụ cho các doanh nghiệp này chứ không phải cứ có hàng là mang đi bán.
Thế nhưng doanh nghiệp thương mại Việt Nam không làm như thế, cứ chờ lúc nào có hàng thì gom, tìm chỗ bán được thì bán, đắt rẻ không quan tâm, miễn là có lãi.
Thế nên tại sao gạo của Việt Nam luôn luôn rẻ hơn Thái Lan. Doanh nghiệp thương mại Việt Nam không phải doanh nghiệp thương mại đúng nghĩa sản xuất hàng hóa kinh tế thị trường, chẳng qua chỉ là thương lái ăn chặn, trung gian mà thôi. Đây là điểm yếu, điểm chết của thương mại Việt Nam. Cái yếu này bị thương lái Trung Quốc bắt thóp được nên họ luôn nâng giá lên, khơi nguồn hàng để Việt Nam ào ạt đi mua, mua lên rồi thì họ lại hạ giá, đánh sập xuống, thế là chúng ta lỗ chỏng gọng.
Nông sản Việt Nam rơi vào điều tối kỵ
Thương lái Trung Quốc luôn trên thương lái Việt Nam một cái đầu. Họ rất hiểu thị trường Việt Nam, sẵn sàng mua sản phẩm thô của Việt Nam về tái chế, chế biến để nâng cao giá trị rồi kiếm lời. Gạo Việt Nam nhiều, Trung Quốc có nhu cầu, thế là mang đi bán, có bao giờ thiết lập được chuỗi giá trị, thiết lập được bạn hàng chiến lược đâu? Đấy là lối làm ăn theo kiểu chộp giật, mua đứt bán đoạn không phải là nghiệp vụ, là nghề buôn.
Tương tự, cao su, cà phê... cũng đều ở dạng sơ chế nên chỉ còn cách bán đổ bán tháo cho thị trường Trung Quốc, vốn dễ tính và có sức mua lớn.
Trung Quốc chiếm hơn 40% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, 60% thị trường xuất khẩu cao su, 70% thị trường xuất khẩu thanh long... Khi đã nắm thị phần cao, gần như độc quyền tiêu thụ họ sẽ hạ giá sản phẩm, đặt điều kiện cho Việt Nam và lúc ấy họ được quyền kén cá chọn canh, không mua thì chúng ta chết.
Tôi lấy ví dụ câu chuyện quả dưa hấu. Vào mùa thu hoạch, hàng ngàn xe dưa hấu chết dí ở cửa khẩu Tân Thanh. Một quả dưa 5-6kg bán ngay tại cửa khẩu chỉ có giá 5.000 đồng, chưa được 2 cốc trà đá.
Lệ thuộc vào một thị trường là chết. Chúng ta chưa có nghiên cứu bảo quản quả dưa lâu dài. Dưa chỉ để được 5-10 ngày, nếu có kỹ thuật bảo quản vài ba tháng thì vội chi phải bán rẻ. Tất cả cái đó thuộc về công đoạn 2 là bảo quản, chế biến. Công đoạn 3 là thương mại, phải có bạn hàng chắc chắn, hợp đồng ký trước chừng 1 năm, không mua là phạt, mang lên là phải nhận hàng, tất nhiên là phải làm đúng chuẩn theo yêu cầu của bạn hàng...
Việc người tiêu dùng trong nước, đặc biệt vẫn phải mua dưa hấu với giá 20-25.000 đồng/kg trong khi dưa bị bán đổ bán tháo, để thối hỏng ở cửa khẩu là do thương lái Việt Nam là thương lái nhỏ lẻ làm ăn cò con, chặt chém thị trường là chính. Chỗ kia bán hàng nghìn tấn không thể chặt chém được, bị lệ thuộc vào người mua thì phải chịu giảm giá, còn về đây thương lái Việt bán cho người tiêu dùng, chặt chém được thì chém tới số. Việt Nam chưa có hệ thống thương nghiệp hiện đại. Nếu có hệ thống phân phối tử tế thì giá xuất khẩu và giá trong nước không chênh lệch như thế.
Chỉ thấy hứa và...hứa suông!
Có quá nhiều rủi ro khi bị lệ thuộc vào một thị trường, bất kỳ nước nào cũng tránh cái này.
Nông dân không mang hàng sang Trung Quốc bán, mà họ bị thương lái Trung Quốc vào tận vườn, tận ruộng đặt mua theo kiểu của họ, từ chè bẩn đến lá điều, rễ tiêu... Dân ham lợi thì làm theo mà không biết những trò ấy chỉ làm thiệt mình. Còn những mặt hàng khác Trung Quốc nâng giá, nông dân thấy thế ào ạt làm nhưng sang năm thương lái Trung Quốc biến mất. Thế là bị ế, từ khoai lang đến dưa hấu..., cái gì cũng rẻ.
Phải tổ chức lại thương lái, đây là việc của quản lý nhà nước, không thể để ai cũng mang hàng đi bán, một cân cũng bán, một tạ cũng bán, để cuối cùng cạnh tranh nhau, đánh sụt giá tất cả.
Nếu tổ chức tốt khâu chế biến, khâu thương mại rồi tác động vào nông dân, làm cho nông dân thấy: bán ở đây có thể trong thời vụ rẻ hơn nhưng ổn định, hợp đồng từ đầu đến cuối, được đầu tư trước vốn, vật tư... Khi ấy nông dân không phải lo hàng ế, được mùa mất giá nữa, chỉ cần làm sao cho năng suất cao. Tái cơ cấu, tổ chức mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị lúc ấy người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị.
Vấn đề là không ai làm quản lý cũng biết chuyện ấy. Người làm quản lý kinh tế đều biết phụ thuộc một thị trường là chết nhưng ai lo cái đó? Phải đưa vào chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý, phải có phương án xử lý, chương trình kế hoạch cụ thể chứ không phải chỉ hứa một câu trước Quốc hội là xong.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo