Góc nhìn

Quan chức Bộ Công thường: Không lo doanh nghiệp FDI lấn sân.

Mở cửa thị trường là một cuộc chơi, khai thác thị trường cũng là một cuộc chơi và các doanh nghiệp Việt Nam phải biết tận dụng cơ hội này để phát triển.

Đó là khẳng định của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước trước những lo ngại về thị trường trong nước đang bị các doanh nghiệp FDI lấn sân.

PV: Ông có thể cho biết nhận định của ông về những khó khăn sắp tới của thị trường trong nước?
 
Ông Võ Văn Quyền: Trước mắt thì thị trường Việt Nam đang gặp khó khăn, cũng như một số nước trong khu vực mà nguyên nhân là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính. Sự suy thoái kinh tế đã tác động làm cho GDP suy giảm, thu nhập của người dân thấp kéo theo sức mua yếu hơn so với thời kỳ trước nên hoạt động thương mại sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhìn về tương lai thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và đây là một thị trường hấp dân không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước.
 
Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước
 
PV: Tình trạng hàng giả hàng nhái hiện nay rất phức tập, điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến thị trường trong nước? Và làm thế nào để đẩy lùi được tình trạng hàng giả hàng nhái để phát triển thị trường?
 
Ông Võ Văn Quyền: Trong một thị trường khi có các hoạt động gian lận thương mại dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái … thì một trong những biện pháp để tăng được thị phần là phải hỗ trợ các doanh nghiệp chân chính phát triển thị trường, phát triển sản phẩm. Trong công tác quản lý nhà nước luôn luôn phải nghĩ đến chuyện đấu tranh chống gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Từ trước đến nay, Bộ Công thương và các bộ ngành cũng nhận thức được điều này và đẩy mạnh các hoạt động tăng cường chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Khi đẩy lùi được vấn nạn này thì sẽ tạo điều kiện tốt cho các hoạt động thương mại chân chính phát triển.
 
PV: Hiện nay nhiều người lo ngại thị trường trong nước đang bị khối ngoại lấn sân, ông nghĩ sao về điều này?
 
Ông Võ Văn Quyền: Điều này không đáng lo ngại, theo thống kê từ năm 2007 đến nay trong tổng số cơ cấu thị phần của xã hội thì hiện nay thi phần của các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3,5% thôi. 
 
Thứ hai, đối với các nhà bán lẻ quá trình phát triển cùng với quá trình hiện đại hóa hệ thống phân phối. Hiện nay hệ thống phân phối hiện đại đang chiếm khoảng 20-25%, như vậy còn lại 75% là thương mại truyền thống như chợ (trên 8500 chợ), trên 1 triệu cửa hàng của hơn một triệu các hộ kinh doanh bán lẻ đang chiếm đại đa số. Việc hiện đại hóa cùng với tiềm năng thị trường tiếp tục lớn dần cho nên đây là điều không đáng ngại.
 
Tuy nhiên, phải hiểu rằng đây là một cuộc chơi mở cửa có lộ trình và doanh nghiệp Việt Nam phải biết tận dụng lộ trình đấy để phát triển. Mở cửa thị trường là một cuộc chơi, khai thác thị trường cũng là một cuộc chơi. Trong 700 siêu thị hiện nay thì mới có khoảng 30 siêu thị là của nước ngoài. Hơn 120 trung tâm thương mại thì chỉ có hơn chục trung tâm thương mại là của nước ngoài.
 
Một thị trường mở cửa nếu nhiều thành phần tham gia thì sẽ có áp lực cạnh tranh nhiều hơn, mà áp lực cạnh tranh càng lớn thì thị trường càng phát triển tốt hơn. 
 
PV: Gần đây nhiều ý kiến cho rằng hiện nay các nhà phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ chỉ tập trung tại các khu đô thị, điều này sẽ gây mất cân bằng thị trường giữa nông thôn và thành thị. Quan điểm của ông thế nào?
 
Ông Võ Văn Quyền: Không chỉ gần đây mà theo nguyên tắc chỗ nào tập trung dân số cao, tốc độ đô thị hóa cao thì sức mua sẽ cao. Trong kinh doanh nếu các doanh nghiệp biết tận dụng thị trường ngách mà đi tới thì sẽ thành công. Và đã có hơn 10 siêu thị thành công theo hướng này và hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã đi về khu ngoại thành và nông thôn, những khu vực xa hơn. Vì vậy, câu chuyện ở đây là mỗi doanh nghiệp phải lựa chọn cho mình một hướng phát triển riêng. Có thể lấy ngắn nuôi dài, lấy thành thị nuôi nông thôn, lấy phần dễ để nuôi phần khó khăn như vậy thì ai chiếm lĩnh thị trường sớm thì người đấy sẽ phát triển tốt. 
 
PV: Những chính sách sắp tới của Bộ Công thương đối với hàng bán lẻ Việt Nam để giúp các doanh nghiệp bán lẻ vượt qua thời kỳ khó khăn là gì, thưa ông?
 
Ông Võ Văn Quyền: Thời gian qua Bộ Công thương đã tích cực đưa ra những chính sách để tạo ra sự canh tranh lành mạnh, làm minh bạch thị trường, đảm bảo theo quy định của pháp luật và thực hiện đúng những cam kết đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đưa ra các chính sách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các chính sách liên quan đến hỗ trợ đầu tư, ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ về tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
 
Tiếp tục chương trình hoạt động “người VN ưu tiên dung hàng VN”. Bộ Công thương đã xây dựng các đề án để tăng cường các hoạt động về truyền thông, hỗ trợ các doanh nghiệp về tư vấn, đặt hàng … để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
 
Bộ Công Thương cũng đã đưa ra một loạt các hoạt động như chương trình bình ổn giá, hoặc chương trình kết nối cung cầu. Qua một thời gian thực hiện cho thấy các chương trình này rất có tác dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa sản phẩm của mình vào thị trường, tạo ra các chuỗi hoạt động từ khâu sản xuất đến khâu dịch vụ.
 
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo