Bất động sản

Quản lý xây dựng: “Sai phạm thì về hưu cũng phải mời ra tòa”

"Bây giờ quyền trong tay rồi, Bộ Xây dựng nên đi đầu trong việc quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng, nếu sai phạm thì dù về hưu cũng phải mời ra tòa, chứ không thể hạ cánh an toàn rồi thôi", đại biểu Bùi Thị An đề nghị tại phiên thẩm tra sơ bộ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) sáng 4/9 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

 Gồm 10 chương, 150 điều, dự thảo luật tăng 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng.

 
Nhấn mạnh sự cầu thị của ban soạn thảo và cá nhân Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong việc tiếp thu hoàn thiện dự án luật này, cả cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng dự thảo luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm nay.
 
Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều nội dung cần được làm rõ và hoàn thiện thêm.
 
Ảnh minh họa
 
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật rất lớn, bởi đầu tư có xây dựng hiện chiếm trên 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (đang chiếm gần 30% GDP). Để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này, nhiều quy định đã được sửa đổi theo nguyên tắc dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau sẽ được quản lý theo các phương thức khác nhau.
 
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho biết dự án luật cũng đã bổ sung các chế tài cần thiết để xử lý tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng hiện nay.
 
Điều 128 tại dự thảo luật quy định, đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước, việc thanh lý hợp đồng phải được hoàn tất trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày các bên tham gia hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc hợp đồng bị chấm dứt. 90 ngày là thời gian được áp dụng với hợp đồng có quy mô lớn.
 
Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, để tránh hiện tượng sửa đổi, bổ sung thiết kế, dự toán không sát, nâng giá thành, nâng mức đầu tư để trục lợi thì cần xem xét thêm các điều kiện điều chỉnh dự toán xây dựng.
 
Một số ý kiến tại phiên họp sáng nay cũng đề nghị cần làm rõ thêm nội dung về quy hoạch, cấp giấy phép, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong cấp phép và quản lý xây dựng.
 
Chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý xây dựng hiện nay, đại biểu Bùi Thị An nhìn nhận, mặc dù đã phân cấp song nếu Bộ Xây dựng tích cực vào cuộc cùng các địa phương thì có thể giải quyết được nhiều sai phạm, như với vấn đề nhà siêu mỏng siêu méo ở Hà Nội.
 
Đại biểu Phùng Đức Tiến cũng cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của người phê duyệt tổng mức đầu tư, vì trên thực tế, "nhiều khi cứ để mức thấp để thò được một chân vào đã, sau đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến tham nhũng, tiêu cực".
 
"Phải thể hiện rõ hơn quyền của dân, nên có đại diện của dân tham gia ngay từ đầu", đại biểu Phạm Xuân Thăng góp ý.
 
Ông Thăng cũng đề nghị quy định rõ hơn việc phân cấp phân quyền, bởi hoạt động xây dựng ở xã phường hiện rất sôi động nhưng không có đủ nhân lực để quản lý.
 
"Nên tách riêng một chương về thanh tra kiểm tra, thời gian vừa qua yếu kém nhất là kiểm tra và xử lý sai phạm", Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng phát biểu.
 
Theo ban soan thảo, sự tham gia giám sát của cộng đồng chủ yếu được thực hiện đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn lực đóng góp của nhân dân thông qua mặt trận tổ quốc ở các cấp và các đoàn thể thành viên.
 
Cơ quan thẩm tra đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư đối với giám sát việc thực hiện pháp luật về xây dựng.
 
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án luật theo hướng quản chặt hơn vốn ngân sách, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng.
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo