Quan niệm kinh doanh "độc" của nhà sáng lập thương hiệu Tsafari-Hồ Trần Dạ Thảo
Công nghiệp thời trang tại Việt Nam còn khá non trẻ và chưa phát triển bài bản, kinh doanh trong lĩnh vực này là một cuộc chơi đầy thử thách cho những ai đã lỡ dấn thân. Hồ Trần Dạ Thảo là một trong số đó. Mười năm trong nghề với vai trò doanh nhân – nhà thiết kế, chị đã nếm đủ thành công lẫn thất bại để trụ lại với nghề. Có lúc, việc kinh doanh tạm ngưng, chị phải làm nhiều việc từ đi dạy, tư vấn thời trang… để tích lũy thêm vốn liếng và kinh nghiệm.
* Là người phụ trách sáng tạo của Tsafari, chị có thể chia sẻ điều gì đã tạo nên phong cách vừa truyền thống lại vừa hiện đại, vừa có chút nổi loạn trong các thiết kế? Có phải đó cũng là tính cách riêng của Hồ Trần Dạ Thảo?
- Có cha mẹ là người gốc Huế, tôi cũng bị ảnh hưởng phần nào nét thâm trầm, truyền thống của người con gái Huế và yêu thích văn hóa Á Đông. Sau khi làm thời trang và muốn gầy dựng thương hiệu riêng, tôi đưa những nét văn hóa ấy vào các sản phẩm. Tôi nghĩ, đây sẽ là nét độc đáo tạo nên phong vị riêng của Tsafari nếu muốn thâm nhập thị trường quốc tế.
Còn về sự nổi loạn, thú thật vì lúc nhỏ khá được nuông chiều nên tính tôi khá ương bướng. Nhớ lại thời ấy, tôi nghĩ mình thật sự xấu tính vì chưa từng biết nghĩ đến tương lai hay nghĩ cho người khác, tôi chỉ quan tâm đến bản thân mình. Phải cảm ơn biến cố gia đình năm tôi học lớp 7, nếu không có nó chắc tôi đã trở thành một người khác chứ không được hiểu chuyện và trưởng thành như bây giờ.
* Biến cố đó như thế nào và một người ương bướng như chị đã thay đổi ra sao?
- Nhà tôi có ba anh em. Dù không phải là con út nhưng vì có vẻ ốm yếu, mong manh nên tôi luôn được nuông chiều nhất. Tôi đã thích làm gì thì ít ai dám cản, nước mắt là vũ khí siêu hạng được tôi sử dụng trong những lần bị la rầy, cấm đoán.
Nếu gia đình không gặp khó khăn buộc tôi phải đi học nghề kiếm thêm tiền, tôi nghĩ mình sẽ mãi là đứa trẻ bướng bỉnh muốn gì được nấy. Nhờ biến cố đó, tôi trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn và luôn có sự chuẩn bị trước những tình huống rủi ro.
* Việc học thời trang có nằm trong hoạch định của chị? Được biết ban đầu chị học ngành tiếng Anh rồi sau đó mới học thêm thời trang?
- Thực tế là khái niệm thời trang khi đó mới đến nỗi chẳng mấy ai biết. Dù có khiếu mỹ thuật và yêu thích may vá nhưng tôi đã thi vào ngành tiếng Anh với ý định sẽ trở thành giáo viên.
Hầu hết sinh viên xuất thân từ tỉnh lẻ như tôi đều canh cánh nỗi lo ra trường không có việc làm nên tốt nhất là chọn con đường an toàn. Vậy mà, thời trang như duyên nợ không thể tránh khỏi.
Đang học năm thứ hai ngành tiếng Anh, tôi biết được thông tin một trường thời trang danh tiếng của Úc mở khóa học đầu tiên tại Việt Nam. Linh cảm cho tôi biết đây là cơ hội không thể bỏ lỡ và tôi gọi điện ngay về cho cha mẹ.
Hiển nhiên là họ phản đối kịch liệt, thế nhưng nước mắt và sự ương bướng của tôi vẫn thắng. Họ bán bò, bán heo đóng học phí cho tôi đi học. Số tiền ấy khoảng 10 triệu đồng, bằng năm năm học phí ở các trường công bấy giờ.
Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo
* Tính đến thời điểm ấy, có vẻ tính ương bướng của chị vẫn không thay đổi…
- Sự ương bướng lần này có kế hoạch và bắt nguồn từ suy nghĩ cho tương lai. Từ khi học đại học, tôi đã rất lo lắng về công việc của mình khi ra trường.
Tôi nghĩ nếu chỉ học một ngành tiếng Anh, khi tốt nghiệp tôi sẽ khó cạnh tranh được với các bạn cùng trang lứa, còn nếu học thêm một ngành khác sẽ giúp mình dễ tìm việc làm hơn. Hiển nhiên, học hai trường áp lực gấp đôi so với trước.
Thời điểm đó, bạn bè ai cũng bảo tôi khùng. Vất vả với ngành tiếng Anh vốn nhiều kiến thức hàn lâm đã đành, nay thêm lịch học của ngành thiết kế có lắm bài thực hành khiến tôi càng đầu tắt mặt tối. Tôi miệt mài khổ luyện suốt hai năm ròng rã.
Cũng may trời không phụ người, tôi tốt nghiệp ngành tiếng Anh và có thêm tấm bằng thủ khoa ngành thiết kế. Cơ hội tìm việc của tôi cũng rộng mở hơn bạn bè. Tôi đầu quân về Ninomax khoảng ba năm trước khi đạt giải về thiết kế và mở thương hiệu Tsafari.
* Trong làng thời trang, chị là người có duyên với các giải thưởng. Vì sao chị không chọn con đường gắn bó với sàn diễn và ra mắt những bộ sưu tập mới để nổi tiếng hơn (như nhiều nhà thiết kế vẫn làm) mà lại chọn con đường kinh doanh vốn nhiều rủi ro và không dễ thành công?
- Xuất thân là dân tỉnh và không có tiềm lực tài chính, tôi xác định chỉ có thể dựa vào sức mình để tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm nếu muốn tiến xa hơn trong nghề. Tôi tìm đến các cuộc thi như một cách để khẳng định tên tuổi và giúp mình có thêm sự tự tin, thế nhưng tôi không muốn sống quá lâu trong ánh hào quang đó. Giải thưởng cho tôi cơ hội tiếp cận nền công nghiệp thời trang của các nước tiên tiến để định hình việc kinh doanh một thương hiệu của riêng mình.
Tôi vẫn nhớ chuyến đi năm 2005 sang Singapore để tham gia khóa khọc của Học viện thiết kế Raffles Lasalle. Đó cũng là lần đầu tiên tôi ra nước ngoài. Cảm giác thật giống gái quê lên tỉnh, cái gì cũng mới mẻ.
Tôi học được ở những doanh nhân Singapore cách làm thời trang bài bản, có nghiên cứu, định vị khách hàng để hoạch định chiến lược kinh doanh. Tôi cũng tâm đắc mô hình sản xuất hàng loạt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phong cách riêng của họ. Tôi muốn mang những điều đó áp dụng cho thương hiệu của mình ở Việt Nam.
* Công việc kinh doanh, quản lý đối với một người chuyên về sáng tạo ắt hẳn không dễ dàng. Chị đã đối mặt với những khó khăn gì và vượt qua như thế nào? Có lúc chị đã phải tạm ngưng kinh doanh để làm công việc khác…
- Khởi nghiệp với số vốn 50 triệu đồng, thế mạnh của tôi không phải là tiềm lực kinh tế. Dù vậy, tôi khá chắc với hướng đi của sản phẩm khi tập trung vào đối tượng nữ trung và cao cấp vì chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thị trường một cách bài bản.
Tập trung vào nền văn hóa Á Đông với những hình ảnh hoa văn đậm nét châu Á như họa tiết chạm trổ lâu đời hay văn hóa dân gian… cũng là một điểm mạnh về nhận diện thương hiệu. Thế nhưng, việc quản lý và dung hòa giữa sự sáng tạo – kinh doanh luôn là bài toán khó.
Mở công ty, tôi phụ trách việc thiết kế lại kiêm luôn khâu sản xuất, quản lý cửa hàng, quản lý nhân sự, gặp gỡ đối tác, chịu trách nhiệm về doanh thu… Những việc này không xa lạ vì tôi có nhiều kinh nghiệm khi làm việc cho các công ty khác, thế nhưng, va chạm rồi mới thấy còn rất nhiều thứ mình phải học.
Ngoài chuyện mình tự tạo ra một hình mẫu lạnh lùng để quản lý nhân viên, tôi còn phải học cách quản lý tài chính, xây dựng quy trình làm việc chuyên nghiệp, rõ ràng và minh bạch.
Một lần nọ, bộ phận sản xuất đi lấy vải nguyên liệu ở một cửa hàng quen. Vì là đối tác lâu năm nên chúng tôi không kiểm hàng, về đến xưởng mở hàng ra mới thấy cây vải đã bị cắt vụn. Coi như mình mất tiền để có thêm một bài học.
Thời gian đầu, việc kinh doanh khá thuận lợi nhưng dần dà, áp lực khiến tôi mệt mỏi và mất dần cảm hứng sáng tạo. Khi những gì mình làm ra có vẻ không phải của mình mà gần như theo ý khách hàng, tôi thấy mình mất phương hướng.
Với người làm việc sáng tạo, cảm hứng là kim chỉ nam hành động. Khi không còn thứ ấy, những cố gắng đều trở nên vô nghĩa. Và tôi nghĩ đến chuyện tạm dừng kinh doanh để bản thân nghỉ ngơi cũng như vạch lại hướng đi.
* Lần trở lại thị trường gần đây của Tsafari cũng lại khởi nguồn từ một cuộc thi thời trang. Chị có thấy mình quá may mắn trong nghề khi luôn đoạt giải trong những thời điểm quan trọng như vậy?
- Dù đến với những cuộc thi luôn cần thực lực và tài năng nhưng tôi thấy mình may mắn khi giành được những giải thưởng giá trị, không chỉ về mặt vật chất mà là cơ hội để học hỏi từ các nước khác.
Giải thưởng cuộc thi Doanh nhân thời trang trẻ quốc tế do Hội đồng Anh tổ chức năm 2008 một lần nữa mở cho tôi cánh cửa để trở lại với đam mê kinh doanh khi tôi có cơ hội đi London giao lưu cùng các doanh nhân thời trang ở xứ sở sương mù.
Ngoài nền thời trang phát triển lâu đời, các doanh nhân Anh rất chú trọng giá trị bền vững mà việc kinh doanh mang lại cho cộng đồng. Họ có tầm nhìn xa về việc xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường quốc tế.
Tôi học được ở họ phong cách làm thời trang có ý nghĩa cũng như cách để biến tâm huyết của mình trong mỗi sản phẩm, bộ sưu tập trở thành câu chuyện đi vào lòng người. Bên cạnh đó là cách sống không quá cuồng vội, chạy theo áp lực mà phải biết tận hưởng, học hỏi để cảm hứng sáng tác luôn ở lại với mình.
Điều đầu tiên khi trở về Việt Nam, tôi đã làm một việc mà ai cũng bảo hết sức điên rồ là… bán nhà để… đi du lịch. Tôi tận hưởng cuộc sống sau những tháng ngày chỉ biết lao vào kiếm tiền.
Tôi đi nhiều nơi, đến những nước có nền mỹ thuật phát triển để quan sát, học hỏi, cảm nhận về nhịp sống của mỹ thuật đương đại. Và kết quả là sự trở lại lần này như một cú lột xác ngoạn mục.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu của tôi không dừng lại ở thời trang nữa mà còn là văn hóa, phong cách sống của phụ nữ hiện đại. Tôi cũng không còn đóng khung mình trong các mẫu thời trang chỉ đáp ứng thị hiếu mỹ thuật theo văn hóa truyền thống, để dành thêm thị phần cho các trang phục có tính ứng dụng cao hoặc các sản phẩm theo xu hướng thị trường.
* Thế nhưng, dù hiện nay được nhiều chị em phụ nữ yêu thích nhưng thương hiệu của chị chỉ mới dừng lại ở thị trường trong nước với một cửa hàng…
- Kinh doanh cũng như yêu, không nên quá vội vàng mà phải chọn đúng thời điểm. Tôi từng ra Hà Nội thường xuyên tìm hiểu thị trường khi nhiều khách hàng hối thúc tôi mở cửa hàng ở đó.
Thế nhưng, khi nghiên cứu kỹ thói quen mua sắm của người Hà Nội, tôi phát hiện dù họ có nhu cầu cao và chi khá mạnh tay nhưng lại có xu hướng mua sắm khi đi du lịch. Do đó, tôi đã tạm dừng việc mở rộng kinh doanh tại đây.
Bên cạnh đó, làm thời trang không giống các ngành khác, tìm đối tác am hiểu thị trường để đi đường dài cùng mình là điều không dễ. Các nhà đầu tư người Việt thường muốn kiểm soát mọi thứ khi đã bỏ tiền ra nên rất khó để hợp tác trong ngành sáng tạo như thời trang.
Đến nay, tôi vẫn quyết định đi một mình. Tsafari hiện đang sống được nhờ doanh thu bán hàng khá tốt với 50% khách hàng từ kênh online, 50% từ kênh truyền thống. Chúng tôi đang tạo công ăn việc làm cho nhiều thợ may nữ.
Kế hoạch mở rộng chắc chắn sẽ trong tương lai gần, vì tôi đang nhờ các chuyên gia về tài chính tiến hành minh bạch hóa sổ sách, hoàn thiện khâu quản lý và xây dựng một kế hoạch kinh doanh bài bản. Tôi tin một thương hiệu độc đáo và mô hình kinh doanh bền vững sẽ có thể thu hút sự hợp tác từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
* Hiện nay, chị tâm đắc với bộ sưu tập nào nhất của mình, vì sao? Thông điệp chị muốn truyền tải qua những sản phẩm là gì?
- Các sản phẩm của tôi đậm phong cách Á Đông, từ họa tiết cung đình Huế thường thấy trên các sản phẩm đến các mẫu in hoa, lá… Thế nhưng bộ sưu tập tôi tâm đắc nhất đến thời điểm hiện nay là các sản phẩm in chân dung người phụ nữ Á Đông.
Nhiều khách hàng thắc mắc tại sao chân dung cô gái của tôi lại rực rỡ nhiều màu sắc nhưng lại có một biểu cảm sâu lắng như vậy. Thực ra, đó là những người phụ nữ, người chị, người bạn… tôi đã gặp đâu đó trong đời mình.
Họ bươn chải, vất vả, có người khá giả, có người thu nhập chỉ ở mức trung bình… nhưng trong thẳm sâu tâm hồn, họ vẫn luôn khao khát được yêu thương, muốn vươn lên trong xã hội và được nâng niu, trân trọng. Do đó, bộ sưu tập này và nhiều sản phẩm khác, ngoài mong muốn được nâng niu vẻ đẹp và tâm hồn người phụ nữ, tôi mong họ đừng đóng khung mình trong một khuôn khổ mà hãy tự tin bước ra thế giới bên ngoài để trải nghiệm những điều mới mẻ, để nắm bắt nhiều cơ hội mới và vươn xa hơn.
* Tsafari đã có thành công nhất định nhưng đến nay, ngoài các cuộc thi, chị vẫn chưa tham gia các show diễn thời trang với một bộ sưu tập chính thức nào. Vì sao?
- Vì đây chưa phải thời điểm thích hợp. Tôi tự nhận mình vẫn cần thêm thời gian để tìm thêm ý tưởng cho một bộ sưu tập bài bản.
Sàn diễn thời trang hiện nay không thiếu tác phẩm na ná nhau hay được biến tấu các bộ sưu tập thời trang của nước ngoài. Để có một bộ sưu tập, các nhà thiết kế quốc tế phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức, họ đầu tư ý tưởng, chất liệu đa chiều nhưng vẫn nhìn thấy tổng thể của bộ sưu tập chứ không đơn giản như các nhà thiết kế Việt Nam hiện nay, cứ nghĩ làm vài chục mẫu trên cùng một chất liệu rồi biến tấu các kiểu dáng thì gọi đó là bộ sưu tập.
Bên cạnh đó, một số show thời trang hiện nay chỉ dừng lại ở việc trình diễn bản thân của nhà thiết kế mà thiếu sự kết nối với thị trường. Tôi thấy đây là một sự lãng phí lớn và vô hình trung đã làm những người trẻ đắm mình trong ánh hào quang mà quên đi việc phục vụ thị trường số đông.
Là người kinh doanh, việc đầu tư làm bộ sưu tập phải mang lại lợi nhuận và giúp tôi tiếp cận khách hàng. Tôi sẽ làm việc đó khi thị trường của Tsafari đủ rộng.
* Là khách mời của nhiều chương trình thời trang khu vực và các nước châu Âu, chị thấy khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước như thế nào? Chúng ta cần cải thiện điều gì để giúp thời trang Việt phát triển nhanh hơn trong tương lai?
- Đối với các thương hiệu thời trang Việt Nam, việc xâm nhập thị trường châu Âu chắc chắn không dễ dàng vì họ đã có rất nhiều nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, theo khảo sát của tôi trong những lần mang mẫu sang Anh, Thụy Sĩ, khách hàng đã nhận diện được phong cách Á Đông và yêu thích kiểu dáng hiện đại của sản phẩm.
Bất lợi lớn nhất của chúng ta là khoảng cách xa, rất khó trong khâu quản lý nếu tự mở cửa hàng và bán sản phẩm. Tìm đối tác làm đại lý hoặc nhượng quyền thương hiệu là một giải pháp hiện nay, tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt có quy mô sản xuất nhỏ và quy trình quản trị chưa bài bản sẽ là một thách thức lớn.
Để công nghiệp thời trang Việt Nam phát triển, ngoài chính sách nhà nước và tầm nhìn xa hơn của doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt cũng cần thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm may mặc.
Hiện nay, nhiều người Việt vẫn quan niệm sản phẩm may mặc phải là sản phẩm thủ công, được chăm chút từng li từng tí. Nhiều người đặt tôi thiết kế riêng một sản phẩm chỉ để đến công sở. Tôi cho rằng đây là một sự lãng phí.
Ngành may mặc châu Âu đã qua thời kỳ tương tự và người tiêu dùng chấp nhận công nghiệp hóa để phát triển ngành may mặc. Tôi nghĩ đó cũng sẽ là tương lai của Việt Nam nếu chúng ta có chiến lược và sự kiên trì.
* Không ít lần chị nói về việc gia đình hối thúc chuyện chồng con. Do chị quá cầu toàn nên chưa tìm được người thích hợp hay việc yêu đương thực sự không cần phải vội?
- Với tôi, chồng phải là một người bạn, một người đồng hành thật sự hiểu mình. Tôi cần giá trị cuộc sống hơn một người chồng chỉ sống với nhau bằng trách nhiệm và nghĩa vụ.
Tôi từng gặp nhiều phụ nữ lấy chồng vì gia đình hối thúc, giờ hối hận thì chuyện cũng đã rồi. Vậy nên những lúc cô đơn, tôi nghĩ đó đơn giản là một nốt trầm cần có trong cuộc sống và lúc đó tôi đọc sách bổ sung kiến thức, học cách tìm sự an bình.
Tôi khá tích cực, cởi mở cho những cuộc gặp gỡ, nhưng vì khá cầu toàn và nghệ sĩ nên tìm được một người đàn ông có những điểm tương đồng với mình không dễ. Cũng may, cuối cùng tôi đã tìm được một người như vậy.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Tổng hợp theo Doanhnhansaigon/DNSGCT
End of content
Không có tin nào tiếp theo