Quốc gia nào hảo tâm nhất thế giới?
Theo một xếp hạng được công bố mới đây, Myanmar và Mỹ là hai quốc gia dẫn đầu thế giới về mức độ tốt bụng của người dân. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 79/145 trong danh sách này.
Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp, Quỹ Hỗ trợ từ thiện (CAF), tổ chức có trụ sở ở London, Anh, thực hiện báo cáo CAF World Giving Index, tạm dịch là Chỉ số Hảo tâm Thế giới CAF. Chỉ số này là một thước đo đơn giản và dễ hiểu về hành vi từ thiện của người dân các quốc gia trên toàn toàn cầu.
Điểm số CAF World Giving Index được tính bằng bình quân tỷ lệ phần trăm số người ở mỗi quốc gia tài trợ tiền, làm tình nguyện viên, và giúp đỡ người lạ. Báo cáo năm 2015 khảo sát 145 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 96% dân số toàn cầu. Kết quả cho thấy, Myanmar, Mỹ, và New Zealand là 3 nước hảo tâm nhất thế giới.
Theo CAF, báo cáo năm nay có một số tín hiệu tích cực là bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, người dân khắp thế giới sẵn sàng góp tiền mặt nhiều hơn để làm từ thiện.
Ở Myanmar, 92% người dân từ 15 tuổi trở lên góp tiền cho từ thiện, tỷ lệ cao nhất thế giới. Ngoài ra, 50% người dân Myanmar từ 15 tuổi trở lên làm tình nguyện viên, cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới. Điểm hảo tâm của Myanmar là 66%.
Tại Mỹ, 75% dân số trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ, 44% dân số trên 15 tuổi làm tình nguyện viên. Điểm hảo tâm của nước này là 61%.
Tại New Zealand, tỷ lệ dân số trên 15 tuổi góp tiền làm từ thiện và làm tình nguyện viên tương ứng lần lượt là 73% và 45%. Điểm hảo tâm của New Zealand theo tính toán của CAF là 61%.
Xếp ở vị trí thứ 79/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trong xếp hạng này, Việt Nam đạt mức điểm hảo tâm 31%. Theo CAF, tỷ lệ người dân Việt Nam trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ là 53%, góp tiền làm từ thiện là 25%, và dành thời gian làm tình nguyện viên là 14%.
Trung Quốc xếp thứ 144/145, được điểm hảo tâm 12%. Tỷ lệ người dân Trung Quốc trên 15 tuổi giúp đỡ người lạ, làm từ thiện bằng tiền, và dành thời gian làm tình nguyện viên tương ứng lần lượt là 23%, 8% và 4%.
Trong số các nước Đông Nam Á được xếp hạng, Việt Nam đứng trên Campuchia (vị trí 46, điểm 40%). Còn lại, ngoài Myanmar, Việt Nam đứng sau Malaysia (vị trí 10, điểm 52%); Thái Lan (vị trí 19, điểm 48%); Indonesia (vị trí 22, điểm 46%); Singapore (vị trí 34; điểm 43%); và Philippines (vị trí 46, điểm 40%).
Pháp đứng ở vị trí thứ 74, với điểm số hảo tâm là 32%. Sau vụ khủng bố đẫm máu hôm 13/11, người dân ở thủ đô Paris của Pháp được truyền thông quốc tế ca ngợi vì những hành động nhân ái như mở cửa cho du khách không có chỗ ở, xếp hàng hiến máu giúp các nạn nhân bị thương...
Đức, quốc gia “trải thảm đỏ” đón khoảng 1 triệu dân di cư trong năm nay, đứng vị trí 20 thế giới về mức độ tốt bụng, với điểm số hảo tâm là 47%.
Quốc gia bị cho là ít hảo tâm nhất thế giới trong số 145 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng là đất nước châu Phi Burundi. Điểm số hảo tâm của nước này là 11%.
Theo CAF, báo cáo năm nay có một số tín hiệu tích cực là bất chấp những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, người dân khắp thế giới sẵn sàng góp tiền mặt nhiều hơn để làm từ thiện. Ngoài ra, giới trẻ cũng là những người tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện hơn là người nhiều tuổi.
Đây là lần đầu tiên trong 6 năm CAF thực hiện báo cáo nam giới tích cực ủng hộ tiền cho hoạt động từ thiện hơn là phụ nữ. Tính chung, cuộc thăm dò của CAF nhận thấy có 2,2 tỷ người trên toàn thế giới giúp đỡ người lạ trong năm nay, 1,4 tỷ người ủng hộ tiền cho từ thiện, và 1 tỷ người làm tình nguyện viên.
An Huy/VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo