Doanh nhân

Quý 1 đã có gần 80 doanh nghiệp báo lỗ

Số doanh nghiệp báo lỗ quý 1/2016 chiếm khoảng 13%, vị trí quán quân lỗ hiện đang thuộc về Nhiệt điện Phả Lại.

Tính đến thời điểm này đã có trên 600 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán công bố BCTC quý 1/2016 trong đó đã có gần 80 doanh nghiệp báo lỗ, chiếm tỷ trọng khoảng 13%, tổng mức lỗ ròng của 80 doanh nghiệp này là gần 678,3 tỷ đồng. Có thể thấy một số vấn đề nổi bật trong nhóm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong quý 1 như sau:

Thủy điện, nhiệt điện cùng báo lỗ

Hiện vị trí quán quân lỗ trên hai sàn niêm yết đang thuộc về Nhiệt điện Phả Lại, nguyên nhân lỗ của PPC là do tỷ giá biến động khiến trong kỳ doanh nghiệp này chịu lỗ tỷ giá 261,54 tỷ đồng dẫn đến mức lỗ ròng gần 157 tỷ đồng. Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) cũng chịu lỗ tỷ giá trong kỳ gần 46 tỷ đồng khiến LNST âm gần 19 tỷ đồng.

Danh sách thua lỗ còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp thủy điện, hiện tượng El Nino trong những tháng đầu tiên của năm 2016 đã gây khó cho các doanh nghiệp thủy điện khắp từ Bắc vào Nam, Cả 3 doanh nghiệp Thủy Điện Thác Mơ (TMP), Thủy điện Sông Ba (SBA) và Thủy điện Miền Nam (SHP) đã cùng nhau báo lỗ trong quý 1/2016 trong đó SHP chịu mức lỗ lớn nhất hơn 54,3 tỷ đồng nguyên nhân là do hiện tượng El Nino khiến lượng nước về thấp dẫn đến sản lượng điện quý 1 giảm mạnh so với cùng kỳ. Mức lỗ của TMP và SBA lần lượt là 1,66 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp báo lỗ.

Khoáng sản gặp khó

Từ khi Chỉ thị 02/CT-TTg được ban hành năm 2012 cấm xuất khẩu khoáng sản thô trừ dầu mỏ và than đá, ngành này bắt đầu rơi vào giai đoạn khó khăn. Không những thế khi thuế khai thác tài nguyên được điều chỉnh tăng và tình trạng sụt giảm của giá nguyên vật liệu trên thị trường thế giới càng đẩy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Lợi nhuận sụt giảm thậm chí thua lỗ là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp khoáng sản ngay trong quý đầu tiên của năm 2016.

Trong quý 1/2016, đầu tiên phải kể đến công ty khoáng sản của ông Đặng Thành Tâm - Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn (SQC) với mức lỗ gần 30 tỷ đồng, tới đây vào ngày 19/5 oàn bộ 110 triệu cổ phiếu SQC sẽ bị hủy niêm yết do kết quả kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tiếp. Tiếp đó, không thể không kể đến khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) với sự kiện Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng bị khởi tố đã báo lỗ quý 1/2016 con số 11,6 tỷ đồng, trong đó chi phí tài chính lên tới 24,5 tỷ đồng, tăng 205% so với cùng kỳ năm trước - chủ yếu là chi phí lãi vay. Một doanh nghiệp khoáng sản khác là chế biến khoáng sản Lào Cai (LCM) cũng báo lỗ 8,8 tỷ đồng.

Doanh nghiệp họ P cũng lỗ nhiều

Doanh nghiệp dầu khí báo lỗ.

Ngành dầu khí đã trải qua năm 2015 đầy gian khó khi giá dầu thế giới liên tục lao dốc. Và với biến động giá dầu trong những tháng đầu năm 2016 đã khiến các doanh nghiệp dầu khí kinh doanh kém thành công.

Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) ghi nhận mức lỗ ròng 18 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 40 tỷ đồng, đáng chú ý trong kỳ PVB không hề ghi nhận doanh thu từ hoạt động bọc ống, vốn là nguồn thu chính của công ty như những năm trước, mà chỉ phát sinh doanh thu hoạt động khác hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hoạt động bọc ống vẫn ngốn tới gần 18 tỷ đồng.

Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) cũng lỗ hơn 9 tỷ đồng, tuy nhiên con số này còn khả quan hơn so với mức lỗ tới 15 tỷ đồng của cùng kỳ. Doanh thu thuần quý 1/2016 chỉ vài chục triệu đồng, trong khi chi phí lại tăng so với cùng kỳ nên Địa ốc Dầu khí (PVL) ghi nhận lỗ quý thứ tư liên tiếp với hơn 3 tỷ đồng.

Và một số cái tên thua lỗ đáng chú ý khác....

Đầu tiên phải kể đến khoản lỗ gần 64 tỷ đồng của Thuận Thảo (GTT), doanh thu không đủ bù đắp chi phí cộng với khoản lỗ khác gần 41 tỷ đồng khiến GTT chịu lỗ nặng - đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp GTT chìm trong thua lỗ. Mới đây, HoSE đã ra quyết định hơn 43.5 triệu cp GTT sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 30/05. Kể từ khi niêm yết đến nay giá cổ phiếu GTT đã giảm 93% và hiện đang giao dịch quanh mức 1.000 đồng/cp.

Mặc dù có lãi từ hoạt động kinh doanh nhưng các khoản chi phí vẫn ở mức cao khiến lỗ ròng hợp nhất của Vosco (VOS) ở mức gần 47 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. Sacom (SAM) mặc dù doanh thu chỉ giảm nhẹ nhưng các khoản chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 3 tỷ đồng.

Vinacafé Biên Hòa (VCF) cũng đã gây bất ngờ khi báo lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý 1/2016, đây là lần đầu tiên VCF báo lỗ từ khi niêm yết vào năm 2011. Theo VCF, nguyên nhân thua lỗ là do trong kỳ Công ty thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chiết khấu và quảng bá sản phẩm nên chi phí bán hàng tăng mạnh.

Hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp niêm yết khác vẫn chưa công bố BCTC quý 1/2016, theo đó con số thua lỗ có thể còn tiếp tục tăng lên.

Cafef/InfoNet/HNX&HSX

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo