Quyền lực mềm của đệ nhất phu nhân Trung Quốc
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân là bà Bành Lệ Viện vừa có chuyến thăm tới nước Anh. Ngoài những lý do liên quan đến hợp tác kinh tế và ngoại giao là những điều thu hút được sự chú ý của thị trường tài chính và các nhà đầu tư phương Tây, bà Bành cũng là nhân vật thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
Bà Bành Lệ Viện đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao công chúng (public diplomacy) của Trung Quốc. Nếu như ngoại giao truyền thống là sự trao đổi giữa chính phủ với chính phủ và chỉ diễn ra trong những không gian khép kín, ngoại giao công chúng sẽ cởi mở hơn vì có sự tương tác với nhân dân, với công chúng.
Tên tuổi của Phu nhân chủ tịch Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện, không còn xa lạ với người dân trong nước và quốc tế. Người phụ nữ 52 tuổi ấy đã từng có một sự nghiệp lẫy lừng là một ca sĩ dân gian biểu diễn tại hơn 50 quốc gia và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình nhà nước với những ca khúc ca ngợi Đảng Cộng sản. Bà đồng thời cũng là Thiếu tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Năm 2013 khi mà ông Tập vừa được bầu làm chủ tịch nước, bà Bành đã được biết đến bởi hầu khắp người dân Trung Quốc là một biểu tượng ca hát nhạc dân gian, tuy rằng khởi đầu của bà khiêm tốn hơn nhiều so với chồng mình.
Hình ảnh bà Bành Lệ Viện bên cạnh Nữ hoàng Anh trong khuôn khổ chuyến thăm tới Anh vừa qua của vợ chồng ông Tập Cận Bình
Hành trình sự nghiệp
Là con gái của một giáo viên và ca sĩ hát nhạc opera, bà Bành sinh năm 1962, tại tỉnh Sơn Đông. Nhiều nguồn tư liệu cho rằng gia đình bà đã có khoảng thời gian khó khăn dưới thời Cách mạng văn hóa của chủ tịch Mao Trạch Đông, nhưng tài năng ca nhạc của bà luôn là niềm hy vọng cho gia đình và sau đó đã được bồi đắp tại trường Nghệ thuật Sơn Đông chuyên về dòng nhạc dân gian Trung Quốc.
Sau đó bà gia nhập Nhạc viện Bắc Kinh. Thời gian này, bà thường xuyên gửi tiền về cho gia đình cũng như giúp đỡ các sinh viên nghèo bằng tem lương phẩm.
Ở tuổi 21, tên tuổi bà Bành Lệ Viện nổi lên sau khi biểu diễn trong chương trình gala đầu năm trên truyền hình. Bà nhanh chóng trở thành nghệ sĩ quen thuộc của mọi gia đình.
Bành Lệ Viện gặp Tập Cận Bình năm 1986 khi mà ông còn là một quan chức. Trong một bài phỏng vấn năm 2011 của tờ Guardian, bà Bành chia sẻ những cảm xúc về người chồng của mình khi hai người mới gặp gỡ: “Trái tim tôi như ngừng đập. Liệu đó có phải người chồng lý tưởng của đời mình? Một người đàn ông đơn giản với những ý tưởng lớn.”
Họ có một người con gái. Cô tốt nghiệp trường đại học Harvard vào năm ngoái.
Kể từ khi là Đệ nhất phu nhân Trung Quốc khi ông Tập chính thức trở thành Chủ tịch năm 2013, bà luôn được biết đến là người dẫn đầu xu hướng. Phong cách ăn mặc của bà được nhận xét có nhiều điểm tương đồng với cựu Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni Sarkozy, phu nhân Tổng thống Mỹ - bà Michelle Obama và phu nhân Thủ tướng Anh – bà Samatha Cameron.
Trong mắt dân chúng, bà luôn là biểu tưởng của sự đơn giản, thanh lịch. Bà thường xuyên xuất hiện tại các chương trình nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bà là Đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới về phòng chống bệnh lao và HIV/AIDS, đồng thời là Đặc phái viên UNESCO về tiến bộ giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ.
Quyền lực mềm
Mối quan hệ giữa người đàn ông quyền lực và người vợ quốc dân từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho dân chúng Trung Quốc. Cuối năm ngoái, một video ca nhạc nói về tình yêu của vợ chồng ông Tập đã được báo chí chính thức Trung Quốc đưa tin và công bố. Ca khúc này nhanh chóng lan truyền trên mạng và được sự ủng hộ đông đảo của người dân.
Tác giả bài hát, nhạc sĩ Song Zhigang trao đổi với báo chí rằng, bài hát không chỉ ca ngợi mối tình huyền thoại giữa ông Tập và phu nhân. Bài hát được tung ra trong khi ông Tập đang thực hiện chiến dịch “đả hổ” của mình. Cho thấy, bà Bành thể hiện cho sức mạnh mềm của quốc gia. Bà Bành Lệ Viện hiện đang xếp thứ 57 trong bảng xếp hạng 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Cafef/Trí thức trẻ/CNBC
End of content
Không có tin nào tiếp theo