Doanh nhân

Quyền Tổng giám đốc ABBank: Các “nữ tướng” ngân hàng giỏi hơn đàn ông!

Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình, ông Cù Anh Tuấn chia sẻ, phương châm trong công việc của ông là đam mê. Khi có đam mê sẽ hoàn thành tốt công việc và những điều tốt đẹp sẽ đến. Trong giới tài chính, ông cũng rất ngưỡng mộ các “nữ tướng”, đặc biệt là bà Băng Tâm.

Ngày 15/10 vừa qua, ABBank được Moody’s đưa ra đánh giá tín nhiệm lần đầu tiên cùng mức với các ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm cao nhất. Trước đó ngân hàng cũng thay đổi nhân sự cấp cao, ông Cù Anh Tuấn được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc. Nhân dịp này, người viết có cơ hội gặp gỡ và nghe ông Tuấn trao đổi về công việc, hoạt động ngân hàng cũng như một số phương châm trong cuộc sống.

Ông Cù Anh Tuấn, Q. Tổng giám đốc ABBank

Ông Cù Anh Tuấn, Quyền Tổng giám đốc ABBank

PV: Xin chào ông Tuấn. Trên cương vị mới là “thuyền trưởng” của ngân hàng. Ông có tự tin với vai trò mới của mình?

Ông Cù Anh Tuấn: Cảm ơn bạn. Tôi đã có thời gian làm việc ở ABBank hơn 1 năm và tất nhiên phải tự tin tôi mới dám nhận vị trí này chứ. Còn về hiệu quả công việc như thế nào, hẹn bạn 1 năm nữa chúng ta sẽ trao đổi (cười).

Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề ngân hàng?

Tôi từng có thời gian dài công tác tại SCIC và 3 năm ở ngân hàng Techcombank. Tuy học ngân hàng nhưng lại không theo ngành này từ đầu, mãi đến năm 2011 mới có duyên.

Trước đó tôi làm Giám đốc tài chính trong tập đoàn, là thành viên đầu tiên của Việt Nam tham gia CPA của Úc. Khi chị Băng Tâm về SCIC làm chủ tịch thì tôi tham gia SCIC. Sau đó đến 2014 tôi chuyển sang ABBank.

Trong công việc hay bất cứ điều gì, tôi luôn tâm niệm là phải có đam mê, cống hiến. Khi đam mê thì sẽ làm tốt và mọi thứ sẽ đến với mình.

Không ít ngân hàng vừa trải qua giai đoạn khó khăn và sóng gió, cả hệ thống cũng đang quyết liệt với hoạt động tái cơ cấu, còn ở ABBank thì sao thưa ông? Dường như mọi thứ đang khá tĩnh lặng?

Hệ thống ngân hàng đã và đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, và kết quả thì như bạn thấy đấy, chúng ta không còn những “cú sốc” liên quan tài chính ngân hàng dù có không ít chuyện xảy ra, vấn đề thanh khoản cũng được đảm bảo, hệ thống đang được thanh lọc và gọn gàng hơn.

Còn nhớ giai đoạn 2012, khi một số thành viên của ngân hàng ACB rơi vào vòng lao lý, hoạt động ngân hàng thời điểm đó khá nhạy cảm. Nhưng vừa qua, kể cả các trường hợp ngân hàng 0 đồng hay bị kiểm soát đặc biệt thì thị trường tài chính vẫn ổn định.

Ở ABBank, chúng tôi không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc, nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng tái cơ cấu chung, và chúng tôi đã tái cơ cấu một cách toàn diện từ nhân sự đến hoạt động quản trị, quản lý. Đề án tái cơ cấu ngân hàng của ABBank được NHNN phê duyệt, ABBank báo cáo hàng tháng. Đến nay có thể nói về cơ bản tái cơ cấu đã thành công tốt đẹp, đảm bảo thời gian.

Kết quả kinh doanh của ABBank 9 tháng đầu năm thế nào thưa ông?

Qua 9 tháng đầu năm chúng tôi đạt lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng và tự tin với kế hoạch 300 tỷ đồng cả năm đã được ĐHCĐ giao cho.

Trong hoạt động ngân hàng, tín dụng đổ vào bất động sản đang được khá nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình trạng bong bóng. Còn ông nhận định thế nào?

Nhu cầu nhà cửa đất đai hiện nay rất gần với thực tế, sau một thời gian dài trầm lắng, nhiều dự án đang hồi phục. Và có thể nói gọn, khả năng hấp thụ tín dụng bất động sản trên thị trường là thực tế. Những lo ngại của các chuyên gia là chính đáng nhưng tôi thấy rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng.

ABBank có cho vay nhiều bất động sản không thưa ông?

Chúng tôi có cho vay bất động sản nhưng phân bổ theo tỷ lệ hợp lý. Hiện nay ABBank tập trung cho vay cá nhân, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn hơn thì chúng tôi cho vay nhiều các khách hàng và đối tác, nhà thầu của EVN.

Vậy EVN thoái vốn khỏi ngân hàng có ảnh hưởng đến hoạt động cho vay?

EVN thoái vốn là theo lộ trình của nhà nước và không ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của chúng tôi.

Chúng tôi cũng phải cạnh tranh các dịch vụ với một loạt ngân hàng để có thể trở thành ngân hàng EVN lựa chọn để cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Đối với các nhà thầu EVN đến với ngân hàng không phải do EVN chỉ đạo mà do tự thân ngân hàng tìm tới họ.

Còn các cổ đông lớn Maybank, IFC, Geleximco có hỗ trợ gì liên quan vốn và hoạt động không? Nếu có cơ hội để tìm kiếm một nhà đầu tư nước ngoài nữa, ABBank có sẵn sàng đón nhận?

Maybank và IFC, EVN, Geleximco hỗ trợ chúng tôi về quản lý. Chẳng hạn EVN họ là cổ đông lớn, nên ABBank có ưu thế am hiểu hoạt động của các thành viên tập đoàn hơn, cũng am hiểu rủi ro trong ngành, EVN cũng tư vấn cho chúng tôi vì thế chúng tôi hiểu được khách hàng tốt hơn và cho vay nhà thầu với ưu thế riêng.

Về khả năng nới room cho khối ngoại và lựa chọn nhà đầu tư thì các cổ đông hiện hữu của chúng tôi đang mong nới room để họ có thể tăng đầu tư (hiện room cho khối ngoại đã hết, ở mức 30%). Các nhà đầu tư khác nếu có quan tâm và tiềm năng khác cùng chính sách mới của nhà nước thì chúng tôi cũng sẽ không bỏ qua cơ hội này.

Nợ xấu của hệ thống hiện nay được báo cáo đã về dưới 3%, vẫn nhiều ý kiến cho rằng đó là ảo, còn ông nhận định thế nào?

Nợ xấu bao nhiêu do cách áp dụng các chuẩn khác nhau và chúng ta đang theo chuẩn mà NHNN đề ra. Có nhiều con số nợ xấu là điều dễ hiểu vì có thể cùng một món nợ tôi phân loại theo chuẩn này bạn phân loại theo chuẩn kia. Hay có thể người ta tính cả khoản nợ bán choVAMC thì rõ ràng tỷ lệ nợ xấu phải cao lên.

Nhưng dường như các ngân hàng không mấy mặn mà bán nợ cho VAMC?

Có chứ, ngân hàng nào cũng muốn bán, trừ những ngân hàng sợ trích lập dự phòng mới không dám bán nợ.

NHNN ép các ngân hàng bán nợ cho VAMC mới lộ rõ số liệu nợ xấu thực, còn không thì rất khó xác định. Việc bán nợ sẽ buộc các ngân hàng phải xử lý nợ xấu thực sự qua việc trích lập dự phòng rủi ro qua các năm.

Ở ABBank, tính đến hết tháng 9 năm nay, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,76%. Từ đầu năm đến hết tháng 9/2015, chúng tôi đã bán nợ cho VAMC là hơn 400 tỷ đồng, không thuộc đối tượng bắt buộc bán nợ. Và ngân hàng cũng đã thu nợ được 656 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm chúng tôi không bán nợ nữa.

Mới đây ngân hàng được Moody’s lần đầu tiên xếp hạng tín nhiệm nhưng đã nằm trong nhóm các ngân hàng có xếp hạng tín nhiệm cao nhất, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Mooy’s là 1 trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất, trong đó ở Việt Nam hãng này xếp hạng cho 10 ngân hàng. Chúng tôi được xếp hạng tốt vì có các chỉ số an toàn ở mức cao. Đây là cơ sở để HĐQT và Ban điều hành định hướng cho các hoạt động của mình trong thời gian tiếp theo, hướng đến hoạt động quản trị chuẩn mực quốc tế. Cụ thể là chúng tôi sẽ hướng tới tăng trưởng ổn định, tập trung vào các khách hàng SMEs và khách hàng cá nhân.

Dịp trao đổi với ông lần này thật thú vị là trùng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Thống kê cho thấy, trong hệ thống có tới 20% là nữ làm quản lý ngân hàng, nhiều nhà băng có có CEO và chủ tịch là nữ giới. Ông đánh giá thế nào về các “nữ tướng” ngành ngân hàng Việt Nam?

Thực sự thì phụ nữ ít lợi thế hơn đàn ông trong việc làm quản lý. Vì cương vị đứng đầu ngân hàng rất áp lực, thiếu thời gian, người đàn ông lại có bản năng là gánh vác và đương đầu khó khăn, trong khi đó phụ nữ ngoài công việc họ còn có thiên chức về gia đình, con cái.

Tôi chẳng thể nói phụ nữ và đàn ông ai làm CEO sẽ tốt hơn, mà chỉ có thể nói phụ nữ ít lợi thế hơn chúng tôi. Và một khi phụ nữ đã ở vị trí này, thì chắc chắn rồi, họ giỏi hơn đàn ông!

Trong số các nữ tướng tài chính hiện nay, ai là người ông ngưỡng mộ nhất?

Tôi không làm việc và không hiểu nhiều về các nữ tướng, nhưng tôi thực sự ngưỡng mộ chị Băng Tâm, hiện là chủ tịch HĐQT của Vinamilk và HDBank.

Xin trân trọng cảm ơn ông! Chúc ông sức khỏe và thật thành công trên cương vị mới ở ngân hàng An Bình!

Cafef/Tri thức trẻ

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo