Rất ngại chính sách ‘sáng đúng chiều sai’
“Hiện xã hội đang có cái nhìn méo mó, sai lệch về doanh nhân. Chính vì vậy cần cải cách mạnh mẽ để lấy lại hình ảnh của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường, để đội ngũ doanh nhân thực sự là động lực cho quá trình phát triển của đất nước”. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thẳng thắn đưa ra nhận xét như thế tại Diễn đàn Doanh nhân năm 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 19-9.
Doanh nghiệp ngại thể chế
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng trong 10 năm gần đây chưa bao giờ DN khó khăn như lúc này. Hàng trăm ngàn DN “chết mà chưa chôn”. “Chỉ trong thời gian ngắn, con số không nhỏ DN chết cho thấy đó là chuyện bất bình thường. Vì sao lại như vậy? Theo tôi, thứ nhất do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng có một điều tôi rất đau buồn là do cải cách thể chế. Hay nói cách khác, DN mất nhiều có một phần không nhỏ do thể chế, chính sách” - ông Minh nhấn mạnh.
Ông Minh phân tích: DN hình thành và tồn tại phải có ba điều kiện là vốn, con người và thể chế chính sách. Thế nhưng trong thời gian qua quản lý nhà nước còn nặng giải pháp hành chính, nặng chống nhẹ xây nên chỗ nào cũng dột. Điển hình là câu chuyện siết chặt đầu tư tuy mang lại một số kết quả nhưng các cơ quan say sưa chiến thắng nên siết chặt trong thời gian dài khiến nhiều DN chết.
“Doanh nhân họ không ngại gì với những thách thức khó khăn của thị trường nhưng họ rất ngại các chính sách thể chế, giấy phép theo kiểu sáng đúng chiều sai, sang mai lại đúng, bên tây thì đúng bên đông thì sai… Từ đó, DN không thể suy nghĩ dài hạn được mà phải đối phó hằng ngày với những thay đổi của chính sách” - TS Cung cảnh báo.
Rào cản từ cỗ máy con người
Đi vào khó khăn cụ thể, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, kể lại câu chuyện trần ai đi xin giấy phép xuất nhập khẩu của công ty bà vào năm 1996. “Chúng tôi thành lập DN đầu tiên khi chưa có Luật DN. Để xin giấy phép xuất nhập khẩu, chúng tôi phải mất hơn một năm với rất nhiều giải trình gửi đến nhiều cấp khác nhau. Tôi nêu lại câu chuyện này để có thể thấy rằng nếu như môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng và nhận thức của chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho DN” - bà Hưởng nói.
Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho rằng với thể chế hiện nay hở tí là DN bị vướng. Chẳng hạn như cơ chế một cửa đưa ra với mục đích rất tốt cho người dân và DN nhưng trên thực tế là đẻ ra một cửa khó nhất. “Tưởng rất hay nhưng lại làm cho DN dừng ngay cửa đầu tiên. Nhiều DN đem hồ sơ đến nộp bị cán bộ soi chưa đủ lại cầm về. Có DN ba năm chưa nộp được một bộ hồ sơ. DN bây giờ hay gặp khó ở địa phương nên nhiều khi họ phải giải quyết từ cấp trên lại nhanh” - ông Quân bức xúc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng thể chế cuối cùng cũng là con người. “Rào cản lớn nhất hiện nay là cỗ máy con người chứ không phải máy móc. Tại sao thời gian làm thủ tục hành chính dài như vậy? Hay chúng ta vẫn giữ lại chế độ quan liêu trong lịch sử? Điều quan trọng là phải tìm được nút thắt để tháo gỡ để thay đổi. Trong đó phải có chính sách quan tâm đến chính đội ngũ cán bộ thực hiện thủ tục hành chính. Với lương bổng của cán bộ, công chức như thế này, không có tham nhũng mới là chuyện lạ!” - ông Quốc lưu ý.
Một sân chơi thông thoáng, bình đẳng
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng điều Việt Nam cần làm lúc này là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách để tạo sân chơi công bằng cho các DN tư nhân để họ tiếp cận công bằng hơn với các nguồn lực như đất đai, tín dụng… “Chính phủ phải giảm bớt sự can thiệp vào lĩnh vực tư nhân, thực hiện các chính sách cổ phần hóa và cho phép các DN tư nhân phát triển” - bà Victoria Kwakwa đề nghị.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho rằng thời gian tới, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ là chặn đường vô cùng khắc nghiệt của doanh nhân Việt Nam. Vì vậy cần sự đột phá về tư duy, suy nghĩ của đội ngũ doanh nhân. Về phía Nhà nước cần mạnh dạn thực thi chính sách và làm chính sách sát với thực tế bằng cách đưa giới doanh nhân tham gia vào bộ máy nhà nước để thấy được sự vất vả của DN hiện nay. “Trên thực tế có những cái chúng tôi nói Nhà nước không hiểu được và còn những cái Nhà nước ban hành thì chúng tôi không làm theo được”.
Ông Minh cũng đề nghị sớm ban hành luật hoạt động các hội để tiếng nói của các hiệp hội có trọng lượng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN. Đồng thời phải có cơ chế chính sách thực sự thông thoáng, an toàn và bền vững để DN mạnh dạn đầu tư. “Đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện cơ chế chính sách ban hành đi vào cuộc sống. Không để tình trạng nghị định, thông tư xa rời cuộc sống”.
Sẽ sửa quy định về con dấu
Con dấu DN hiện nay cũng lắm phiền toái và đang làm tình làm tội cho nhiều DN. Nhiều vụ việc cho thấy khi con dấu của DN bị giữ “nhầm” thì DN gặp không ít rắc rối. Vì vậy chúng tôi đang nghiên cứu cải cách con dấu để tạo thuận lợi cho DN. Chỉ một việc nhỏ thôi là con dấu sẽ do DN tự khắc và đăng ký với cơ quan kinh doanh. Còn việc sử dụng thì tùy trường hợp theo quy định. Chỉ một số trường hợp cần thiết mới sử dụng con dấu, còn những trường hợp không quy định bắt buộc phải có con dấu thì chỉ cần chữ ký của đại diện DN là đã hợp pháp. Nếu cải cách nhỏ này thôi cũng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho DN. Vấn đề này sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận để làm sao ban hành chính sách giảm gánh nặng thủ tục cho DN.
Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
End of content
Không có tin nào tiếp theo